Ngạc nhiên: “thịt hổ” giá... 2.000 đồng/gói

Thời gian gần đây, ở Hà Nội rộ lên thông tin chỉ với 2.000 đồng là có thể mua được thịt... “ông ba mươi”. PV đã tìm hiểu thực hư thông tin xung quanh tin đồn này...

Chỉ 2.000 đồng mua được gói... “thịt hổ”

Đem thông tin về thịt hổ khô được bán “rẻ như bèo” đến những địa chỉ chuyên cung cấp thịt khô (bò khô, trâu khô, nai khô…), PV đều nhận được những cái lắc đầu: “Ối dào, thịt hổ ở đâu ra mà rẻ thế? Mà từ trước tới giờ, chúng tôi không bán thịt hổ khô- động vật cấm, ai dám bán?”.

Để kiểm chứng thông tin về sản phẩm thịt hổ khô đang được bày bán trên thị trường Hà Nội, PV lên mạng đặt hàng thịt khô. Tuy nhiên, thông tin mà PV nhận được từ các cửa hàng online đều là câu trả lời không bán loại khô hổ (thịt hổ khô - PV).

Ngạc nhiên: “thịt hổ” giá... 2.000 đồng/gói - 1

 “Thịt hổ” được bán phổ biến ở thị trường. Ảnh minh họa

Chủ một cửa hàng online gặng hỏi lại PV: “Bây giờ vẫn còn nhiều hổ đến thế hay sao mà chỉ cần 2.000 đồng mua được cả một gói thịt? Thịt bò, thịt nai khô giá đã rất đắt từ 450 - 700 nghìn đồng (tùy loại)/kg mà thịt hổ - động vật trong sách đỏ - lại có giá “bèo” thế, em kiểm tra lại thông tin đi”.

Sau khi tiếp cận với 3 đầu mối chuyên bán thịt khô, chúng tôi đã có những thông tin cần thiết từ bà Mai (người bản địa ở Điện Biên, Lai Châu - PV) chuyên cung cấp các loại thịt bò, thịt trâu và thịt nai khô về Hà Nội. Theo thông tin mà bà Mai “cập nhật” cho chúng tôi, loại “thịt hổ” khô mà trên thị trường đang rộ lên là loại thịt có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. Còn thịt hổ khô thì rất hiếm nơi bán, hầu như là không có.

Theo chia sẻ của bà Mai, phần lớn đặc sản mà bà cung cấp về Hà Nội chủ yếu sản phẩm núi rừng của Điện Biên và hàng đánh từ Campuchia về. Tuy nhiên, sản phẩm thịt hổ khô bà có nghe nói ở Capuchia bán nhưng bà chưa từng đặt hàng.

Quay lại câu chuyện, “thịt hổ” được bán ở Hà Nội với giá siêu rẻ, bà Mai cho biết đó là một loại quà phổ biến dành cho trẻ nhỏ được bán trên thị trường. Chỉ với giá 2.000 đồng, các em nhỏ có thể mua được gói…"thịt hổ". Từ thông tin bà Mai cung cấp, PV đã đến các chợ bán lẻ, các quầy bán đồ khô để “săn” loại thịt hổ độc nhất vô nhị này.

Tại cửa hàng bà Thu “béo” (Trương Định, Hà Nội), khi chúng tôi  hỏi về loại thịt hổ khô, bà Thu đưa ra một thùng với những gói nhỏ, ở phía ngoài có hình con hổ và chi chít chữ nước ngoài. Theo tìm hiểu của PV, loại “thịt hổ” thực chất chỉ là món quà vặt cho trẻ nhỏ, bề ngoài có mầu sắc rất bắt mắt và in hình con hổ.

Bà Thu cho biết: “Tôi cũng chẳng biết đó là thịt gì, nhưng ăn thấy vừa chua, cay và ngọt nên bọn trẻ rất thích”. Cũng theo bà Thu, mỗi ngày bà bán được 200 - 300 gói “thịt hổ”. Mặc dù không biết món thịt này được làm từ nguyên liệu gì (vì ngoài bao bì của sản phẩm toàn tiếng nước ngoài -PV) nhưng với cái tên “thịt hổ” thì phần lớn trẻ nhỏ nào khi được hỏi cũng biết về món quà vặt đó.

Bà Thu thật thà nói: “Quà cho trẻ nhỏ lấy đâu ra mà đắt. Chỉ cần bỏ ra 30.000 đồng, chúng tôi đã mua được gần 20 loại quà vặt khác nhau, hầu hết các sản phẩm đều không hề ghi nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, thời hạn sử dụng”.

Theo khảo sát của PV, ở hầu hết các cổng trường và những quầy tạp hoá đều có thể dễ dàng mua những sản phẩm quà vặt của trẻ nhỏ, đặc biệt là món… “thịt hổ”. Để tìm hiểu về nguồn gốc của các sản phẩm này, trong vai người đi lấy hàng về bán chúng tôi được một chủ quầy tạp hoá ở chợ Đồng Xuân cho biết: “Người ta giao hàng đến tận nơi với giá buôn, chúng tôi cũng không đi lấy trực tiếp nên chẳng biết nguồn gốc hàng xuất phát từ đâu”.

Tại chợ Đồng Xuân, chúng tôi dễ dàng tìm thấy một số quầy tạp hoá bày hàng thùng những sản phẩm như “thịt hổ”, với giá bán buôn rẻ hơn các quầy tạp hoá và những quán nước gần cổng trường học nhiều lần.

Ngạc nhiên: “thịt hổ” giá... 2.000 đồng/gói - 2

Ông Nguyễn Thanh Phong- Cục An toàn vệ sinh thực phẩm

Mua “thịt hổ” được... bột mì

Sau một hồi quan sát về món “thịt hổ”, tôi thắc mắc, không biết nó được làm từ nguyên liệu gì mà lại có giá rẻ như vậy? “Thịt hổ” gì mà lại… siêu rẻ?

Trong quá trình tìm hiểu về món “thịt hổ”, tôi nhận được phản ánh từ em Nguyễn Trung Kiên (học sinh lớp 3C, trường Tiểu học Giáp Bát, Hà Nội) về loại “thịt hổ” được bán phổ biến ở các cổng trường. Theo lời kể của Trung Kiên, món “thịt hổ” này được các bạn trong lớp em rất thích.

Nhân câu chuyện “thịt hổ” làm từ bột mì, bà Mai cho biết:  “Rất nhiều loại thịt khô trong nước cũng bị làm giả. Với những người có kinh nghiệm thì không quá khó khăn để nhận ra đâu là thịt bò và đâu là thịt lợn. Nhưng với thịt bò khô đã được “nhào nặn” ra thành phẩm, việc phân biệt lại khó khăn hơn nhiều. Bởi màu sắc và hương vị của thịt đã được các cơ sở chế biến thực phẩm sử dụng hương liệu và hóa chất để thay đổi giống hệt thịt bò thật”.

Theo lời bà Mai, sau khi mua thịt lợn nạc, người ta sẽ phân loại thịt để làm thịt bò khô dạng sợi, miếng và viên theo độ lớn nhỏ và dày mỏng của miếng thịt. Công đoạn tiếp theo là ướp hàn the để thịt có độ tươi và săn. Cho nhiều hàn the thì thịt heo sẽ săn chắc gần như thịt bò. Rồi công nghệ làm màu, làm dai… được các chủ cơ sở trộn với hóa chất. Để tạo độ tin tưởng về sản phẩm, họ còn trộn thêm một lượng thịt bò thật vào thịt lợn”.

Kiểm soát chặt việc dùng hoá chất đối với thực phẩm

Mượn câu chuyện chế biến thịt khô trong nước, bà Mai nói: “Ngay cả ở Điện Biên, có những nơi vì lợi nhuận họ dùng hóa chất đề hô biến thịt lợn sề, heo chết thành thịt bò khô”. Rõ ràng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài được “núp” dưới những cái tên “thịt hổ” rất cuốn hút trẻ nhỏ. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục An toàn vệ sinh thực phẩm khuyến cáo: “Những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định phải thu hồi. Đặc biệt, những sản phẩm cho trẻ em thì chất lượng càng phải kiểm soát nghiêm ngặt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Giang (Người Đưa Tin)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN