Nga-Trung ký thỏa thuận khí đốt 400 tỉ USD

Thỏa thuận này chứng tỏ mối quan hệ liên minh lợi ích giữa Nga và Trung Quốc.

Ngày 21/5, Nga và Trung Quốc đã ký thỏa thuận khí đốt trị giá tới 400 tỉ USD, đánh dấu sự xoay trục của ngành khí đốt Nga sang châu Á trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine đang lên cao.

Hợp đồng khí đốt có thời hạn 30 năm này được coi như một nước cờ quyết liệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm dịch chuyển lợi ích thương mại của mình sang phía Đông và thể hiện mối quan hệ nồng ấm bất ngờ giữa Nga và Trung Quốc.

Mặc dù giá trị hợp đồng này lên tới 400 tỉ USD, song giá khí đốt mà Trung Quốc mua của Nga thì lại không được tiết lộ vì đây là “bí mật thương mại”. Các chuyên gia tin rằng mức giá này gần với mức mà Nga đề xuất hơn là mức giá Trung Quốc đưa ra.

Nga-Trung ký thỏa thuận khí đốt 400 tỉ USD - 1

Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Ông Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận định thỏa thuận này là “tin tốt cho cả hai nước”. Ông nói: “Các đòi hỏi chính trị từ đôi bên lớn đến mức họ có thể vượt qua rào cản về giá cả. Đây là một hành động mang đậm tính chính trị của hai nước.”

Đối với Nga, “đòi hỏi chính trị” này chính là sức ép ngày càng lớn từ các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây đối với vấn đề Ukraine, và Nga đang hơn lúc nào hết cần một đồng minh lớn để chống đỡ. Trong khi đó, Trung Quốc lại cần sự ủng hộ của Nga đối với các hành động quyết liệt của họ trong tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng.

Sự “trung lập” của Trung Quốc trong vấn đề Ukraine đã bắt đầu thay đổi và Trung Quốc đang ngày càng ngả về phía Nga, tuy nhiên ông Shi vẫn cho rằng thỏa thuận khí đốt này không phải là bước thay đổi căn bản trong mối quan hệ “liên minh lợi ích chứ không phải đồng minh” giữa hai nước.

Ông Shi cho rằng thỏa thuận khí đốt này là một minh chứng cho “sự hợp tác có chọn lọc vì tình hình hiện nay ở Đông Âu, Tây Thái Bình Dương và Đông Á”, tuy nhiên nhiều vấn đề mà hai bên cùng quan tâm vẫn chưa thể khỏa lấp được bất đồng.

Ông Sergei Utkin, chuyên gia chính trị tại Học viện Khoa học Nga nhận xét: “Thỏa thuận này cho thấy thực tế rằng Nga đã và sẽ luôn có nhiều lựa chọn để phát triển quan hệ. Nguy cơ cô lập đến từ phương Tây sẽ không trở thành hiện thực.”

Trước đó, hai bên cũng đã đạt được những thỏa thuận quan trọng như xây dựng tuyến cầu đường sắt đầu tiên dọc đường biên giới và sản xuất xe hơi Trung Quốc tại Nga.

Trước khi đặt chân đến Trung Quốc, ông Putin đã tuyên bố với báo chí rằng Trung Quốc là một “người bạn đáng tin cậy”. Báo chí Trung Quốc cũng tỏ ra săn đón ông Putin một cách nhiệt tình trong chuyến thăm của ông tới Thượng Hải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo ABC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN