Nga bực mình vì bị TQ nhái chiến đấu cơ hiện đại
Trung Quốc vừa sản xuất một loạt chiến đấu cơ có mẫu mã gần như y nguyên máy bay Su-30MK2 của Nga.
Mới đây, Tạp chí Quốc phòng Kanwa (Canada) cho hay sau khi phát hiện qua ảnh vệ tinh rằng Tập đoàn Máy bay Thẩm Dương (Trung Quốc) đã sản xuất được 8 chiếc chiến đấu cơ đa dụng J-16, các quan chức hàng không Nga đã tố cáo Trung Quốc nhái mẫu máy bay của mình trái phép.
Theo nhà phân tích quân sự Andrei Chang, tác giả của bài báo trên, tám chiếc chiến đấu cơ J-16 này đều được sơn màu vàng, tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ chúng sẽ được bàn giao cho không quân hay hải quân Trung Quốc. Điều chắc chắn là số chiến đấu cơ đa dụng trên sẽ thay thế máy bay J-11B cũ kỹ của Trung Quốc trong các trận không chiến.
Chiến đấu có J-16 do Trung Quốc tự sản xuất
Ông Chang cho biết trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã hạn chế sản xuất các loại chiến đấu cơ như J-15, J-16 và J-11B vì Nga không chịu bán thêm động cơ AL31F cho họ, trong khi Trung Quốc chưa đủ khả năng công nghệ để sản xuất loại động cơ này.
Không có những động cơ do Nga sản xuất, quân đội Trung Quốc không thể triển khai với số lượng lớn các loại chiến đấu cơ hiện đại. Tuy nhiên, đến năm 2013, nước này đã bắt đầu cho lắp động cơ tự chế Taihang vào máy bay chiến đấu F-16 và bắt đầu đưa vào thử nghiệm.
Tạp chí Quốc phòng Kanwa cho hay Nga đã rất bực mình khi biết Trung Quốc âm thầm tự phát triển chiến đấu cơ J-16 mà không hề xin phép Nga, bởi mẫu máy bay này gần như sao chép nguyên xi mẫu chiến đấu cơ tân tiến Su-30MK2 của Nga.
Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích quốc phòng vẫn đặt câu hỏi về các hệ thống được trang bị trên mẫu chiến đấu cơ tự chế này của Trung Quốc, đặc biệt là hệ thống radar điện tử vốn là một ưu thế vượt trội của Su-30MK2. Bởi vậy, họ cho rằng J-16 chỉ là một bản sao không hoàn hảo của Su-30MK2 và không thể sánh được với máy bay Nga về tính năng kỹ chiến thuật.
J-16 bị cho là bản sao không hoàn hảo của chiến đấu cơ Su-30MK2
Trong khi đó, tờ National Interest xuất bản ở Mỹ thì cho hay mặc dù gặp nhiều hạn chế trong việc sản xuất máy bay, Trung Quốc hiện lại đang sở hữu những loại vũ khí không chiến có thể đe dọa Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ nếu xung đột vũ trang nổ ra.
Theo đó, không quân Trung Quốc giờ đây không còn là một lực lượng “nông dân” không có khả năng vượt qua biên giới, mà giờ đây họ đang phát triển nhiều loại vũ khí để có thể cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực Đông Á và thậm chí là trên toàn cầu.
Hệ thống đáng phải kể đến đầu tiên là vũ khí siêu thanh WU-14 có vận tốc gấp từ 5 đến 10 lần vận tốc âm thanh và rất khó có thể ngăn chặn được bằng các hệ thống phòng không hiện nay. Trung Quốc đã thử nghiệm WU-14 vào hôm 7/8 và có ý định trang bị đầu đạn hạt nhân cho loại vũ khí cực nhanh này.
Vũ khí siêu thanh WU-14 do Trung Quốc thử nghiệm
Đứng thứ hai là máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm đường không KJ-2000, có thể phát hiện máy bay đối phương ở khoảng cách gần 500 km, ngoài tầm hoạt động của các radar mặt đất hiện nay ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.
Thứ ba là máy bay ném bom chiến lược H-6 do Trung Quốc tự chế tạo và phát triển dựa trên mẫu oanh tạc cơ Tu-16 của Liên Xô. Đây là loại máy bay có thể dùng để ném bom hạt nhân hoặc thả các loại bom thông thường hoặc để làm nhiệm vụ tiếp dầu, với tầm hoạt động cực xa và khả năng chở theo khối lượng vũ khí rất lớn.
Cũng theo tờ National Interest, các loại chiến đấu cơ J-10 hiện nay của Trung Quốc khó có thể tác chiến được trên khu vực Biển Đông có khoảng cách lên tới hơn 1.000 km tính từ đảo Hải Nam, gấp đôi phạm vi hoạt động của J-10. Bởi vậy, Trung Quốc đã tìm cách khắc phục bằng máy bay tiếp dầu IL-78 để nâng cao phạm vi hoạt động cho máy bay chiến đấu.
Một vũ khí đáng kể nữa của Trung Quốc trong các trận không chiến là dòng tên lửa hành trình DH-10 có độ chính xác trong phạm vi 10 mét nhờ vào hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh và có thể mang theo khối lượng thuốc nổ lên tới 455 kg.