Mỹ hy vọng quân đội Thái Lan không đảo chính

Thái Lan đang trải qua khủng hoảng chính trị tồi tệ có thể dẫn đến nội chiến.

Ngày 14/5, Mỹ bày tỏ hy vọng rằng quân đội Thái Lan sẽ không thực hiện một cuộc đảo chính nữa trong bối cảnh Washington ngày càng tỏ ra lo ngại về những biến động chính trị mới đây ở quốc gia đồng minh lâu đời tại châu Á.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, bà Amy Searight, quan chức đặc trách Đông Nam Á của Lầu Nam Góc cho biết: “Tại thời điểm này, chúng tôi không có lý do gì để tin rằng quân đội Thái Lan sẽ thay đổi lập trường trung lập của mình.”

Theo bà Searight, có vẻ như quân đội Thái Lan đã rút ra được bài học từ cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin Shinawatra năm 2006, khiến Mỹ phải áp đặt lệnh cấm vận đối với Bangkok.

Mỹ hy vọng quân đội Thái Lan không đảo chính - 1

Binh sĩ Thái Lan đứng gác trước trụ sở Tòa án Hiến pháp ở Bangkok

Chính trường Thái Lan đang rơi vào cảnh hỗn loạn và nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra nội chiến trong bối cảnh phe biểu tình chống chính phủ đang đẩy mạnh “chiến dịch cuối cùng” để “loại bỏ tàn dư của Thaksin”. Trong khi đó, phe Áo Đỏ tuyên bố sẽ không dung thứ cho bất cứ động thái nào trao quyền lực cho một chế độ không thông qua bầu cử.

Phe biểu tình muốn Thượng viện Thái Lan, cơ quan lập pháp duy nhất hiện nay sau khi Hạ viện bị giải tán, ra phán quyết loại bỏ chính phủ tạm quyền vốn đã bị giáng một đòn rất mạnh sau khi bà Yingluck Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp bãi nhiệm.

Họ cũng yêu cầu lập ra một hội đồng nhân dân không qua bầu cử lên nắm quyền thay chính phủ để điều hành đất nước. Động thái này của phe biểu tình đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của phe Áo Đỏ.

Ông Scot Marciel, quan chức đặc trách Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao cho rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay ở Thái Lan “cần phải được giải quyết theo hiến pháp, dân chủ và hòa bình”.

Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng Thái Lan đang trải qua giai đoạn đấu tranh để xác định ai sẽ là người nắm quyền lực sau sáu thập kỷ trị vì của Quốc vương Bhumibol Adulyadej năm nay đã 86 tuổi và thường xuyên đau yếu.

Ông Ernie Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng Thái Lan đang chứng kiến “cuộc đấu tranh quyền lực 100 năm”, và cuộc đấu tranh này chỉ kết thúc khi vị quốc vương mới của Thái Lan lên ngôi.

Thái Lan là đồng minh đầu tiên của Mỹ ở châu Á, khi hai nước ký hiệp ước hữu nghị tại Washington vào năm 1833, và nước này đã từng đề nghị cung cấp voi chiến cho Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln để chiến đấu trong cuộc nội chiến Mỹ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo AP) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN