Mong một cái tết trọn vẹn nơi TĐ Sông Tranh
"Mong sao không xảy ra động đất để người dân ở phía dưới chân đập thủy điện Sông Tranh yên tâm đón Tết và tiếp tục làm ăn vươn lên thoát nghèo", Chủ tịch UBND xã Trà Ðốc Hồ Văn Lợi nói.
Trận động đất xảy ra ngày 28/12/2012 không mạnh, nhưng nhiều người dân ở huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) lo lắng... Tết Nguyên đán sắp đến, chính quyền xã chỉ biết động viên, chia sẻ với bà con. "Mong sao không xảy ra động đất để người dân ở phía dưới chân đập thủy điện Sông Tranh (TÐST) yên tâm đón Tết, và tiếp tục làm ăn vươn lên thoát nghèo", Chủ tịch UBND xã Trà Ðốc Hồ Văn Lợi mở đầu câu chuyện với chúng tôi trên đường đi kiểm tra các hộ dân có nhà bị nứt do ảnh hưởng động đất.
Chỉ mong không có động đất nữa!
Cùng đoàn 30 thầy giáo, cô giáo Trường tiểu học Nông Văn Dền (xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My) đi tham quan, khảo sát nhà máy, đập công trình TÐST 2 vào ngày đầu năm 2013. Trên gương mặt của mọi người vẫn còn hiện lên vẻ lo lắng, thấp thỏm sau trận động đất 3,90 richter xảy ra ngày 28/12/2012. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Tuyết kể lại: "Hôm động đất xảy ra, cô và trò đang trong tiết học thì bỗng nhiên nghe tiếng nổ lớn, sau đó mặt nền phòng học, bàn ghế rung lên...".
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nông Văn Dền, ông Trần Ngọc Mẫn cho biết: Nhà trường phối hợp Công ty TÐST tổ chức cho thầy giáo, cô giáo trực tiếp xem, tham quan đập, nhà máy để "mắt nhìn, tay sờ" công trình TÐST 2 có bị ảnh hưởng sau đợt động đất vừa xảy ra không. Sau khi đi tham quan cũng thấy yên tâm, tại thời điểm này, nhất là khi đã xuống hầm đập nhìn thấy lượng nước chảy ít hơn lần trước.
Người dân chỉ vết nứt trên nhà sau những dư chấn động đất
Theo báo cáo tình hình động đất và công tác quan trắc của huyện Bắc Trà My, từ tháng 3/2012 đến nay, trên địa bàn đã xảy ra 75 đợt rung chấn, động đất, đỉnh điểm trận động đất với cường độ mạnh nhất 4,7 richter, gây hoang mang trong nhân dân. Hậu quả các đợt rung chấn, động đất làm 1.777 nhà dân và 32 trường học, công trình phúc lợi trên địa bàn bị hư hỏng. Trận động đất gần đây nhất có cường độ 3,90 richter xảy ra vào lúc 9h48 ngày 28-12-2012 với gia tốc nền đập ghi nhận được 48,03.
Tại khu tái định cư (TÐC) nằm phía dưới chân đập thuộc xã Trà Ðốc, huyện Bắc Trà My bà con người Co, Ca Dong, M’Nông vừa tổ chức ăn Tết lúa mới. Ðón Tết sau một mùa trồng trọt, thu hoạch, nhưng đồng bào nơi đây vẫn chưa hết "dư chấn". Cuộc sống nơm nớp lo sợ nên người dân không yên tâm sản xuất, đời sống hết sức khó khăn. Già làng thôn 3, Hồ Văn Xuôi (khu TÐC Trà Ðốc) vừa đi làm rẫy về, nói: "Mỗi lần có động đất nhà rung lên, mái tôn kêu rầm rầm, trẻ con khóc thét, kéo nhau chạy ra ngoài sân. Bà con ở đây ai cũng sợ, thấy nguy hiểm nhưng không biết làm thế nào. Chỉ mong không có động đất nữa thôi!".
Chỉ vào bức tường bị nứt dài do dư chấn động đất, ông Hồ Văn Xô dân tộc Ca Dong (thôn 3A, khu TÐC Trà Ðốc) bức xúc nói: "Mấy lần trước động đất làm cho tường nhà bị nứt, nay tiếp tục có động đất tường nhà nứt dài hơn hai mét, sợ sập lắm, không dám ở trong nhà xây nữa!". Trả lời câu hỏi vì sao nhận tiền hỗ trợ rồi mà gia đình không sửa chữa tường nhà cho an toàn, ông Xô vừa cười, vừa nói: "Sửa làm sao được! Tiền hỗ trợ hai triệu đồng ít quá, không đủ để sửa chữa, mà gia đình đã tiêu hết rồi".
Thôn 3, xã Trà Ðốc nằm trong vùng ngập nước của lòng hồ và là khu vực bị ảnh hưởng lớn nhất của công trình TÐST 2. Một số gia đình ở khu TÐC hiện nay, do sợ sống trong những ngôi nhà xây bị nứt tường nên đã dựng nhà gỗ để chuyển ra ngoài ở. Nhiều ý kiến của người dân phản ánh: Hiện toàn bộ kết cấu công trình đã bị động đất rung chấn, sửa chữa chỉ là trám vá, rất mất thẩm mỹ và không bền vững. Nếu tiếp tục có động đất, tường trần nhà đã nứt, đương nhiên sẽ xuất lộ thêm nhiều vết nứt mới, dài và rất nguy hiểm. Theo đánh giá sơ bộ, rung chấn do động đất đối với nhà ở của người dân phần lớn bị nứt tường, ban đầu xuất hiện các vết nứt nhỏ và vừa, sau nhiều đợt rung chấn làm các vết nứt rộng, dài hơn, nhiều nhà có nguy cơ sụp đổ rất cao nếu không được khắc phục kịp thời hoặc khi có động đất tương tự xảy ra.
Theo Thông báo số 218/TB-EVN về việc hỗ trợ nguồn bồi thường và TÐC với tổng kinh phí 12,427 tỷ đồng, được chuyển cho UBND huyện Bắc Trà My làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện. Theo đó, đợt 1, mỗi gia đình bị ảnh hưởng do động đất được hỗ trợ sửa chữa nhà ở từ 2 - 4 triệu đồng; một số công trình công cộng bị hư hỏng với tổng số tiền 450 triệu đồng; hỗ trợ sửa chữa hệ thống giao thông, cấp nước sinh hoạt, giếng nước tại các khu TÐC là 1,185 tỷ đồng... Ðợt 2, hỗ trợ khoảng 2,6 tỷ đồng cho những hộ, công trình công cộng còn lại.
Bất cập của khu tái định cư
Quá trình đưa dân về khu TÐC đã và đang nảy sinh hàng loạt vấn đề khó khăn, không chỉ tác động các hộ dân mà còn ảnh hưởng địa phương. Vừa qua, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và chính quyền địa phương đã hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ người dân đất đai trồng trọt, xây dựng, sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống cho người dân Bắc Trà My và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, phía dưới cao trình đập khoảng 100 m của TÐST 2, đời sống người dân TÐC, nhất là đồng bào Co, Ca Dong, M’Nông và nhân dân ở trung tâm thị trấn huyện Bắc Trà My ngày ngày vẫn nơm nớp lo lắng, sợ hãi.
Ngoài những bất cập như hỗ trợ tiền sửa chữa nhà nhưng người dân không thực hiện; tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm và hệ thống giao thông... ở các khu TÐC vẫn dai dẳng kéo dài từ năm này qua năm khác, chưa được xử lý dứt điểm vì vẫn còn nhiều vướng mắc về cơ chế. Ðặc biệt, tại các khu TÐC đã nảy sinh tình trạng, do không có việc làm ổn định, nên nhiều thanh niên địa phương trở nên lông bông, thích chơi bời mà không chịu đi làm, một số khác phá rừng để giải quyết cuộc sống trước mắt.
Chủ tịch UBND xã Trà Ðốc, ông Hồ Văn Lợi chia sẻ: "Hiện nay, chính quyền địa phương đã tổ chức đợt 1 và đợt 2 phát tiền hỗ trợ cho các hộ dân trên địa bàn có nhà bị nứt, hư hỏng để họ sớm xây dựng, sửa chữa nhà cửa trước Tết Nguyên đán năm 2013".
Theo già làng Xuôi, chỗ ở cũ trước đây có đất để làm ruộng trồng lúa nước, dân làng cố gắng làm thì đủ ăn, nhiều nhà còn có để dành. Từ khi lên ở khu TÐC, làm lúa rẫy nên chỉ đủ ăn vài tháng, thiếu đói suốt. Do thiếu đất trồng lúa nước, trồng trọt nên bà con ở đây không có việc làm, chỉ mong nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, thủy điện nên ỷ lại, trông chờ đã thành quen... Khi nhận được tiền hỗ trợ sửa nhà thì họ mua lương thực, chi tiêu hết.
Chị Hồ Thị Thổ, ở thôn 1, xã Trà Ðốc cho biết: Ðất canh tác còn lại không bao nhiêu, nhưng đã bị bạc màu và nằm ở xa khu TÐC. Bây giờ bà con đang gặp khó khăn về lương thực nên phải đi bắt cá ở hồ, nhưng kiếm được ít lắm. Hiện giờ, năm miệng ăn của gia đình chị đều trông chờ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, công ty thủy điện.
Về tình hình đời sống sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn xã Trà Ðốc: "Hầu hết các hộ thuộc diện giải tỏa, đền bù đều thuộc diện thu hồi đất ở và toàn bộ đất sản xuất nên đến thời điểm này không còn diện tích đất để trồng trọt (diện tích chia cho các hộ tái định cư ít, lại phải đi xa từ 7 đến 8 km để trồng trọt, sản xuất). Ngoài ra, còn những vấn đề bức bách, nan giải, trong đó được đặt lên hàng đầu là lương thực, đất sản xuất và nước sinh hoạt. Hiện nay, số hộ ở lại khu TÐC chỉ còn 36 hộ, 25 hộ dân đã bỏ về nơi ở cũ...". Theo già Xuôi: "Nếu cứ kiểu này, bà con bỏ làng đi hết!".
Chủ tịch Hồ Văn Lợi cho rằng: Hệ thống nước sinh hoạt ở khu TÐC được đầu tư, xây dựng khá bất cập, mùa hè không có nước, van vòi nước mất, hư hỏng không có nước sử dụng nên nhiều hộ dân phải đi xa để lấy nước sinh hoạt hằng ngày, dẫn đến nhiều khó khăn. Tình trạng nhà ở, trường học, nhà văn hóa xuống cấp, đường sá sạt lở nghiêm trọng. Ðây là một trong những nguyên nhân làm cho các hộ TÐC chuyển về nơi ở cũ, sống tạm bợ nhưng thuận tiện cho việc trồng trọt, làm ăn.
Phát triển thủy điện có vai trò quan trọng, góp phần ổn định an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước và các địa phương. Tuy nhiên, những hệ quả từ các dự án và tác động bất lợi cũng cần được tính toán một cách đầy đủ để có cơ sở cân nhắc khi quy hoạch và quyết định đầu tư. Riêng với tỉnh Quảng Nam, để tạo điều kiện cho nhân dân khu vực TÐC nói riêng và khu vực bị ảnh hưởng do động đất sớm ổn định đời sống, yên tâm sản xuất, phát triển KT-XH, trước hết cần thực hiện các biện pháp để trấn an tư tưởng trong nhân dân; triển khai thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, cấp đất sản xuất để từng bước an cư lập nghiệp. Có như vậy bà con các khu TÐC ở huyện Bắc Trà My và khu vực lân cận mới yên tâm bảo vệ những cánh rừng đầu nguồn sông Tranh, bảo vệ nguồn nước cho thủy điện Sông Tranh 2.
Tết Nguyên đán Quý Tỵ đang đến gần, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ để người dân huyện Bắc Trà My được đón một cái Tết ấp áp, vui tươi.