Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời

Chiếc máy bay do ông Bùi Hiển (62 tuổi, Bình Dương) tự chế tạo đã chính thức hoàn thành, và ngày cất cánh cũng đã cận kề.

Clip: Ông Bùi Hiển tập bay trên chiếc máy bay tự chế tạo:

Sẽ bay cao 500m sau khi tích lũy 30 giờ tập bay

Ở thời điểm Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 đã cận kề, nhưng thay vì lo sắm Tết thì ông Bùi Hiển (62 tuổi, ngụ tại thị trấn An Thạnh, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương) vẫn miệt mài với chiếc máy bay tự chế “Bùi Hiển phiên bản 2”.

Gặp lại ông Hiển vào một ngày giữa tháng 1.2016, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi hình ảnh ông đang chăm chút cho “đứa con cưng” này từng chút một.

Mặc dù đã ở độ tuổi 62 nhưng ông Hiển vẫn rất nhanh tay, tinh mắt. Sau khi khi lau chùi động cơ, ông tỉ mỉ quệt từng vệt keo tản nhiệt, gắn tấm đệm và đóng nắp động cơ. Cuối cùng, ông dùng sức vặn cứng 12 con ốc. Cứ mỗi con ốc được vặn chặt, ông lại dành vài giây đứng nghỉ, rồi tiếp tục dùng đôi tay vừa thoăn thoắt vừa chắc khỏe của mình để vặn các con ốc còn lại.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 1

Mặc dù đã cận Tết Nguyên đán 2016 nhưng ông Bùi Hiển vẫn miệt mài với chiếc máy bay của mình.

Vừa trò chuyện với PV vừa đóng nắp động cơ cho máy bay, ông Hiển hào hứng nói: “Hồi trước máy bay của tôi đâu đã bay được đâu, do chưa hoàn thiện. Giờ thì máy bay này hoàn thiện rồi, "ngon" lắm. Thật ra những ngày qua tôi đang bay thử nhưng chỉ bay treo là là trên mặt đất xíu thôi. Nó bay êm lắm, tôi mê nó vô cùng. Tôi mà có bằng lái thì tôi đã cho nó bay lên cao từ lâu rồi”.

Ông tiết lộ, ông đã thử bay được 15 giờ ở độ cao 1 mét. Ông khẳng định sau khi tích lũy đủ ít nhất 30 giờ bay thử chiếc máy bay này, ông sẽ đưa nó bay lượn trên bầu trời ở độ cao khoảng 500m.

Theo ông Hiển, ông sẽ xin giấy phép bay thử nhưng nhiều khả năng chỉ được bay vào một ngày nhất định và ở dưới một độ cao nhất định. Trong khi đó, máy bay của ông có vận tốc thiết kế lên đến 200km/h và độ cao thiết kế vượt xa con số 500m.

Động cơ sử dụng trong máy bay là động cơ của xe ô tô Mercedes-Benz 16 chỗ ngồi. Động cơ này có tốc độ quay 5.000 vòng/phút, và phải thông qua bộ phận giảm tốc để chỉ còn 500 vòng/phút khi lên cánh quạt. Toàn bộ phần khung sườn máy bay được làm bằng inox, riêng lớp áo ở đầu máy bay sử dụng chất liệu nhôm.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 2

Ông Hiển đang dùng sức để vặn cứng từng con ốc ở nắp động cơ.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 3

Đôi tay ông Hiển vẫn tỏ ra vô cùng nhanh nhạy và mạnh mẽ khi siết những con ốc.

Thêm bình chữa cháy, chế độ quay tự động

Đặc biệt, so với trước kia, ông Hiển đã bổ sung thêm bình chữa cháy và tăng gấp đôi công suất cho bộ phận tản nhiệt nước (ngay sau lưng ghế ngồi của phi công).

“Bình chữa cháy vậy chứ quan trọng lắm nha chú. Máy bay này chạy bằng xăng nên chẳng ai biết trước chuyện gì có thể xảy ra. Với lại trong lúc bay thử, tôi cũng đội cả nón bảo hiểm cho an toàn”, ông Hiển chia sẻ.

Ông Hiển cho biết thêm, theo thiết kế của ông, khi máy bay đạt được một độ cao nhất định thì cánh quạt có thể chuyển sang chế độ quay tự động - tức phi công có thể tắt động cơ, điều chỉnh cánh quạt nghiêng một góc âm 4 độ để tận dụng sức gió. Với chức năng này, máy bay có thể đảm bảo an toàn trong trường hợp động cơ gặp trục trặc kỹ thuật. Còn khi khởi động, để máy bay được nâng lên thì cánh quạt phải quay một góc 8 - 9 độ dương. Góc âm, dương trong độ nghiêng của cánh quạt là theo chiều quy định so với mặt đất.

Về kế hoạch bay, ông Hiển cho biết, ông đã mong chờ ngày đưa chiếc máy bay này bay lên cao từ lâu. Kế hoạch ban đầu là trước Tết Dương lịch 2016, rồi sau đó ông phải dời kế hoạch sang Tết Nguyên đán. Tới lúc này, do chưa tích lũy đủ giờ bay thử nên máy bay Bùi Hiển 2 chỉ thật sự lượn trên bầu trời sớm nhất là sau Tết Nguyên đán.

Sau khi máy bay có thể bay tốt trên bầu trời, ông Hiển muốn tiếp tục gắn thêm bộ phận bơm thuốc trừ sâu vào máy bay để chiếc máy bay này có thể mang lại giá trị sử dụng thực tế.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 4

Toàn cảnh chiếc máy bay Bùi Hiển phiên bản 2 khi đã hoàn thành.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 5

 Cánh quạt ở phần đuôi được bảo vệ bởi một vòng inox để tránh va xuống mặt đất.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 6

Ông Hiển đã trang bị thêm bình chữa cháy cho máy bay.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 7

 Hệ thống truyền tải lực quay của động cơ lên cánh quạt.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 8

Từng chi tiết trong bộ phận này đều do ông Hiển tự chế tác.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 9

Hệ thống tản nhiệt nước ngay sau lưng ghế phi công.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 10

 Toàn bộ phần khung và cánh quạt máy bay đều được làm bằng inox.

Máy bay tự chế của "hai lúa" Việt sắp chinh phục bầu trời - 11

Máy bay đã sẵn sàng bay lên cao, nhưng ông Hiển chưa tích lũy đủ giờ bay thử để có thể khiến chiếc máy bay thực sự lượn trên bầu trời.

Clip: Xem ông Hiển lắp đặt vỏ động cơ và mô tả máy bay:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN