Chuyên gia nói gì về tàu ngầm Trường Sa?

“Việc một doanh nhân ở Thái Bình có ý tưởng chế tạo tàu ngầm là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, doanh nhân tự tra cứu thông tin và học hỏi trên mạng để thiết kế, chế tạo ra tàu ngầm thì đó không phải là một cách làm thông minh”.

Đó là chia sẻ của một chuyên gia đang giảng dạy tại Viện Cơ khí Động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thông tin ông Nguyễn Quốc Hòa (56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, Thái Bình) đóng tàu ngầm Trường Sa đang gây tranh cãi. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về công nghệ AIP cũng như vận tốc 20 hải lý/h được ông Hoà công bố.

Theo vị chuyên gia (đề nghị không nêu tên), việc doanh nhân có ý tưởng chế tạo tàu ngầm là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, chủ tàu tự nghiên cứu, tra tìm tài liệu, học hỏi trên mạng để về thiết kế, chế tạo tàu ngầm thì đó không phải là cách làm thông minh. Chủ nhân của tàu hoàn toàn có thể tham khảo ý kiến tư vấn chuyên gia để tiết kiệm thời gian, tài chính, cũng như tránh các sai lầm không đáng có.

Chuyên gia nói gì về tàu ngầm Trường Sa? - 1

Tàu ngầm Trường Sa

Theo ông Nguyễn Quốc Hoà, tàu ngầm Trường Sa có thể lặn sâu 50 m và có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Tàu được trang bị hai động cơ 90Hp, thời gian lặn 15 giờ; thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày; tốc độ tính toán 20 hải lý/h.

Chuyên gia này cho hay, dù ông chưa được xem tận mắt tàu ngầm mini Trường Sa của ông Hòa, nhưng các thông số ông Hòa đưa ra là không tưởng. Bởi theo các kích thước và hình dạng của tàu ngầm ông có thể ước đoán với vận tốc 20 hải lý/h (khoảng 8,8m/s), hệ số cản Cd khoảng 0,5 (so với các vật thế có hình dạng tương tự) thì lực cản phải là rất lớn. Trong khi đó ở tàu ngầm Trường Sa, lực đẩy lớn nhất của cả 2 động cơ 90Hp lại nhỏ hơn rất nhiều, ngoài ra tàu lại còn phải cung cấp năng lượng cho các thiết bị khác như bơm, máy nén khí…

“Muốn đạt được vận tốc cao, trước hết chúng ta phải trang bị thiết bị đẩy có lực đẩy lớn. Tiếp theo là hình dạng phải thích hợp để giảm thiểu sức cản và kết cấu tàu phải chịu được áp lực nước lớn ngay cả khi không lặn. Ở đây ông Hoà thông tin là tàu có một lớp vỏ và chạy được 40km/h thì cũng cần phải kiểm tra lại”, vị chuyên gia nói.

Về thông số lặn được 15h của tàu Trường Sa, chuyên gia này cho biết, để tính thời gian hoạt động trên biển, bán kính hoạt động ta chỉ cần dựa vào lượng nhiên liệu mang theo so với lượng tiêu thụ nhiên liệu riêng cho 1 đơn vị thời gian hoặc 1 đơn vị quãng đường.

Tàu ngầm có thể lặn ở độ sâu 50m. Theo tính toán thì để lặn sâu ở 50m thì con tàu phải có độ nặng 5kg/cm2. Như vậy, ở tàu ngầm cần phải có độ nặng khoảng 50 tấn/m2 mà theo thông số của Hòa đưa ra cho con tàu của mình thiết kế chỉ là có độ choán nước 12 tấn khi lặn và 9,2 tấn khi nổi. Thế nên về thông số này cũng cần bàn lại.

Động cơ công nghệ AIP (viết tắt của Air Independent Propulsion - công nghệ không khí tuần hoàn độc lập) sử dụng trên tàu. Theo ông Hoà giải thích thì nó là động cơ nổ (tàu có 2 máy nổ diesel chạy cùng lúc) phải có không khí, nếu không có không khí thì động cơ sẽ chết. Khi áp dụng công nghệ này, không khí sẽ do máy nổ xả ra chạy qua bộ lọc để lọc hết tạp chất, đưa vào làm sạch, rồi bơm thêm oxy, quay trở lại máy nổ và bắt đầu một vòng tuần hoàn mới.

Chuyên gia nói gì về tàu ngầm Trường Sa? - 2

Hai máy chạy diesel

Vị chuyên gia của ĐH Bách Khoa nói: “Để động cơ này hoạt động, còn phải có mối liên hệ mật thiết với một loạt những phản ứng hóa học khác và khá phức tạp. Tôi được biết, hiện nay mới chỉ có một số nước như Pháp, Thụy Điển, Đức...có thể áp dụng thành công công nghệ AIP cho tàu ngầm của mình”.

Theo chuyên gia này, trong trường hợp ông Hòa chế tạo thành công loại động cơ này rồi thì cũng phải chứng minh được cho mọi người thấy rằng tàu đảm bảo chạy hàng ngàn km không gặp bất kỳ sự cố nào hay hỏng hóc gì.

Thông tin về chiếc bể nước 200m3, có kích thước rộng 4m, dài 10m và cao 5m đang được xây dựng ở sân của xưởng cơ khí để đưa tàu ngầm mini vào thử nghiệm…, vị chuyên gia tỏ ra khá ngạc nhiên và khuyến cáo: “Tôi thành thật khuyến cáo không nên xây bể để kiểm tra hoặc thử độ nổi, lặn và độ kín của tàu ngầm. Vì độ sâu 5m đối với tàu ngầm là quá nhỏ”.

Vị chuyên gia cho biết thêm, ông Hoà cần thử nghiệm về tàu ngầm nhưng nên thử nghiệm trên mô hình nhỏ để xác định lực cản, tính ổn định, điều khiển cũng như các hệ số đạo hàm ổn định của tàu làm số liệu xây dựng chương trình mô phỏng trên máy tính.

“Ông Hoà cũng có thể thử các tính năng trên tại bể thử của Viện công nghệ Tàu thuỷ, thuộc tập đoàn Vinashin. Tàu ngầm cũng cần thử độ chịu áp lực, độ kín... song bằng phương pháp khác chứ không nên thử con tàu tại khu bể của xưởng cơ khí đang xây dựng”, vị chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia nói gì về tàu ngầm Trường Sa? - 3

Bể chứa nước dùng thí nghiệm con tàu

Ông Nguyễn Anh Tuấn, từng là trưởng khoang 2, Hải đội tàu ngầm 182 cho hay, ông biết đến tàu ngầm Trường Sa qua mạng, tuy nhiên ông Tuấn cho rằng phương án đóng tàu ngầm Trường Sa của ông Hoà là không mấy khả thi.

Hơn 30 năm trước, Việt Nam đã có hải đội tàu ngầm phiên hiệu 182 được đào tạo rất bài bản nhiều năm tại Liên Xô (cũ). Chuyện này ít được nhắc đến, bởi sau khi kết thúc khóa đào tạo, nhiều người trong hạm đội 182 chuyển đơn vị khác hoặc không còn phục vụ trong quân ngũ.

Về công nghệ AIP mà ông Hoà sử dụng, ông Tuấn thông tin, để lắp đặt động cơ này phải có nghiên cứu trước và nó phải gắn liền với hình dáng vỏ tàu, sườn tàu, khung tàu, và các thông số của tàu chứ không phải tàu nào cũng áp dụng công nghệ này được.

“Nếu về tính toán khoa học cho một con tàu ngầm như vậy là không ổn. Có thể chủ tàu chỉ nghĩ là lắp động cơ này, con tàu sẽ đạt tới vận tốc này nhưng điều đó chưa chắc đã phải như vậy. Để con tàu lặn và nổi được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Quan trọng hơn, tính khả thi của công nghệ sử dụng cho con tàu phải được chứng minh qua nhiều thí nghiệm trước đó”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cho biết thêm, không phải cứ động cơ khoẻ con tàu sẽ chạy nhanh. Mà nó còn phụ thuộc vào cách bố trí lực đẩy của tàu nó nằm ở đâu; kết cấu của con tàu phải như thế nào thì lực cản của nước mới đạt xuống đến mức tối thiểu; chất liệu thép làm trên tàu là loại thép nào.

“Tôi thấy các con tàu ngầm trên thế giới đều phải có 2 lớp vỏ. Một là lớp vỏ cứng bên trong để bảo vệ thuỷ thủ đoàn và các thiết bị. Lớp vỏ mềm bên ngoài tạo dáng cho con tàu (tức là tạo dạng về khí động học để người ta tính toán lực cản nước, tiếng ồn thấp nhất). Đồng thời vỏ này, còn có tác dụng che chắn các téc nước, đường ống, van nước”, ông Tuấn kể.

Theo ông Tuấn, con tàu nào cũng phải có téc nước để nhận nước vào, khi đó lượng nước bên trong mới tăng lên và nó làm con tàu chìm xuống. Ông Tuấn băn khoăn, con tàu của ông Hoà chỉ có một lớp vỏ thế thì không biết lấy nước ở đâu vào để cho con tàu ngầm nó lặn xuống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN