"Mandela đã cứu vớt cuộc đời tôi"

Cuộc đời tưởng chừng như tuyệt vọng của một thanh niên trong khu ổ chuột ở Kenya đã được cứu vớt nhờ cuốn hồi ký của Mandela.

Ngày 5/12, người dân Nam Phi sững sờ nghe tin cựu Tổng thống Nelson Mandela, anh hùng giải phóng dân tộc Nam Phi khỏi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid đã qua đời. Trong số những người khóc thương cho nhà lãnh đạo kiệt xuất này có nước mắt của Kennedy Odede, một thanh niên Kenya chưa bao giờ gặp mặt Mandela.

Kennedy Odede là Tổng giám đốc của Shining Hope for Communities, một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh chống lại tình trạng bất bình đẳng giới và đói nghèo ở khu ổ chuột Kibera, thủ đô Nairobi, Kenya.

"Mandela đã cứu vớt cuộc đời tôi" - 1

Nelson Mandela, vị cứu tinh của cả dân tộc Nam Phi

Nhưng ít ai ngờ vị tổng giám đốc này lại xuất thân từ một gia đình nghèo hèn trong khu ổ chuột, từng trải qua một cuộc sống lay lắt không có tương lai, và chính nhà lãnh đạo Nelson Mandela đã cứu vớt cuộc đời ông. Sau đây là những dòng tâm sự của Odede về vị cứu tinh của cuộc đời mình:

Trong căn nhà lụp xụp bé tí của mình ở khu Kibera, thủ đô Nairobi, tôi đã rất nhiều lần nói chuyện cùng Nelson Mandela, mặc dù tôi chưa bao giờ gặp con người vĩ đại ấy. Mandela đã tồn tại qua 27 năm trong tù, và có lẽ tôi cũng đã trải qua quãng thời gian khốn khổ như vậy.

Mandela trở thành vị tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi vào năm 1994, khi tôi chỉ mới 10 tuổi. Ở khu ổ chuột chỗ tôi, mọi người bàn tán xôn xao về người đàn ông này, nhưng lúc đó tôi thấy câu chuyện của ông không liên quan gì đến tôi cả. Lúc đó tôi vẫn đang phải vật lộn để mưu sinh và tồn tại.

Lúc 10 tuổi, tôi chỉ là một đứa trẻ vất vưởng trên đường phố, lang thang từ nhà này đến nhà khác, không thể về nhà cùng với mẹ vì cha dượng tôi dọa sẽ giết cả hai mẹ con nếu tôi mò về nhà. Tôi biết tôi được sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và tôi tin rằng mình cũng sẽ chết trong nghèo hèn. Đó chính là tù ngục của tôi.

Tôi cần một hình mẫu để vươn tới, nhưng ở Kibera không có ai như vậy cả. Lên 16 tuổi, tôi bắt đầu cảm thấy áp lực khi cố gắng chống lại những cám dỗ để quên hết sự đời trong ma túy và gái giống như những người bạn đồng trang lứa.

Ngay cả khi đại dịch AIDS hoành hoàng, tôi cũng không thấy lý do gì để không chết sớm, bởi tôi chẳng có gì để hướng tới trong cuộc đời.

Mỗi ngày lại có một người bạn của tôi trong khu ổ chuột ra đi. Cảnh sát bắn chết anh bạn Boi của tôi bởi họ cho rằng anh ấy trông giống tội phạm. Người bạn nối khố Calvin treo cổ tự tử với lá thư tuyệt mệnh: “Tôi không chịu đựng thêm được nữa.” Cả 2 người chị của tôi đều bị cưỡng hiếp và mang thai ở tuổi vị thành niên. Mọi người xung quanh tôi cứ dần biến mất, và tôi cảm thấy cuộc đời mình quá lạc lõng.

Đúng lúc đó, chính Mandela đã cứu vớt cuộc đời tôi.

Một du khách người Mỹ tặng cho tôi 2 cuốn sách. Tôi chưa từng được đến trường, nhưng đã tự học để biết đọc biết viết với sự giúp đỡ của một tu sĩ tốt bụng. Trong hai cuốn sách mà tôi được tặng có cuốn hồi ký “Đường dài đến tự do” của Mandela. Tôi đã đọc ngấu nghiến cuốn sách này và có thể hình dung ra cuộc đời của một con người. Đó chính là cuốn sách mà tôi vẫn hằng trò chuyện.

Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy được cánh cửa tương lai mở ra trước mắt mình. Tôi có thể buông tay trước đói nghèo và tình trạng tuyệt vọng, hoặc tôi có thể bắt đầu chặng đường dài để tìm đến tự do của riêng mình.

Tôi bắt đầu sự nghiệp bằng 20 xu tiền công làm việc trong một nhà máy để mua một quả bóng đá. Tôi và các thanh niên khác cùng hợp tác với nhau lập nên một tổ chức nhằm xây dựng một trường học cho các nữ sinh, một phòng khám cho người nghèo và một dự án dịch vụ cộng đồng. Trong năm nay chúng tôi đã phục vụ được 50.000 người.

Dù trong những lúc khó khăn nhất, tôi vẫn bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng một đoạn nói chuyện với Mandela. Tôi hỏi ông ấy liệu ông sẽ làm gì khi ông tưởng chừng như không vượt qua được những vấn đề của mình.

Tôi cũng chia sẻ với ông những thành công của mình, và tôi đọc tất cả những lời phát biểu đầy ý nghĩa của ông.

Đối với tôi và cả lục địa châu Phi, Mandela còn hơn cả một con người. Ông là biểu tượng của sự tiến bộ. Ông đã vượt qua đói nghèo và đấu tranh để đói nghèo không quật ngã mình.

Hành trình tới tự do ở đất nước Kenya của tôi và đất nước Nam Phi của Mandela vẫn còn rất dài. Trong chuyến thăm tới Johannesburg tới đây, tôi đã nói chuyện với 3 thanh niên về những thách thức trong cuộc sống tại những khu ổ chuột ở Nam Phi của họ.

Họ nói rằng họ không đơn độc. Mandela vẫn luôn đồng hành cùng họ trong cuộc đấu tranh chống lại khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Giờ đây, mặc dù Mandela đã ra đi, nhưng tôi vẫn sẽ trò chuyện với ông hàng đêm để tự hỏi lòng ông sẽ làm gì trong hoàn cảnh của tôi. Đối với tôi, Mandela vẫn sẽ là một hình mẫu để nhắc nhở chúng ta phải làm gì trong hoàn cảnh đối mặt với bất công, về những gì vẫn còn đang dang dở, và về chặng đường dài còn đang ở phía trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Cựu Tổng thống Nelson Mandela qua đời Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN