Loạt chính sách nổi bật về đất đai, tiền lương, nộp phạt có hiệu lực từ tháng 5

Sự kiện: Thời sự

Công trình condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ bị tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm… là những quy định mới có hiệu lực từ tháng 5.

Công trình condotel được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Có hiệu lực từ 20/5, Nghị định bổ sung nhiều quy định mới về vấn đề quản lý, sử dụng đất đai.

Cụ thể, Nghị định bổ sung quy định cấp sổ hồng đối với công trình xây dựng sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, bổ sung quy định giao đất khi chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu lựa chọn.

Quy định mới đã cho phép cấp sổ hồng cho căn hộ condotel. Ảnh: Minh họa.

Quy định mới đã cho phép cấp sổ hồng cho căn hộ condotel. Ảnh: Minh họa.

Nghị định 10 cũng bổ sung về việc thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Qua đó, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng đất 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động theo quy định, chủ đầu tư được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, bán tài sản hợp pháp gắn liền với đất cho nhà đầu tư khác.

Nghị định đề cập về việc UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành quyết định phê duyệt giá đất cụ thể trong thời gian không quá 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Điều này thúc đẩy cơ quan nhà nước rút ngắn thời gian ban hành quyết định phê duyệt giá đất sau khi chủ đầu tư được giao đất.

Quy định mới về thủ tục thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18 quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính, có hiệu lực từ ngày 5/5.

Một trong những nội dung đáng chú ý đó là quy định cứ mỗi ngày chậm nộp phạt sẽ bị tính thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.

Nếu người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì sẽ tính tiền nộp chậm sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh.

Thông tư 18 bổ sung loạt quy định mới về các trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Minh họa.

Thông tư 18 bổ sung loạt quy định mới về các trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính. Ảnh: Minh họa.

Thông tư cũng bổ sung quy định mới về các trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính gồm: Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt, trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.

Từ 15/5, Bộ Tài chính có cơ cấu tổ chức mới

Chính phủ đã ban hành Nghị định 14 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 15/5.

Theo Nghị định, Bộ Tài chính là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Tài chính - ngân sách, hải quan, Kế toán, Kiểm toán độc lập, Giá, Chứng khoán, Bảo hiểm, Hoạt động dịch vụ tài chính và dịch vụ khác thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, Thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc bộ theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính gồm 28 đơn vị thay vì có 29 đơn vị như trước. Các đơn vị bao gồm: Tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và các tổ chức sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.

Giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm

Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi quy định về xếp lương giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở công lập có hiệu lực từ 30/5.

Cụ thể, khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: Trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, Không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì tiếp tục giữ hạng, mã số và hệ số lương của chức danh nghề nghiệp hiện được xếp theo Thông tư liên tịch số 20,21,22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề. Khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng mà không phải thông qua thi hoặc xét thăng hạng.

Việc sửa đổi, bổ sung sẽ giúp cho công tác bổ nhiệm, xếp lương được thực hiện đơn giản hơn, tránh phát sinh việc yêu cầu giáo viên cung cấp nhiều minh chứng không cần thiết.

Đồng thời, khắc phục được vướng mắc trong việc xếp lương giáo viên mầm non và không có trường hợp giáo viên tiểu học, THCS mới tuyển dụng đang giữ hệ số lương 2.34, 2.67, 3.00 được bổ nhiệm hạng II mới và chuyển xếp vào hệ số lương 4.00.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 5/2023

Những vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi theo Quy chế mới; Sửa đổi quy định về cộng điểm ưu tiên… là những chính sách có hiệu lực từ tháng 5/2023.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Bình ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN