Lính tàu ngầm Việt Nam khổ luyện

Trong căn phòng nhỏ, nơi đang làm việc tại một khách sạn ở Hà Nội, ông Phạm Hồng Sâm kể cho chúng tôi nghe về những ngày khổ luyện cùng Hải đội tàu ngầm 182.

Ánh mắt ông Phạm Hồng Sâm - người lính tàu ngầm năm xưa - chợt lóe niềm vui khi nhớ về những đồng đội cũ, những cuộc bơi, chạy đường dài, thi thố sức mạnh ở doanh trại huấn luyện. Đôi khi người đàn ông tuổi đã gần ngũ tuần vươn cánh tay cơ bắp cuồn cuộn rắn chắc đu vào thành ghế làm động tác như đang ở trong một cuộc thi kéo xà đơn, xà kép của đơn vị.

Áp lực nước ở độ sâu 70m

Ông Sâm nhớ, ngày đi khám tuyển, cán bộ giám khảo yêu cầu ông ngồi lên một chiếc ghế quay tít, khóa chặt tay chân. Ngồi lên chiếc ghế này, có người to khỏe nhưng mới quay vài vòng đã nôn thốc, nôn tháo. Nhiều người, khi cán bộ kiểm tra vừa dừng ghế, tháo dây ra thì lập tức đổ ập xuống sàn không đứng dậy nổi.

Người đạt yêu cầu phải ngồi trên ghế quay ít nhất 10 phút. Chiếc ghế quay tít mù, đảo chiều liên tục. Lúc đó, ông Sâm chẳng còn nhìn thấy gì, chỉ nghe tiếng vù vù bên tai. Rỗi bỗng nhiên ghế khựng lại. Người ta bảo ông tháo dây khóa tay nơi thành ghế và tự đứng dậy.

Theo mệnh lệnh, ông bước về phía trước. Họ hỏi ông một số câu. Có nhìn thấy gì phía trước không? - Có. Đây là chữ gì? - Chữ "tàu ngầm". Đồng chí tên là gì? - Người lính trẻ đáp dõng dạc: Phạm Hồng Sâm. Cấp bậc? - Thượng sĩ... Lúc này ông biết, mình đã vượt qua môn thi.

Lính tàu ngầm Việt Nam khổ luyện - 1

Cầu thang ra vào của tàu Typhoon. Chiếc tàu ngầm này được trang bị đến 20 tên lửa đạn đạo hạt nhân. (Ảnh tư liệu)

Ông được dẫn vào một phòng kín tròn như cái thùng phuy vỏ dày. Ông đứng trong, ở ngoài người ta ghé mắt theo dõi qua một tấm kính. Ông cảm thấy không khí trong thùng bỗng nhiên ùa vào, đặc lại. Một chốc, khí trong bình càng đặc dần, đặc dần rồi quánh lại.

Lính tàu ngầm phải xuống sâu dưới nước, áp suất lớn. Ngày đó, Việt Nam chỉ mới có duy nhất một chiếc máy thử áp suất loại này. Khí sẽ được bơm vào tương đương ấp suất nước ở độ sâu 70m. Ai không chịu nổi có thể bấm nút xin ra ngoài. Có người quyết tâm gia nhập đội tàu ngầm, cố chịu đựng quá sức, đến khi ra ngoài chảy cả máu tai. Nghĩ đến đó, viên lính trẻ hơi rúng động.

Rồi viên thượng sĩ thấy cơ thể mình bỗng nhiên mất trọng lượng. Ông cố thở đều. Lúc này không khí như biến thành chất lỏng. Thay vì hít thở như bình thường, anh lại uống từng dòng không khí vào cổ họng, không khác nào uống nước. Ở ngoài, người ta vẫn nhìn theo, dò xét từng của chỉ của chàng tân binh. Van bỗng được mở, khí thoát ra dần và trở lại như cũ. Ông thấy người mình hơi lâng lâng, nhưng vẫn đủ tỉnh táo. Viên sĩ quan kiểm tra sức khỏe nhìn ông cười, vỗ vai.

Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm chính thức gia nhập Hải đội tàu ngầm từ ngày đó.

Khổ luyện

Tháng 8/1982, Đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên mang tên Đoàn 682, trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân chuyển vị trí đóng quân về Hải Phòng để huấn luyện. Đây là doanh trại của Đoàn 681 Đặc công Hải quân. Họ vẫn quen gọi đó là đặc công nước.

Lính tàu ngầm về đây phải tập luyện theo chế độ như đặc công nước. Đặc công nước vốn được coi là lực lượng cực kỳ tinh nhuệ. Chương trình huấn luyện thể lực rất nặng. Hàng ngày, họ phải tập đủ các môn bơi lội, chạy, nhảy, luyện võ nghệ với cường độ cao. Những cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên diễn ra. Đội vừa tiếp tục tuyển thêm quân, vừa có những người sau một thời gian tập luyện không chịu đựng nổi bị loại.

Lính tàu ngầm Việt Nam khổ luyện - 2

Tàu Kilo có khả năng hoạt động 45 ngày liền trên biển, độ sâu lặn tối đa là 300 mét. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, phiên bản nâng cấp được trang bị thêm tổ hợp tên lửa chống hạm Club-S tầm bắn 220km. (Ảnh tư liệu)

Ông Sâm nhớ có lần đội của ông tập đánh mục tiêu, bơi ra hòn đảo cách xa gần 20km. Đã vậy không được bơi nổi. Đặc công nước nổi tiếng với chiêu ngậm ống thông hơi vào miệng, bơi ngửa cách mặt nước 15cm. Cứ 3 người một tốp. Để đi hết chặng đường, họ bắt đầu từ sáng sớm nhưng mãi tận chiều mới tới nơi.

Một trong những môn tập luyện đặc trưng của lính hải quân là “đứng cầu sóng”. Một tấm ván dài gần 2m được buộc dây ở 2 đầu rồi treo lên cao. Người lính phải đứng trên tấm ván, tay không được vịn vào bất kỳ thứ gì và bắt đầu nhún để tấm ván đung đưa. Cứ thế tấm ván đung đưa qua lại, cao dần. Ông Sâm nhớ hồi đầu mới bước lên, ván chỉ đung đưa hai lượt là ông bị bắn ra ngoài.

Người đứng cầu sóng giống như diễn viên xiếc. Nhún cho ván cao sang bên trái, người lại cố chạy lên phía đó như leo dốc. Rồi ván hạ xuống lắc sang bên phải, người lại quay đầu chạy theo. Cứ thế, lâu dần rồi quen.

Ông Sâm vẫn nể một đồng đội quê ở Nghệ An. Người này có thể nói là có sức khỏe vô địch môn “đu quay”. Vẫn là chiếc đu bình thường. Người ta chôn 2 cọc cao khoảng 5 - 6m. Chiếc đu treo ở giữa. Lính tàu ngầm không tập đu nhún lên nhún xuống. Họ phải nhún mạnh, rồi lấy hết sức hất chiếc đu quay thành vòng tròn. Trụ của chiếc đu cũng không nằm cố định, có thể đảo chiều liên tục. Anh ta có thể lộn hàng trăm vòng trên chiếc đu quay mà không hề hấn gì.

Điều xa lạ

Đứng trong hàng ngũ của lính tàu ngầm quả là một vinh dự ít người có được. Từ nhỏ, ông Sâm vẫn luôn ngưỡng mộ trước hình ảnh người lính hải quân mặc chiếc áo cổ vuông màu xanh nước biển mỗi khi họ diễu hành trên đường phố Hà Nội. Ông đã từng ước ao có một ngày mình được khoác lên mình bộ quần áo đó.

Bây giờ bỗng ước mơ trở thành sự thật. Đã vậy, chàng tân binh Phạm Hồng Sâm đang là lính tàu ngầm - một bộ phận đặc biệt trong binh chủng hải quân. Những lần về thăm nhà, ông không khỏi cảm thấy đôi chút tự hào.

Tuy vậy, viên Thượng sĩ vẫn khá mơ hồ. Khái niệm về lính tàu ngầm từ trước đến lúc đó vẫn quá xa lạ với người Việt. Dù đã có 2 năm trời tập luyện, Hải đội đã thành lập, đã được người ta gọi là lính tàu ngầm. Nhưng ông vẫn không biết mình có thực sự trở thành lính tàu ngầm hay không.

Ngày ông cùng đồng đội lên máy bay sang Liên Xô du học, gia đình, anh chị em kéo nhau ra tiễn. Họ chỉ biết duy nhất một điều, con em mình là lính tàu ngầm. Nhưng họ vẫn không hiểu lính tàu ngầm là như thế nào.

Lính tàu ngầm Việt Nam khổ luyện - 3

Phòng tắm trên những chiếc tàu ngầm vô cùng thiếu thốn tiện nghi (Ảnh tư liệu)

Những lần nói chuyện, đôi khi chúng tôi gọi ông Sâm và những người lính tàu ngầm là “phi thường”. Nhưng ông xua tay và chỉ thừa nhận, mình hơn nhiều người khác vì có thể do cơ địa, tiền đình bẩm sinh của mỗi người sinh ra có khả năng chịu tác động môi trường không giống nhau. Một phần là do tập luyện lâu dần thành quen.

Ông Sâm vẫn tự hào mình là người kéo đu xà đơn thuộc hạng khỏe nhất đội. Trong một cuộc thử sức, ông đã lên xuống một trăm mấy chục lượt. Nhưng ông biết, đã là lính tàu ngầm, chẳng có ai mà không phải rèn luyện sức khỏe dẻo dai.

Hải đội tàu ngầm vẫn tập luyện miệt mài. Từ tháng 8/1982 đến giữa năm 1984, đội của họ đã di chuyển qua nhiều căn cứ đóng quân để huấn luyện, từ Hải Phòng đến Quảng Ninh.

Tháng 6/1984, Tư lệnh Hải quân chính thức ký quyết định thành lập Hải đội tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam với phiên hiệu Hải đội 182. Rồi một tháng sau đó, Thượng sĩ Phạm Hồng Sâm cùng đồng đội lên đường đi Liên Xô.

Sang đến Liên Xô, họ vẫn phải duy trì chế độ tập luyện như ở trong nước mặc dù khí hậu bên đó rất lạnh. Ngoài những bài huấn luyện thể lực, họ bắt đầu bước vào học kỹ thuật tàu ngầm.

Ông Sâm và Hải đội tàu ngầm đã có 2 năm trời huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện tàu ngầm ở Ri Ga thuộc nước Cộng hòa Latvia. Đó là quãng thời gian ông và đồng đội có những chuyến đi dài ở độ sâu hàng trăm mét dưới mặt biển Baltic trong cỗ “quan tài sắt”.

Rèn luyện thể lực mới chỉ là một trong những khả năng cơ bản để có thể xuống nước trong con tàu ngầm ở độ sâu hàng trăm mét. Kỳ thực những gì đang chờ đợi họ dưới lòng đại dương? Họ sẽ phải làm gì trong con tàu ngầm bí ẩn? Đó là điều mà sau 2 năm gia nhập Hải đội tàu ngầm, họ chưa hề biết.

Đón đọc kỳ tiếp theo: Lính tàu ngầm Việt Nam ở xứ người vào 10h00 ngày 16/3

>> Kỳ 1: Hải đội tàu ngầm 182 VN: Chuyện chưa kể

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Chuyện về Hải đội tàu ngầm 182 Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN