Lạ kỳ băng tuyết ở nơi nóng nhất Việt Nam

Hai ngày qua, nhiệt độ xuống thấp hiếm có trong lịch sử khiến một số địa phương giáp Lào của tỉnh Nghệ An - nơi được coi là nóng nhất Việt Nam - xuất hiện băng tuyết phủ trắng xóa. Nhiều người dân địa phương không tránh khỏi sự kinh ngạc và lúng túng khi phòng tránh băng tuyết.

Lạ kỳ băng tuyết ở nơi nóng nhất Việt Nam - 1

Tuyết phủ trắng nhiều địa bàn ở huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Bằng Trần

Tuyết phủ trắng làng, giao thông tê liệt

Anh Hồ Sỹ Thiện ở xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: “Trong nhiều năm ở đây, lúc nhiệt độ xuống thấp nhất cũng chỉ xuất hiện những đốm băng li ti. Còn chuyện tuyết phủ dày đến hàng chục cm như năm nay thì đây là lần tiên tôi thấy. Tôi hỏi các cụ cao tuổi ai cũng cho biết đây là lần đầu tiên quê tôi có tuyết rơi, lạnh đến thấu xương”.

Nơi xuất hiện nhiều tuyết nhất vùng biên giới là bản Buộc Mú, xã Na Ngoi. Bản Buộc Mú nằm ở độ cao hơn 2.000m so với mực nước biển, mấy ngày qua băng giá dày đặc. Tại bản sát nách đoạn đường biên giới Việt - Lào này vào chiều tối trong vài ngày qua nhiệt độ đã xuống dưới -4 độ C, băng tuyết phủ trắng bản làng. Theo anh Thiện, do nhiệt độ giảm sâu đã làm cho cuộc sống người dân bị đảo lộn, cây trồng và gia súc bị ảnh hưởng rất lớn. Các vật dụng đặt ở trước nhà, ven đường, các loại thùng chứa nước đều bị đóng băng, đông cứng. Lớp băng tuyết có nơi dày tới hơn 20cm, phủ trắng những nếp nhà, trắng đường sá và trắng cả những vạt rừng nguyên sinh nơi thâm sơn hẻo lánh.

Người dân và cán bộ Biên phòng tại đây đang đối mặt với cái lạnh khủng khiếp. Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, một cán bộ địa phương cho biết, hiện tuyết rơi dày từ 0,5 - 15cm, có chỗ dày lên tới 30cm. Thậm chí, các phương tiện tham gia giao thông đã không thể nổ được máy vì thời tiết quá lạnh cộng với trời mưa trơn trượt khiến việc tham gia giao thông mất an toàn, chẳng ai dám ra đường.

Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Ngoài Na Ngoi, Mường Lống cũng có tuyết. Tuyết rơi, tạo thành lớp băng tuyết xốp trên tán cây và mái nhà. Nhiệt độ xuống -1,5 đến -2 độ C. Hiện tại, nhiệt độ vẫn rất thấp, tuyết không còn rơi, thay vào đó là mưa nặng hạt”.  Tại Cửa khẩu Nậm Cắn xe cộ vẫn lưu thông bình thường. “Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp cận những vùng có tuyết rơi để kiểm tra sự an toàn cho dân cư", ông Bùi Trầm cho hay. Tuy nhiên, trong các làng bản thì người dân không dám di chuyển bằng xe cộ vì sợ trơn trượt.

“Lò sấy mùa hè” bị đóng băng

Lạ kỳ băng tuyết ở nơi nóng nhất Việt Nam - 2

Xã Na Ngoi trong băng tuyết. Ảnh: Bằng Trần

Tuyết phủ trắng nơi được coi là nóng nhất Việt Nam khi nhiệt độ mùa hè có lúc lên đến 42 độ C là chuyện lạ đối với người dân nơi đây: Vùng đất ngã ba sông, điểm hợp lưu của hai dòng Nậm Nơn và Nậm Mộ tạo thành nơi khởi nguồi sông Lam ngược về phía Tây là địa bàn sinh sống các các dân tộc Kinh, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Thái, Tày… Từ đời này qua đời khác họ chỉ giỏi chịu nóng. Cây cối ở đây vẫn luôn xanh ngút ngàn nhưng nhiệt độ đo ở ngoài trời trưa mùa hè trên 40 độ C không phải hiếm gặp. Mùa hè, làng bản vắng bóng người, bóng gia súc, tất cả phải sơ tán vào khe suối tránh nóng. Mặt trời, gió Lào như quạt lửa, như rang chín mọi sinh vật sống vùng đất này. Ông Đậu Văn Lộc, người già ở đây nói: “Vùng ni nóng do toàn là núi đá vôi, rất dễ hấp thụ nhiệt”.

Vậy nhưng hiện tại, người dân nơi đây đang phải sơ tán gia súc vào khe núi, nhưng để tránh băng giá, tránh cái rét kỷ lục. Ông Lộc cho biết, người dân phải đốt củi sưởi ấm cho trâu bò và không thể lên nương rẫy, sinh hoạt thường nhật bị đình trệ.

Cái rét khắc nghiệt dưới 0 độ C là bất thường khiến ông Lộc không khỏi bất ngờ: “Già sống hết đời người ở đây, thường chỉ biết đến nóng cháy da cháy thịt nhưng thấy đặc biệt năm ni tuyết rơi thật lạ. Trời đất thay đổi rồi!”. Người dân ở đây kể, vùng đất này có mùa hè nóng đến mức được ví là “lò sấy Đông Dương”. Ngày kháng chiến chống Pháp, lính Pháp từng có thời gian đóng đồn ở đây nhưng rồi không chịu được cái nóng, phải chuyển đi nơi khác.

“Lò sấy” bị đóng băng khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn và thiệt hại nặng nề. Nhiều trâu bò, gia súc, gia cầm và hoa màu của người dân ở các huyện miền núi này đã bị chết, thiệt hại vì giá rét. UBND xã Quang Phong (huyện Quế Phong) thông tin, trên địa bàn xã đã có 8 con trâu bò bị chết.

Để phòng tránh tình trạng trâu bò chết vì rét, ngoài việc dẫn vào các hang đá tránh rét, người dân đã quấn chăn, đốt củi sưởi ấm cho chúng. Chính quyền xã Quang Phong vẫn đang tiếp tục thống kê số lượng trâu bò, gia súc, gia cầm và hoa màu của người dân bị chết, bị thiệt hại để có phương án hỗ trợ giúp người dân qua lúc khó khăn. UBND huyện Quế Phong đã chỉ đạo bà con đưa trâu bò thả rông về nhốt ở chuồng và đốt lửa sưởi ấm. Tất cả mạ gieo trong vụ Đông Xuân cũng được bà con bọc ni lông tránh rét.

Miền Tây Nghệ An, “lò sấy Đông Dương” đang bị băng giá bao phủ do nhiệt độ xuống quá thấp.  Toàn bộ các cấp học thuộc huyện miền núi Kỳ Sơn như các xã Na Ngoi, Nậm Càn, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Nậm Cắn phải nghỉ học. Người dân nơi đây như trong cảnh “nội bất xuất”, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn.

Theo ghi nhận, không chỉ ở xã Kỳ Sơn, tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong hiện tượng băng giá cũng đã xuất hiện, nhiệt độ đo được ở đây đã có lúc nhiều giờ đồng hồ dưới mức 0 độ C. Giá rét đã làm gia súc gia cầm bị ảnh hưởng, nhiều nơi bà con tìm cách đốt lửa sưởi ấm, tích góp thức ăn cho trâu bò, gia súc để chống rét. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)
Miền Bắc rét kỷ lục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN