Ký ức vụ cháy tàu suýt san phẳng cảng Hải Phòng 50 năm trước

Sự kiện: Thời sự Hải Phòng

50 năm trước, tại cảng Hải Phòng xảy ra vụ cháy tàu chở hàng Alexandr Grin của Liên Xô (cũ), chở 1.500 tấn phân đạm khiến con tàu có nguy cơ trở thành một quả bom khổng lồ.

Ký ức vụ cháy tàu suýt san phẳng cảng Hải Phòng 50 năm trước - 1

Vụ cháy tàu chở container hóa chất tại cảng Nam Hải năm 2015

Một tờ báo Nga sau này cho biết: Rất may vụ cháy được khống chế kịp thời, vì nếu phát nổ con tàu chở đầy phân đạm này có sức công phá bằng 2 quả bom nguyên tử mà người Mỹ từng thả xuống TP Hiroshima Nhật Bản.

Hy sinh mạng sống cứu Hải Phòng khỏi thảm họa

Mới đây, Đoàn cán bộ đại diện Đảng ủy, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn - Công an TP Hải Phòng và những người đồng đội cũ đã về tỉnh Thái Bình thắp hương tri ân 2 liệt sỹ Nguyễn Đình Thành và Đỗ Duyên Thịnh, những chiến sỹ đã hy sinh 50 năm trước khi tham gia chữa cháy tàu Alexandr Grin. Các liệt sỹ hy sinh khi mới ngoài 20 tuổi, chưa có gia đình riêng.

Những người hàng xóm tại quê hương của các liệt sỹ chỉ biết rằng các anh thuộc Đội PCCC, Sở Công an Hải Phòng anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chứ không biết rằng các anh và đồng đội đã cứu cảng Hải Phòng, thậm chí cả TP Hải Phòng khỏi một thảm họa.

Từ vụ cứu tàu Alexandr Grin 50 năm trước, tới nay, lực lượng cảnh sát PCCC Công an TP Hải Phòng đã có thêm nhiều bài học kinh nghiệm. Năng lực PCCC và cứu hộ, cứu nạn được nâng cao, phương tiện được quan tâm đầu tư hiện đại. Tuy nhiên, khi đã xảy ra cháy đều có thiệt hại nên mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân cần nâng cao nhận thức về PCCC để không xảy ra những vụ việc đáng tiếc nào.

Đại tá Hoàng Văn Bình

Từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ tới nay, cảng Hải Phòng ngoài việc sản xuất kinh doanh còn thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng là tiếp nhận các hàng hóa đặc biệt như hóa chất, hàng hóa quân sự... Nhiều năm qua, cảng luôn đặc biệt chú trọng công tác PCCC. Cảng thành lập đội chữa cháy với đầy đủ phương tiện, thiết bị. Lực lượng chữa cháy được tập huấn thường xuyên. Ngoài ra, chúng tôi thiết lập đường dây nóng kết nối trực tiếp với lực lượng cảnh sát PCCC Hải Phòng để kịp thời hỗ trợ khi xảy ra bất kỳ sự cố nào.

Ông Phùng Xuân Hà
Chủ tịch HĐQT Công ty CP cảng Hải Phòng

Để vụ cháy tàu không biến thành một khối thuốc nổ khổng lồ, các lực lượng tham gia chữa cháy đã phải trả một cái giá không hề nhỏ: 2 chiến sỹ thuộc Đội PCCC - Sở Công an Hải Phòng cùng 6 thủy thủ tàu Liên Xô đã hy sinh (trong đó có thuyền trưởng Khutorsky); 74 người bị thương trong đó có 37 cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC thuộc Sở Công an Hải Phòng phải nhập viện cấp cứu; 4 người bị nhiễm độc phải thay máu.

Theo Biên niên sự kiện lịch sử Công an TP Hải Phòng giai đoạn 1954 - 1975 và các bài báo quốc tế ghi lại, vào tháng 7/1968, tàu Alexandr Grin cập cảng Hải Phòng với lô hàng 1.500 tấn phân đạm viện trợ cho Việt Nam. Hồi 3h ngày 5/8/1968, thủy thủ trực gác cửa tàu phát hiện thấy ở hầm hàng số 3 có lửa loang trên bề mặt hàng hóa. Chuông báo cháy lập tức vang lên. Các thủy thủ trên tàu mặc trang bị bảo hộ, lập tức dùng các thiết bị phương tiện chữa cháy tại chỗ kết hợp với công nhân cảng Hải Phòng dập lửa, đồng thời điện báo tới Sở Công an Hải Phòng.

Đại tá Hoàng Xuân Lâm, nguyên Giám đốc Công an TP Hải Phòng nhớ lại: “Khi cán bộ, chiến sỹ Đội PCCC tới hiện trường, ngọn lửa đã bốc cao. Cả khu vực cảng Hải Phòng nồng nặc khói độc từ con tàu cháy. Đã có ý kiến đề xuất kéo tàu ra khỏi cảng để bảo đảm an toàn. Tuy vậy, nếu kéo ra khỏi cảng thì chúng ta chấp nhận hy sinh con tàu, mất đi toàn bộ hàng hóa quý giá mà Việt Nam lúc đó đang rất cần. Quyết tâm cứu tàu, các chiến sỹ Đội PCCC dũng cảm leo lên bong tàu hướng vòi rồng phun nước xối xả vào khoang chứa phân đạm đang bốc cháy”.

Là một trong những người trực tiếp tham gia chữa cháy vụ tàu Alexandr Grin, Thượng tá Lê Văn Lưu, nguyên chiến sỹ Đội PCCC nhớ lại: “Ngày 5/8/1968, tôi đang trực chiến đấu tại phân đội trung tâm thì có chuông báo cháy ở cảng Hải Phòng. Tiểu đội trưởng Nguyễn Đình Thành tập trung đơn vị gồm 2 tiểu đội nhanh chóng xuất xe đến cảng. Cùng lúc đó toàn bộ lực lượng từ các phân đội PCCC Thượng Lý, Kiến An, Cát Cụt đều xuất xe đến chi viện. Phân đội PCCC trung tâm có mặt tại cảng đầu tiên. Tôi khi đó 19-20 tuổi, hăng hái lắm. Khi tiếp cận hiện trường, chúng tôi thấy khói trắng xóa mù mịt. Lúc đó, quan sát thấy chiến sĩ của ta không có mặt nạ phòng độc mà cứ hăng hái xông thẳng vào đám cháy, các thủy thủ tàu Liên Xô đẩy chúng tôi ra vì cho rằng như thế quá nguy hiểm, chắc chắn sẽ nhiễm khí độc”.

Sau đó, các thủy thủ tàu Liên Xô đưa mặt nạ phòng độc cho các chiến sĩ Việt Nam để được bảo vệ an toàn hơn. Các tàu xung quanh cũng bơm nước hỗ trợ vào các đám cháy. Ai nấy đều thấm mệt, mắt mũi cay xè, ngực tức thở vì hơi độc, mặt đen xạm vì khói lửa. Nhiều người bị nhiễm độc ngất đi, nhưng khi được cấp cứu tỉnh lại đã xông ngay lên tàu chữa cháy. “Tôi sau đó bị nhiễm độc nặng quá ngất đi, khi tỉnh lại thấy mình trong bệnh viện. Vì tình trạng nhiễm độc quá nặng các bác sỹ phải tiến hành thay máu cho tôi”, ông Lưu kể.

Đứng lặng trước di ảnh những đồng đội cũ, ông Đỗ Văn Đàm nhớ lại: “Ngày 5/8/1968, tôi đang trên đường từ đơn vị về nhà thì nhận tin báo cháy tại cảng Hải Phòng. Dù không trong ca trực nhưng tôi đã xin cấp trên cho phép tham gia chữa cháy. Tình thế lúc đó rất nguy cấp, hầm hàng của tàu đã bốc cháy dữ dội nên tôi cùng các anh Nguyễn Đình Thành và Đỗ Duyên Thịnh trực tiếp xuống trinh sát cửa hầm và mở cửa hầm. Chúng tôi kéo nắp hầm hàng để anh em phun thẳng nước vào dập tắt đám cháy. Khi trở ra cả 3 chúng tôi đều khó thở, được đưa đi cấp cứu nhưng 2 đồng đội của tôi là các anh Thành và Thịnh đã hy sinh. Còn tôi sau này, nitrat amoniac ngấm vào đến đâu ruột bị thối đến đó, lên Bệnh viện Quân y 103 mổ ruột mấy lần cắt 1,2m”.

Cuộc chiến với giặc lửa kéo dài suốt đêm, đến rạng sáng 5/8, đám cháy trên tàu Alexandr Grin được dập tắt hoàn toàn. Tàu chỉ bị hư hỏng nhẹ, phần lớn lượng hàng quý giá mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong giai đoạn cam go này được bảo toàn.

Sau này, vụ chữa cháy tàu Alexandor Grin được tổng kết kinh nghiệm, nghiên cứu bổ sung vào giáo trình giảng dạy của Trường Hạ sỹ quan Cảnh sát PCCC. Theo phân tích, phân đạm cháy sẽ tạo ra nitrat amoniac là chất cực kỳ nguy hiểm. 1.500 tấn nitrat ammoniac trên tàu sẽ trở thành một khối thuốc nổ khổng lồ. Theo đánh giá của các chuyên gia Việt Nam, nếu vụ nổ xảy ra sẽ san phẳng toàn bộ cảng Hải Phòng, 1/3 TP Hải Phòng sẽ đổ sập kèm theo đó là khói độc sẽ tràn khắp thành phố, lan sang một số địa phương lân cận.

Ký ức vụ cháy tàu suýt san phẳng cảng Hải Phòng 50 năm trước - 2

Hình ảnh cứu chữa tàu Alexandr Grin 50 năm trước

Nguy cơ luôn rình rập

Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn, Công an TP Hải Phòng cho biết, 50 năm đã trôi qua nhưng vụ chữa cháy tàu Alexandor Grin luôn là bài học kinh nghiệm, mang tính thời sự tới tận ngày nay. Hải Phòng là thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc. Những con tàu, những kho hàng khổng lồ ở các cảng biển, chỉ một phút lơ là, đám cháy bùng lên không được xử lý kịp thời đều có thể trở thành thảm họa.

Trên thực tế, thời gian gần đây Hải Phòng cũng không ít lần “nín thở” lo lắng bởi các vụ cháy tàu, cháy kho hàng. Hồi 16h15 ngày 27/11/2015, tại cảng Nam Hải (Hải Phòng) xảy ra vụ cháy hóa chất nghiêm trọng. Tàu CONTSHIP ACE quốc tịch Cộng hòa Ship có trọng tải 7.170 tấn đang bốc hàng tại cảng Nam Hải thì xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra cháy trên tàu có trên 150 container hàng hóa các loại, trong đó có 20 container chứa 480 tấn phốt pho vàng ở khoang hầm hàng số 2; khói trắng bốc lên ngùn ngụt từ khoang hầm hàng số 2 và bao trùm toàn bộ khu vực Cảng Nam Hải. Nếu không xử lý được, đám cháy sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về môi trường và tính mạng, sức khỏe của nhân dân thành phố. Sau 5 giờ chiến đấu, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn nhưng 50 cán bộ, chiến sỹ phải nhập viện cấp cứu vì nhiễm độc.

Gần đây nhất, khoảng 16h30 ngày 10/3/2018, tại cảng K99, luồng Sông Cấm (phường Đông Hải 2, quận Hải An), tàu Hải Hà 18 thuộc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà đã xảy ra sự cố cháy nổ khi đang xuất hàng. Tàu chở 900m3 xăng A92. Khi xảy ra sự cố, tàu đã bơm được khoảng 300m3, còn 600m3 trên tàu. Nguyên liệu là chất đốt nên ngọn lửa nhanh chóng bốc lên, cột khói cao hàng trăm mét. Nhận được tin báo, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Chủ tịch HĐND thành phố và lãnh đạo các đơn vị chức năng đã trực tiếp chỉ đạo công tác công tác chữa cháy.

Vụ cháy tàu Hải Hà 18 cũng khiến nhiều người dân Hải Phòng lo lắng bởi nếu không dập tắt kịp thời 600m3 xăng trên tàu phát nổ sẽ khiến cả khu vực cảng K99 bị san phẳng, cháy lan ra cả hệ thống tổng kho xăng dầu, khí đốt hóa lỏng dày đặc ở khu vực.

Xe bồn chở xăng lao vào nhà dân bốc cháy, 6 người chết

Xăng tràn ra quốc lộ gây ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Mọi người đang ngủ không kịp thoát ra ngoài.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hòa ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN