Ký ức không quên trận lũ lớn nhất 50 năm lịch sử ở Quảng Ninh

Sự kiện: Nhịp sống 24h

5 năm đã trôi qua, cuộc sống của người dân nơi từng hứng chịu “trận cuồng phong của đất trời” ở Quảng Ninh đã dần bình yên trở lại.

Dù đã được hỗ trợ xây nhà nhưng vì quá đau buồn, anh Cao Văn Vỹ đã khóa cửa nhà để đấy và bỏ đi biệt tích

Dù đã được hỗ trợ xây nhà nhưng vì quá đau buồn, anh Cao Văn Vỹ đã khóa cửa nhà để đấy và bỏ đi biệt tích

Đi qua những thương đau, mất mát, người dân rốn lũ mới thấm được tình người, sự quan tâm của chính quyền, cộng đồng.

Rốn lũ Khe Sím trở mình

Ngồi trong căn nhà mới xây 3 tầng trị giá gần 2 tỷ đồng, bà Đào Thị Vân (68 tuổi ở khu 6, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) xúc động: “Bao nhiêu năm sống trong căn nhà tranh dột nát, lại thường xuyên ở trong cảnh lụt lội, giờ được ở trong căn nhà mới này, lắm lúc, tôi cứ ngỡ mình mơ đấy. Đây là tiền được Nhà nước đền bù, hỗ trợ di dời khỏi vùng nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao mấy năm trước cùng với vay, mượn thêm, gia đình tôi xây dựng lên”.

Căn nhà cũ của bà Vân ở xóm Cầu Gỗ, thôn Khe Sím, xã Dương Huy được xây cất từ năm 1978, nằm ven suối Lép Mỹ. Trận mưa lịch sử năm 2015, cả thôn Khe Sím ngập chìm trong nước, khiến nhà cửa, tài sản bị ngập, cuốn trôi, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, nhưng rất may nhà bà Vân không ai thiệt mạng.

Chị Trần Nhật Lệ, con dâu bà Vân rùng mình nhớ lại: “Đêm hôm ấy, cháu đang ru thằng con mới đẻ được 8 ngày thì thấy nước dâng cuồn cuộn vào nhà. Hai vợ chồng vơ vội chiếc chậu cho thằng bé và đứa chị hơn 3 tuổi vào đấy rồi lao ra hướng cửa. Nhưng nước tràn vào nhà mạnh quá không bơi ngược ra được, hai vợ chồng phải dỡ mái nhà để leo lên. Khốn thay, vừa lên được mái nhà thì đứa con lớn lại bị trượt chân rơi ngược trở lại trong nhà, chồng cháu lao theo may mắn vớt được”.

Bà con thôn Khe Sím thu dọn đất đá sau trận mưa lũ rạng sáng 28/7/2015

Bà con thôn Khe Sím thu dọn đất đá sau trận mưa lũ rạng sáng 28/7/2015

Mất sạch tài sản, vườn tược tan hoang, vợ chồng chị Lệ chuyển về ở tạm nhà ngoại tại phường Quang Hanh. Hơn 2 năm trước, được đền bù, hỗ trợ gần 2 tỷ đồng và nhà ngoại hỗ trợ thêm, vợ chồng chị Lệ xây căn nhà, đón bà Vân về phụng dưỡng. Hiện nay, chị Lệ đi bán hàng ở chợ, chồng chị đi lái xe thuê, cuộc sống ổn định.

Anh Nguyễn Mạnh Tuyên, một trong 50 hộ bị mất nhà trong trận lụt ở Khe Sím năm ấy giờ cũng đã được hỗ trợ, đền bù và xây cất căn nhà mới. Anh Tuyên cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) đã sử dụng hết phần đất vùng “rốn lũ” Khe Sím năm xưa, nên bồi thường, hỗ trợ để các hộ dân mua nhà đất sang nơi ở mới. Điều đáng nói, các cấp chính quyền của TP Cẩm Phả đã phối hợp với các doanh nghiệp khai thác than tại thôn Khe Sím nhận toàn bộ thanh niên vào làm công nhân với thu nhập ổn định.

Anh Nguyễn Văn Thai cũng thuộc diện di dời khỏi vùng ngập lụt tại thôn Khe Sím cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em chỉ học hết lớp 9. Đang lúc loay hoay không biết kiếm việc gì làm thì được công ty tuyển dụng vào cho đi học nghề về làm công nhân hầm lò. Hiện, thu nhập của em được gần 20 triệu. Vợ em ở nhà ra chợ ngay bên cạnh bán hàng cũng được gần chục triệu nữa. Với thu nhập như vậy, vợ, chồng em sống rất khỏe…”.

Sắc xanh nơi cơn lũ đi qua

Ông Đinh Văn Toàn được hỗ trợ tiền sửa nhà, làm tường rào, bờ kè ngăn đất đá trôi vào nhà

Ông Đinh Văn Toàn được hỗ trợ tiền sửa nhà, làm tường rào, bờ kè ngăn đất đá trôi vào nhà

Nhìn từ xa, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) vào những ngày cuối thu phủ trong sắc xanh yên bình của cây cối, loáng thoáng dưới bóng cây là những nếp nhà khang trang, kiên cố. Trong căn nhà nhỏ ngăn nắp ở chân núi, ông Đinh Văn Toàn (67 tuổi) lúi húi kê lại mấy cây cảnh trước hiên nhà. Là công nhân ngành than nghỉ hưu, cuộc sống của ông Toàn còn khó khăn, người vợ vẫn đang phải đi bán rau hàng ngày ở chợ, nhưng ông bảo: “Thế là may mắn hơn những người hàng xóm rồi”.

Thời điểm cơn lũ tràn qua 5 năm trước, gia đình ông may mắn thoát nạn, dù hư hỏng nhà cửa, vườn tược rất nặng nề.

“Đất đá từ trên cao tràn xuống, nhà cửa bị vùi lấp, bàng hoàng nhất là ba nhà gần đó bị vùi kín, nhiều người nằm trong đống đất đá... Tôi cứ nghĩ mình có còn sống được ở nơi này? Nhưng rồi nhận được 50 triệu đồng chính quyền hỗ trợ sửa sang nhà cửa, lúc sửa nhà, hàng xóm người giúp công, người cho ít vật liệu… lại thấy cần bám trụ để sống”, ông Toàn kể.

Cơn lũ dữ mà ông Toàn kể xảy ra vào sáng 28/7/2015. Sau những ngày dài mưa như trút nước, đất đá cùng nước lũ tràn từ trên cao ập xuống tổ dân phố 44. Chỉ trong chớp nhoáng, ngôi nhà cấp 4 và hai nhà mái bằng của gia đình bà Nguyễn Thị Thược đã bị vùi lấp hoàn toàn. 9 nạn nhân bị vùi trong đống đổ nát đã ra đi...

Người dân tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long tham gia tìm kiếm thi thể bà Thược và các con, cháu

Người dân tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long tham gia tìm kiếm thi thể bà Thược và các con, cháu

Trong căn nhà cách nơi bị vùi lấp vài trăm mét, anh Cao Văn Ca, con trai thứ 3 của bà Thược thắp nén nhang lên ban thờ mẹ, em trai, hai em dâu, 4 đứa cháu.

Ký ức ngày đau thương như vẫn hiện ra trước mắt, anh Ca bần thần kể: Sáng hôm ấy, khi hàng xóm hú gọi, anh chạy sang thì bàng hoàng thấy dãy nhà của mẹ và các em bị san phẳng, hàng chục người đang bất chấp mưa to, bùn đất phía trên vẫn trôi xuống xối xả, hì hụi đào bới. Anh Ca như người điên dại rẽ đám đông vừa gào thét gọi mẹ, gọi em rồi dùng tay cứ thế cào bùn, bới đất. Cuối cùng, chỉ có anh Cao Văn Vỹ, người em liền kề của anh Ca được cứu thoát trong tình trạng bị bùn, đất vùi kín người, da thịt đang dần tím tái.

“May cho em tôi là có chiếc tủ đè ở phía trên, bùn đất không lấp kín đầu mới thở được, nên còn cứu kịp”, anh Ca nhớ lại.

Được cứu sống, nhưng anh Vỹ lúc tỉnh, lúc dại, không còn khỏe mạnh khôn ngoan như trước. Bà con chòm xóm cùng các mạnh thường quân gom góp hơn 800 triệu đồng lo tang ma cho gia đình, sau đó các cấp chính quyền của Quảng Ninh đã nhanh chóng cấp cho anh Cao Văn Vỹ mảnh đất gần 70m2 ở nơi an toàn cách nơi ở cũ vài trăm mét rồi hỗ trợ tiền làm nhà. Tuy nhiên, hơn 1 năm trước, anh Vỹ đã bỏ nhà đi mất tích.

“Về nhà lần nào tôi cũng lên thắp hương khấn tổ tiên, cha, mẹ, các cháu phù hộ cho chú Vỹ yên bình sớm trở về nhà”, anh Ca buồn rầu nói.

Đêm 27, rạng sáng 28/7/2015, trận mưa lũ lịch sử được coi là lớn nhất trong 50 năm qua ở Quảng Ninh đã khiến toàn bộ trên 100 hộ dân thuộc thôn Khe Sím, xã Dương Huy, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) bị chìm trong biển nước, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ngay sau trận lũ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã ủng hộ người dân Khe Sím tiền, lương thực, thực phẩm, quần áo… lên tới gần 10 tỷ đồng. Cùng với đó, di dời những hộ dân ở nơi nguy cơ ngập lụt, sạt lở cao đến nơi ở mới với tổng kinh phí gần 140 tỷ đồng.

Cùng thời điểm này, tại tổ 44, khu 4, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, mưa lũ đã khiến đất đá đổ ập xuống khu dân cư, khiến 9 người thiệt mạng do bị vùi lấp.

Nguồn: [Link nguồn]

Clip: Kinh hoàng nhà 2 tầng đổ sập trong mưa lũ lịch sử 60 năm ở Hà Giang

Ngôi nhà 2 tầng xây kiên cố đổ sập do bị đất đá sạt lở vào trong trận mưa lũ lịch sử 60 năm qua tại TP Hà Giang.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN