Không thể bắt buộc thuê bao cũ chụp ảnh chân dung

Sự kiện: Thời sự

Là 2 chuyên gia pháp luật, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Văn Chiến cùng cho rằng không thể bắt buộc thuê bao cũ phải chụp ảnh chân dung và không thể huỷ hợp đồng của khách hàng nếu không thực hiện.

Không thể bắt buộc thuê bao cũ chụp ảnh chân dung - 1

Một đại lý bán sim điện thoại trên đường Kim Mã, Hà Nội - Ảnh: Bảo Trân

Liên quan đến quy định khách hàng phải chụp ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao điện thoại di động, bên hành lang Quốc hội sáng nay 20-6, trả lời báo chí, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ băn khoăn về quy định này và nói: "Tôi không biết ý định của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) ra sao nhưng mỗi chiếc sim điện thoại khi đăng ký đều khai báo tên, tuổi, số chứng minh nhân dân rồi".

ĐBQH tỉnh Bến Tre này cho rằng về góc độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nhà nước không có quyền ban hành thêm thủ tục hành chính.

"Quy định này động chạm đến quyền lợi người dân nên phải đúng quy định của pháp luật. Luật không có sao lại bắt người dân chụp ảnh chân dung, không thể có quy định trên luật được" – Ông Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề.

Cũng vấn đề, một chuyên gia pháp luật khác là ĐBQH Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam lại cho biết quy định chụp ảnh chân dung đối với thuê bao di động chỉ nên áp dụng đăng ký thuê bao mới, hay thuê bao không rõ ràng về danh tính là phù hợp (còn gọi là thuê bao ảo).

"Theo tôi không nên thực hiện một cách máy móc, bắt buộc toàn bộ thuê bao phải thực hiện vì trước đó đã bắt buộc đăng ký theo chứng minh thư. Chủ nhân của những thuê bao này đã có địa chỉ rõ ràng rồi, tổ chức thực hiện, chụp ảnh, lưu trữ nên không cần thiết và gây tốn kém" - ông Chiến góp ý.

Làm rõ thêm, ĐB Nguyễn Văn Chiến phân tích về nguyên tắc dân sự, sử dụng dịch vụ hay không thực hiện dịch vụ đều do thỏa thuận giữa hai bên.

Vì thế khi hợp đồng mẫu mà nhà mạng thực hiện theo tinh thần của nghị định này nếu khách hàng không đồng ý thì không cung cấp dịch vụ là bình thường nhưng nó chỉ áp dụng với các thuê bao mới, thuê bao không có danh tính rõ ràng.

Còn đối với các trường hợp đã sử dụng trước khi nghị định này ra đời, mà buộc người ta thực hiện lại cung cấp thông tin ảnh cá nhân là không cần thiết, không phù hợp.

"Vì hợp đồng đã được giao kết trước khi nghị định này ra đời nên không thể viện lý do không cung cấp ảnh chân dung để hủy hợp đồng" - ông Chiến khẳng định.

Thuê bao nào phải chụp ảnh chân dung?

Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết thực tế thời gian qua một số nhân viên của các doanh nghiệp và đặc biệt các đại lý phân phối sim điện thoại, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, thậm chí sử dụng công nghệ thông tin để tạo ra chứng minh nhân dân giả, lấy chứng minh thư của người này gắn vào số thuê bao bán người khác…để hoà mạng các sim di động mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ.

Thanh tra Bộ TT-TT đã phát hiện nhiều vụ việc đăng ký thông tin giả và kích hoạt sẵn SIM, và chuyển Bộ Công an điều tra xử lý hình sự và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu Bộ Công an sớm có báo cáo kết quả.

Xuất phát từ những lý do trên, Nghị định 49/2017 đã quy định yêu cầu bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các sim thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 49 đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao cho mỗi tổ chức, cá nhân.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc chụp ảnh chỉ áp dụng cho các thuê bao phát triển mới hoặc các thuê bao có thông tin không chính xác, phải đi đăng ký lại. Đối với các thuê bao mà doanh nghiệp có sở cứ là thông tin đã chính xác (ví dụ thuê bao trả sau, thuê bao chuyển từ trả sau sang thuê bao trả trước, thuê bao mới đăng ký lại thông tin theo đúng qui định trong thời gian vừa qua) thì không cần chụp ảnh mà doanh nghiệp chỉ cần bổ sung ảnh chụp và doanh nghiệp phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về điều đó.

Các mạng di động sẽ có 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực để rà soát cơ sở dữ liệu của mình, thông báo cho các chủ thuê bao có thông tin sai với qui định tại Nghị định đến đăng ký lại (trong đó có việc chụp ảnh).

Đăng ký thông tin sai, thuê bao di động sẽ bị khóa

Nếu thông tin thuê bao còn thiếu hoặc không chính xác, chủ thuê bao phải đăng ký lại. Sau 10 ngày kể từ khi chủ thuê bao...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trân (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN