“Khắc tinh” của mãng xà ở miền Tây

Nhiều trường hợp bị rắn độc cắn đưa đến trại rắn Đồng Tâm đã chết lâm sàng nhưng được các y bác sĩ tại đây “cải tử hoàn sinh”.

“Khắc tinh” của mãng xà ở miền Tây - 1

Mỗi năm Khoa cấp cứu điều trị rắn độc của Trại rắn Đồng Tâm cứu từ 1.200-1.500 người bị rắn độc cắn và đều được điều trị miễn phí

Trung tâm Nghiên cứu, nuôi trồng và chế biến Dược liệu, thuộc Cục Hậu Cần- Quân Khu 9 (hay Trại rắn Đồng Tâm), được nhiều người trong và ngoài nước biết đến không chỉ là nơi nghiên cứu, bảo tồn rắn độc mà còn là địa chỉ đã cứu sống nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn thoát khỏi cảnh “thập tử, nhất sinh”.

Cứu người qua điện thoại

Tại đơn vị này, có trung tá, bác sĩ quân y Vũ Ngọc Lương – Phó giám đốc Trung tâm là người đã gắn bó với Trại rắn Đồng Tâm 17 năm nay. Ông là người đã có nhiều công trình nghiên cứu về rắn độc, áp dụng các biện pháp, kinh nghiệm để chữa trị thành công các trường hợp không may bị rắn độc cắn.

Theo bác sĩ Lương, mỗi năm Khoa cấp cứu rắn độc cứu chữa khoảng 1.500 người từ khắp nơi trên cả nước nhưng chủ yếu là người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nhiều trường hợp bệnh nhân được đưa từ nước Lào, Campuchia về đây để điều trị rắn cắn.

Bác sĩ Lương cho biết, ngoài việc cứu chữa những bệnh nhân được đưa đến trại, nhiều trường hợp được ông và đội ngũ cán bộ nhân viên ở đây tư vấn  sơ cứu qua điện thoại cho nạn nhân bị rắn cắn vì không có điều kiện đến đây chữa trị. Nhờ tư vấn, hướng dẫn tận tình, chính xác nên các trường hợp bi rắn độc này đều được cứu sống.

“Người dân ở tỉnh Bình Thuận và các tỉnh Tây Nguyên khi bị rắn độc cắn gọi đến, đều được tôi tư vấn, hướng dẫn cách sơ cứu. Do khoảng cách từ nơi bị rắn cắn đến cơ sở cấp cứu ở địa phương khá xa, nếu không tư vấn sơ cứu kịp thời thì tính mạng của nạn nhân khó bảo toàn”, ông thông tin.

“Cũng có người sau khi được các bác sĩ ở tỉnh cứu sống gọi điện tới tôi cảm ơn. Họ cho biết, nếu không nhờ tôi tư vấn hướng dẫn sơ cứu thì tính mạng họ đã không còn vì  khi đến bệnh viện bác sĩ thông báo nếu không được sơ cứu và chậm vài chục phút thì có thần tiên cũng không thể cứu được”, bác sĩ quân y kể.

“Từ lúc công tác đến nay chúng tôi đã cứu hàng chục ngàn trường hợp nhưng tất cả đều được điều trị miễn phí. Do đó, người phải yêu nghề, có tâm huyết với nghề thì mới sống và làm việc ở khoa được. Thực tế, bệnh nhân bị rắn cắn chủ yếu là dân nghèo, nếu chúng ta không có tấm lòng, bao dung thì khó gắn bó với khoa lâu dài”, người thầy thuốc mặc áo lính chia sẻ.

Còn thở là vẫn còn hy vọng cứu sống

Trung tá Lương cho biết từ lúc chuyển về Trại rắn Đồng Tâm công tác đến bây giờ ông và đồng nghiệp không nhớ đã cứu sống được bao nhiêu người nhưng theo người lính mặt áo blouse trắng này, có những trường hợp bệnh nhân được cứu sống một cách đặc biệt làm  ông nhớ mãi.

“Khắc tinh” của mãng xà ở miền Tây - 2

Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn

Ông kể, cách đây không lâu một học sinh ở Tiền Giang khi đang ngồi trong nhà học bài buổi tối thì bị rắn rỗi cắn, nạn nhân sau đó rơi vào hôn mê và nằm bất động. Thấy con bị nạn, người cha nghĩ rằng con đã chết không đưa đi cấp cứu. Riêng người mẹ thúc giục gia đình đưa con đi với hy vọng “còn nước còn tát”. Trên đường đi do lo sợ, nên người cầm lái xe máy mất kiểm soát khiến nạn nhân bị thương thêm một lần nữa. Khi vào trại, nạn nhân không còn mạch nhưng vẫn còn thở. Sau khi hội chuẩn các bác sĩ điều trị và một phép màu đã xuất hiện, vài giờ sau nạn nhân tỉnh lại, cả gia bệnh nhân cùng ekip cấp cứu vỡ òa trong hạnh phúc.

“Một trường hợp khác bệnh nhân được cứu sống thành công khi đã chết lâm sàng đến giờ chúng tôi vẫn nhớ mãi và lấy đó là niềm vui và động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội”, bác sĩ Lương tâm sự.

Theo lời chia sẻ của bác sĩ, khoảng 5 năm về trước, ông N.H.T. (quê Bến Tre) trong lúc đi chăn bò bị con rắn hổ đất nặng hoảng 1 ký tấn công. Khi thấy con rắn phùng mang, ông T. lấy cây nọc dùng để cắm dây dẫn bò đập vào con rắn nhưng nó né được và tấn công ông bằng một cú đớp. Bệnh nhân được người nhà cấp tốc đưa đến trại rắn để cấp cứu nhưng khi còn khoảng 3km thì người này đã tắt thở.

Sau khi được các bác sĩ của Trại sơ cứu khoảng 10 phút, nạn nhân được cứu sống và xuất viện sau gần 4 tháng điều trị. “Năm nào cũng vậy, ông T. cũng làm vài mâm cơm cúng tạ ông bà tổ tiên và mời anh em chúng tôi đến chung vui như một lời cảm ơn vì đã tái sinh ông lần thứ 2 trong đời, trung tá Lương nói.

Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn

Trung tá, bác sĩ Lương khuyến cáo, trong trường hợp bị nhóm rắn hổ rắn cắn, phải nhanh chóng buộc băng ép (garô) ở phía trên vết cắn 3-5cm, rửa sạch vết thương bằng xà bông hoặc dung dịch thuốc sát khuẩn da; phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng; nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế để xác định loại rắn cắn và chích huyết thanh kháng nọc phù hợp. Đặc biệt, người dân không nên đến các thầy lang, thầy vườn vì càng làm cho độc tố có thời gian kéo dài hơn.

Nếu bị rắn lục đuôi đỏ rắn cắn tuyệt đối không chích, rạch hay nặn máu bởi vì rắn lục đuôi đỏ thuộc nhóm rắn có nọc độc gây rối loạn cơ chế đông máu. Do đó nếu chích, rạch sẽ làm chảy máu nhiều dẫn tới không cầm được

 Để giữ mạng sống, nhiều người bị rắn độc cắn phải đi máy bay từ nước ngoài về Việt Nam để đến Trại rắn Đồng Tâm và được các bác sĩ ở đây cứu chữa thành công.

Đón đọc kỳ tới: "Bị mãng xà tấn công, từ nước ngoài về VN được cứu sống" vào lúc 19h ngày 2.5

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN