Kết “bó hoa” tiền thật tặng 8/3 coi chừng phạm luật

Sự kiện: Tin ngắn

Việc kết tặng bó hoa bằng tiền thật để tặng trong dịp 8/3… tiềm ẩn nguy cơ bị xử phạt nếu làm hỏng tiền.

Mọi người nên cẩn trọng với việc làm, tặng nhau hoa tiền trong các dịp lễ, sinh nhật. Ảnh minh họa

Mọi người nên cẩn trọng với việc làm, tặng nhau hoa tiền trong các dịp lễ, sinh nhật. Ảnh minh họa

Những năm gần đây, việc tặng hoa làm từ các tờ tiền với nhiều mệnh giá khác nhau trong các ngày lễ, sinh nhật… đang trở thành một xu thế mới của giới trẻ. Nhiều người cho rằng, bó hoa từ tiền thật vừa đẹp lại vừa có giá trị kinh tế.

Theo đó, các bó hoa này được làm từ các đồng có mệnh giá từ nhỏ đến lớn với chất liệu bằng tiền giấy hoặc tiền Polime. Những tờ tiền mới được dán băng dính vào que và cuộn tròn lại để sau đó xếp lại thành bó hoa tiền đẹp mắt.

Tuy nhiên, trong quá trình kết hoa nếu dùng vật nhọn và các chất bám dính cao như keo dán sắt sẽ dễ dẫn đến rách, biến dạng và gây khó khăn trong việc lưu thông tiền tệ.

Với những người làm hoa bằng tiền để bán, họ cũng chia sẻ rằng, nếu muốn các tờ tiền dính tốt hơn, để lâu hơn phải sử dụng keo dính có độ bền chặt nhưng khi gỡ ra thì tiền lại dễ bị rách.

Dù việc làm bó hoa tiền từ chính tiền của bản thân, cộng với việc nếu chẳng may có rách cũng chỉ là ngoài ý muốn, thế nhưng ít người biết rằng, việc làm đó đã vi phạm vào điều mà pháp luật đã quy định.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), pháp luật hiện hành không có quy định cấm làm hoa bằng tiền Việt Nam, tuy nhiên nếu trong quá trình làm hoa bằng tiền mà phải cắt, xé, đâm, chọc,… dẫn đến việc tiền Việt Nam bị hủy hoại thì đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Dưới góc độ pháp lý, tại khoản 2 Điều 3 Quyết định số 130/2003 của Thủ tướng về bảo vệ tiền Việt Nam có nhấn mạnh, nghiêm cấm hành vi huỷ hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.

Theo đó, có thể hiểu hành vi hủy hoại tiền là các hành vi được thực hiện một cách cố ý như: Xé, cắt, đốt, vò nát, tẩy xóa tiền...

Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 88/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, vi phạm quy định về bảo vệ tiền Việt Nam bị xử lý như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật.

Bên cạnh đó, người vi phạm còn chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này, giao cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Nguồn: [Link nguồn]

Video: Những người phụ nữ nhọc nhằn mưu sinh ngày 8-3

Với nhiều người phụ nữ, ngày 8-3 cũng là ngày bình thường, bởi họ vẫn đầu tắt mặt tối từ sáng sớm đến đêm khuya với ước mong kiếm đủ tiền để trang trải cuộc...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Giang ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN