Kẹp 50.000 đồng vào y bạ sẽ được khám trước

Sáng 14/11, Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục trả lời những câu hỏi của đại biểu về vấn đề y đức trong ngành y tế và vấn nạn “phong bì” trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Nữ Bộ trưởng đã phải dành khá nhiều thời gian để trần tình những bất cập mà ngành y tế đang gặp phải bởi theo bà “chẳng mấy khi có cơ hội để nói hết nhẽ”. Qua khảo sát thực tế, Bộ trưởng thừa nhận thái độ tiếp xúc của nhân viên y tế không thân thiện, thậm chí cáu gắt, quát mắng với bệnh nhân vẫn còn phổ biến. “ Đây là biểu hiện thói quen từ thời bao cấp vẫn còn duy trì tới nay”.

Ngoài những nguyên nhân về cơ sở vật chất chật trội, không đảm bảo, lương thu nhập cán bộ thấp thì theo Bộ trưởng nguyên nhân căn cơ thuộc về văn hóa và nhân cách của cán bộ y tế. “Khi bệnh nhân trong cơn đau đớn mà vẫn có thái độ hách dịch, quát mắng thì quả là không thể chấp nhận được”- nữ Bộ trưởng nói.

Về tệ nạn “phong bì”, nữ Bộ trưởng cho rằng đây vẫn là hình ảnh khó chấp nhận đối với cán bộ y tế. “Hầu hết, bệnh nhân cho biết nếu đưa phong bì trước thì được cán bộ y tế vui vẻ tiếp đón, nếu không thì tỏ ngay ra mặt rất khó chịu... Chính bản thân tôi cũng đã từng xếp sổ ngồi chờ tại những nơi bị phản ánh. Tôi cũng thấy tận mắt cảnh bệnh nhân cho 50.000 đồng vào sổ khám bệnh thì được vào khám trước còn không thì cứ chờ đấy dài dài” -bà Tiến nói.

Kẹp 50.000 đồng vào y bạ sẽ được khám trước - 1

Đông đảo người dân chờ tới lượt khám bệnh

Cũng theo Bộ trưởng, thời điểm phát động phong trào bệnh viện nói không với phong bì là do công đoàn Bộ chứ Bộ trưởng không hề hay biết. “Tuy nhiên ban lãnh đạo Bộ cũng không phản đối vì cho rằng đây là cơ hội công chúng mổ xẻ vấn đề để chúng tôi nhận định rõ trách nhiệm mình cần phải làm ”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ đã liên tục tổ chức những đoàn thanh kiểm tra chấn chỉnh tình trạng trên; giao quyền cho các Giám đốc bệnh viện có thể trực tiếp đuổi việc đối với những cán bộ dưới quyền nhận phong bì. “Chúng tôi cũng kêu gọi dân chúng có thái độ dứt khoát nói không với phong bì. Nơi nào chứng kiến việc trao tay phong bì, hãy chụp ảnh, ghi âm, ghi tên lại rồi gửi cho chúng tôi”- Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên cho rằng đây là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác nên quá trình cũng phải diễn ra dài dài.

Liên quan tới nhiều ca tai biến y khoa nghiêm trọng, xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây, hàng loạt câu hỏi về trình độ đội ngũ y - bác sĩ cũng được các ĐB gửi đến người đứng đầu ngành y tế.

ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) hỏi: “Nhiều sai sót gần đây khiến người dân chưa yên tâm, những ca sản phụ tử vong, một nữ bệnh nhân ở Cần Thơ bị cắt nhầm 2 quả thận hay cháu bé ở Khánh Hòa bị cắt nhầm bàng quang... Đề nghị Bộ Y Tế trả lời làm rõ về trách nhiệm của ngành y như thế nào?”

Cho rằng đây là những vụ việc “đau lòng” của ngành y, Bộ Y tế cũng đã thành lập hội đồng kỷ luật làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người bệnh tử vong chưa xác định nguyên nhân vì người nhà không đồng ý mổ tử thi. “Tai biến y khoa có thể xảy ra thường trực mọi lúc mọi nơi, thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho biếy tỷ lệ sai sót do tai biến là 3,7%, tỷ lệ này còn cao hơn đối với tai biến sản khoa ít nhất cũng lên tới 15% kể cả những nơi có trình độ chuyên môn cao, cơ sở vật chất tốt”, Bộ trưởng cho biết.

Trước câu hỏi “Khi nào dân được dùng giá thuốc ngang bằng với các nước trong khu vực?”, Bộ trưởng Tiến giải thích thông tin Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng giá thuốc Việt Nam cao gấp 40 lần so với thế giới là do hiểu nhầm. Tuy nhiên với những bất cập trong cơ chế quản lý giá thuốc hiện nay, nữ Bộ trưởng cũng thừa nhận khó có thể nói khi nào giá thuốc trong nước ngàng bằng trong khu vực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai-Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN