Họp hành và làm báo cáo - ít thôi, nhưng phải hiệu quả!
Có tới 25,4% thời gian làm việc của cán bộ, công chức cấp bộ phải dành ra làm báo cáo. Ở địa phương, con số đó còn cao hơn. Chuyện họp hành cũng vậy, có vị Bộ trưởng từng than là một tuần phải họp tới 40 cuộc, có người đứng đầu chính quyền một thành phố cũng phát ngôn: “Họp ít thôi!”.
Trong khi chúng ta đã thực hiện cải cách hành chính được một chặng đường dài, chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính cũng đang hiện thực hóa. Vậy tại sao các cơ quan hành chính vẫn bùng nhùng với chuyện họp hành và làm báo cáo, tác động của việc này ra sao? Phóng viên chuyên mục Trò chuyện chủ nhật đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Phùng Văn Hiền, Trưởng phòng Đào tạo tại chức, Học viện Hành chính Quốc gia xung quanh vấn đề trên.
Phóng viên (PV): Thưa Tiến sỹ, tuần qua Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đưa ra con số đáng để suy nghĩ, đó là có tới hơn 25% thời gian của cán bộ công chức cấp bộ được dành để làm báo cáo. Ông có ý kiến gì về con số này?
Tiến sỹ (TS) Phùng Văn Hiền: Tôi nghĩ, không chỉ 20 - 30% thời gian làm báo cáo, mà có chỗ còn dành nhiều thời gian hơn nữa cho báo cáo. Có những đơn vị họ vẫn theo một mẫu báo cáo, vẫn yêu cầu cấp dưới làm nhiều loại báo cáo mà không quan tâm đến vấn đề cải cách hành chính.
Tuy nhiên, vì cấp dưới thực hiện mệnh lệnh của cấp trên nên vẫn phải phục tùng. Vậy nên, trong số báo cáo đó sẽ bị trùng lắp cả về nội dung. Hơn nữa, nội dung báo cáo vẫn thực hiện một cách máy móc nên những nội dung này được nhắc đi nhắc lại ở trong cuộc họp này, cuộc họp kia mà không sắp xếp thành một trình tự khoa học về lưu trữ văn bản.
Thực trạng đấy phải khắc phục trước hết là ở người thực hiện công việc, người đó phải phát huy trình độ nghiệp vụ của mình để báo cáo cấp trên rằng những báo cáo này đã lỗi thời, những báo cáo này đã chồng chéo, theo chủ trương của địa phương, bộ ngành phải cải cách hành chính. Thứ hai, những người ở cấp trên phải giao cho bộ phận rà soát lại để cải cách, giảm bớt số lượng báo cáo.
Ông Phùng Văn Hiền.
PV: Thời gian công chức làm công việc hành chính thì chỉ 8 tiếng/ngày. Trong khi thời gian dành cho báo cáo chiếm tới 1/4 trở lên buộc cán bộ công chức phải xén bớt thời gian của công việc khác?
TS Phùng Văn Hiền: Đúng vậy. Nghĩa là thời gian dành cho chuyên môn của những cán bộ cấp dưới đó không còn nhiều, chỉ làm việc hời hợt cho xong việc. Công tác chuyên môn của chuyên viên không còn nhiều để tập trung tâm huyết, sâu sát vào công việc của mình, bám lấy quy định của pháp luật để thực hiện cho dân, đó là ở cấp cơ sở. Còn cấp huyện, cấp tỉnh thì cán bộ cũng không còn nhiều thời gian để thực hiện theo trình tự hành chính dẫn đến chất lượng công việc sẽ kém đi.
Mà việc báo cáo thì mang tính hình thức nhiều, không có chất lượng. Như vậy thông qua đó cho thấy, người lãnh đạo chỉ đạo có nhiều báo cáo là không sâu sát công việc, trách nhiệm của chuyên viên giúp việc cho cấp trên cũng không có trách nhiệm cao với công việc. Do vậy việc cải cách thủ tục hành chính trong các đơn vị này chưa thực hiện được.
PV: Ngoài việc báo cáo quá nhiều, tình trạng họp hành cũng vậy. Vừa qua, trong cuộc làm việc với Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu phải giảm số lượng các cuộc họp, dành thời gian đi thực tế. Nếu phải họp thì họp thông tin ngắn thôi, vấn đề gì cần xin ý kiến thì nêu, giải quyết nhanh. Nếu làm được vậy thì tốt quá?
TS Phùng Văn Hiền: Hiện tượng tổ chức nhiều cuộc họp là có. Vấn đề này cũng đã từng được đưa ra bàn thảo. Nhiều khi cuộc họp chỉ là họp thôi, cuộc họp này vẽ ra kế hoạch cho cuộc họp lần sau, đó là những cuộc họp hời hợt. Có những cuộc họp chạy kế hoạch, có những cuộc họp để giải ngân, đó là những cuộc họp chỉ mang tính chất đưa ra chủ trương.
Tôi ví dụ, những cuộc họp dành để giải ngân, đó là các hội thảo, hội nghị để chi tiền, chạy hết kế hoạch… hợp thức hóa khi thực hiện một đề tài khoa học nào đó. Cái này cũng được bắt nguồn từ vấn đề cải cách hành chính. Vì thủ tục của chúng ta rất nặng nề, cứng nhắc, buộc người ta phải nói dối.
Có trường hợp không đi thực tế thì xin ký đóng dấu, xác nhận có đoàn đi khảo sát ở tỉnh này, tỉnh kia để hợp thức hóa. Nếu không có thủ tục đó thì bị cắt ngân sách. Mà nếu không thực hiện được năm nay thì năm sau không được giao. Vậy là tự chính sách, cơ chế tạo ra người làm việc phải làm việc dối, dối bằng văn bản chứ không phải lời nói.
Họp nhiều hay họp ít thì cũng phải phát huy được tác dụng. Họp nhiều quá thì không nên mà phải phát huy được giá trị của từng cuộc họp. Cuộc họp là tổng kết cái cũ, đưa ra cái mới. Một cuộc họp có nhiều nội dung, sát việc thì số cuộc họp sẽ ít đi.
PV: Ngoài gánh nặng họp hành, các cơ quan nhà nước phải tiêu tốn thời gian, nhân lực, vật lực để thực hiện chế độ báo cáo. Vậy theo Tiến sỹ, chúng ta phải làm gì để giải quyết vấn đề này nhằm đạt mục tiêu cải cách hành chính, xây dựng một Chính phủ có nền hành chính phục vụ?
TS Phùng Văn Hiền: Chúng ta đã có thể đơn giản hóa các chế độ báo cáo bằng việc thực hiện Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24-4-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định này phê duyệt “Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước”.
Bên cạnh đó, vấn đề con người cụ thể vẫn là quan trọng nhất. Đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta đã cải cách hành chính thời gian dài rồi mà vẫn “lùng nhùng”. Từ Nghị quyết 30c/NQ-CP ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, đến Nghị định 108/2014/NĐ-CP về tinh giản biên chế, rồi Nghị quyết 39-NQ/TW 2015 Đảng ta nhắc lại vấn đề tinh giản biên chế và cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức. Hiện tại, những đầu mối từ Bộ Nội vụ đã triển khai rất quyết liệt theo Nghị quyết của Đảng, nhưng ở cơ sở thì còn nhiều vấn đề.
Để thực hiện cải cách hành chính thì phải chú trọng tới từng cá nhân cụ thể ở từng việc làm cụ thể thật rõ ràng, từ chỗ xác định vị trí việc làm, xác định lượng công việc cố định, những việc phát sinh khác, những việc được giao thêm... Tuy nhiên, một trong những biện pháp quản lý nhà nước là công tác kiểm tra giám sát rất quan trọng.
Cứ giao không, không kiểm tra thì chả biết đến đâu. Ví dụ như công việc tiếp dân chẳng hạn, ở cấp cơ sở có hiện tượng tắc trách, máy móc gây bức xúc dư luận, trong khi mỗi vụ việc, tình huống khác nhau thì phải có cách xử lý khác nhau, cụ thể như việc bố trí cán bộ làm việc không đúng ở phường Văn Miếu, Hà Nội vừa qua đã gây bức xúc cho người dân.
Trở lại vấn đề trao đổi lúc trước đó là cách sử dụng thời gian của cán bộ công chức, nếu thời gian 25% trong ngày làm báo cáo, còn lại 75% thời gian liệu chuyên viên hay cán bộ có làm đúng công việc của mình không, hay chỉ làm việc qua quýt theo kiểu bệnh thành tích, báo cáo xong là đi chơi. Bởi thế, người thực hiện là quan trọng, đó là nói đến một con người cụ thể.
Trên con người cụ thể đó có tổ chức và người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải được trao quyền và gắn trách nhiệm cụ thể, khi được giao quyền thì phải xử lý chứ không thể bao che, đó chính là lợi ích nhóm. Nếu chúng ta không mổ xẻ, dứt cái ung nhọt đi thì nó vẫn ở đó, đến khi nó vỡ ra thì khó sửa.
PV: Vậy theo Tiến sỹ, cách làm đã có, quan trọng là thực hiện?
TS Phùng Văn Hiền: Chính xác là như vậy. Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp: “Con đường dài nhất là từ lời nói đến hành động”. Tại sao vậy? Tại khi giao việc anh không kiểm tra. Khi anh kiểm tra mà làm không được thì anh phải chấn chỉnh chứ! Nếu không thực hiện được thì kiến tạo rất khó. Các bộ, ngành, cơ quan đã tập trung nghiên cứu từng câu, từng từ, từng dấu chấm dấu phẩy để ban hành các nghị quyết, nghị định, nhưng các bước tiến triển không được rõ, không được mạnh mẽ lắm vì yếu ở khâu thực hiện. Chủ trương hoàn toàn hợp lòng dân, việc tổ chức thực hiện chưa tốt là do chỉ đạo chưa quyết liệt, còn nể nang, né tránh, bao che, lộng quyền. Bên cạnh đó, việc chấp hành của cán bộ công chức, viên chức ở các cấp chưa nghiêm túc, thiếu trách nhiệm là "công bộc" của dân. Vấn đề quan trọng là sự toàn tâm, toàn ý, trách nhiệm của từng cán bộ cụ thể đối với công việc của mình.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Lẽ ra, cả ngày hôm nay (8/11), toàn thể lãnh đạo của Đà Nẵng phải tham dự cuộc họp rất quan trọng để bàn về các dự...