"Học sinh làm chủ tịch dân chủ hơn lớp trưởng"

“Nhiều người suy diễn tên gọi “chủ tịch hội đồng tự quản” sẽ tạo cho các em tính háo danh từ bé. Như vậy là không đúng. Bởi khi ở vị trí này, trước mỗi việc, các em đều phải trao đổi với giáo viên và bạn trong lớp”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay.

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Điều lệ trường tiểu học với một số nội dung mới. Trong đó, lớp trưởng bậc tiểu học sẽ là chủ tịch hội đồng tự quản.

Sau khi dự thảo được công bố, dư luận cho rằng chức danh này rất tốt cho trẻ, giúp trẻ có trách nhiệm từ nhỏ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình bởi áp chức danh mới khiến trẻ hình thành tâm lý thích quyền lực.

"Học sinh làm chủ tịch dân chủ hơn lớp trưởng" - 1

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.

Trước thông tin này, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cơ quan soạn Dự thảo Điều lệ cho biết, lớp trưởng giờ không đứng ra thay giáo viên theo dõi, đôn đốc việc học hành của các thành viên trong lớp mà chính các thành viên bảo ban, bình bầu, theo dõi, giám sát lẫn nhau.

Theo ông Hiển, tên gọi "chủ tịch hội đồng tự quản" giúp học sinh đứng ra tổ chức, bàn bạc, thậm chí đề xuất nguyện vọng để thông qua hội đồng tự quản báo cáo với giáo viên, đoàn đội, báo cáo phụ huynh học sinh.

“Lập chủ tịch hội đồng tự quản không phải để nhẹ việc cho giáo viên, cho nhà trường mà để tăng khả năng tự chủ tự quản, sinh hoạt cùng nhau, trao đổi góp ý, tăng kĩ năng sống cho học sinh”, ông Hiển cho hay.

Theo ông Hiển, học sinh làm chủ tịch, phó chủ tịch… dân chủ hơn lớp trưởng. Bởi học sinh được trao quyền chủ động có ý kiến, đề xuất, giải quyết sự việc trong lớp học nên tăng tính tự chủ, tự tin.

“Nhiều người suy diễn chức vụ này tạo cho các em tính háo danh từ bé là không đúng. Bởi khi ở vị trí này, trước mỗi việc, các em đều phải trao đổi, bàn bạc với các bạn khác trong ban và cô giáo chủ nhiệm mới đưa ra quyết định. Ngược lại, các em cũng có sự tự tin khi được đề xuất mong muốn về học tập, vui chơi dù là rất trẻ con với giáo viên”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay.

Trước ý kiến cho rằng, từ “chủ tịch” chỉ phù hợp ở môi trường xã hội, ông Hiển khẳng định, lớp học cũng như một tổ chức bao gồm: Nhóm học, ban khác nhau. Hơn nữa, nhà trường là một phần của xã hội. Học sinh được học trong nhà trường chính là học sinh đã sống, học tập và làm việc trong xã hội.

Bên cạnh đó, trong dự thảo nêu trong lớp có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng. Như vậy, chỉ có những trường áp dụng mô hình trường học mới (VNEN) mới áp dụng cách gọi chủ tịch hội đồng tự quản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN