Học sinh đánh nhau dã man: "Trừng phạt cũng là bạo lực"

Chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp giới trẻ cho rằng, hình thức kỷ luật trong sự việc học sinh đánh nhau ở Trà Vinh mới chỉ dừng lại ở việc tác động vào suy nghĩ, chưa tác động vào hành vi của học sinh.

Mới đây, đoạn video nữ sinh lớp 7 trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh) bị nhóm học sinh (phần đông là nữ) đánh đập dã man trở thành tâm điểm của dư luận. Ngày 16.3, Sở GD-ĐT Trà Vinh quyết định kỷ luật đình chỉ công tác 1 tháng hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm Trường THCS Lý Tự Trọng; 3 trên tổng số 9 học sinh tham gia đánh bạn bị buộc thôi học 1 tuần.

Học sinh đánh nhau dã man: "Trừng phạt cũng là bạo lực" - 1

Hình ảnh chụp từ video

Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn - chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp giới trẻ cho rằng, hành vi tạo thói quen ứng xử, thói quen ứng xử giúp hoàn thiện tính cách. Tính cách sẽ hình thành các chuẩn mực mới.

Chính vì vậy, kỷ luật phải tác động cả vào hành vi (lao động công ích, các hành động cụ thể thể hiện sự hối cải trước tập thể) để các em nhớ, rút bài ra bài học, đồng thời răn đe các nguy cơ phát sinh bạo lực ở các đối tượng khác.

Học sinh đánh nhau dã man: "Trừng phạt cũng là bạo lực" - 2

Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn - chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp giới trẻ

Có ý kiến cho rằng, nên dùng hình thức “đuổi học” các học sinh tham gia đánh nhau, ông thấy sao?

Đưa ra hình phạt, nhà giáo dục cần phải biết mục đích của hình thức kỷ luật đó là gì, hình phạt có tạo cơ hội để các em nhận lỗi và sửa lỗi hay không.

Nếu dùng hình phạt đẩy học trò ra khỏi nhà trường cũng giống như việc không cho một lối thoát nào đối với cả nhóm học sinh trên. Trừng phạt như vậy cũng là bạo lực, không có mục tiêu giáo dục.

Từ sự việc học sinh đánh nhau, theo ông, cần rút ra kinh nghiệm gì?

Ở tuổi “nhất quỷ, nhì ma..” việc xô xát trong học đường vẫn thường diễn ra và khó tránh khỏi. Nhưng ở thời đại internet, việc dù nhỏ cũng đã có rất nhiều người biết.

Hiện tượng này dễ khiến người ta có cái nhìn không chuẩn về bản chất xã hội, nếu chỉ dựa trên vài sự kiện, và các đánh giá dựa trên cảm tính của một nhóm cộng đồng.

Thứ 2, khi một việc không tốt được nhắc lại nhiều lần thì mức độ phản ứng của xã hội đối với điều không tốt ấy sẽ giảm đi. Tức là ngày nào cũng nói về việc học sinh đánh nhau, các cháu rất dễ coi bạo lực học đường là điều bình thường.

Vì vậy, phải tìm ra giải pháp xây dựng “niềm vui học đường”, đồng thời tránh “bới móc” quá nhiều về những vụ việc như thế này. Chỉ có lan tỏa hành vi tốt mới giảm thiểu được hành vi xấu, đừng biến cái xấu trở thành điều hiển nhiên và tất yếu.

Ông nghĩ sao về trách nhiệm của giáo viên nhà trường, khi sau gần 2 tháng mà trường này chưa biết đến vụ đánh nhau?

Giờ không phải lúc bày tỏ cảm xúc, thái độ như thế nào mà thay vào đó cần có biện pháp gì. Mỗi người sẽ đều có những lý do để tự biện hộ cho mình. Gia đình tự biện hộ rằng trách nhiệm đó thuộc về nhà trường, giáo viên cũng sẽ có lý do để nói rằng “chúng tôi làm sao có thể quản lý được hết sau phút thứ 45"...

Đã đến lúc, xã hội hóa giáo dục càng phải được đẩy mạnh, vai trò hợp tác cùng giáo dục giữa gia đình – nhà trường – xã hội cần được triển khai bằng hành động cụ thể, chứ đừng trên văn bản và dừng ở “lời kêu gọi”.

Thưa ông, có giáo viên chia sẻ thế này: “Cứ mỗi chuyện không không xảy ra ở trường là xã hội lao vào “ném đá, đổ tội” cho giáo viên. Nhưng cho dù nhà trường có giáo dục tốt đến đâu, nhưng chỉ cần cha mẹ, xã hội có hành động phản cảm, bạo lực là trẻ học theo ngay, lời thầy như nước đổ lá khoai”. Ông nhận xét gì?

Để bạo lực xảy ra ở trường thì những người quản lý trực tiếp các em tại trường phải chịu trách nhiệm, còn việc để bạo lực nở rộ thành “trào lưu” là lỗi của toàn hệ thống giáo dục bao gồm gia đình-nhà trường-xã hội.

Hôm nay các cháu đánh nhau trong trường ta nói lỗi của nhà trường. Vậy nếu các cháu ra đường đánh nhau thì lỗi là do ai?

Trong một xã hội khi sự việc xảy ra còn tập chung nhiều vào phán xét, quy lỗi trách nhiệm cho nhau mà không cùng đồng lòng chung tay cải tạo nó. Chắc chắn sẽ còn rất nhiều vấn đề tiếp tục diễn ra.

Thực tế trong công việc, tôi đã nhiều lần cố gắng làm cầu nối truyền tải tâm tư, nguyện vọng của các em trong nhiều lần họp phụ huynh toàn trường. Nhưng rất nhiều người không muốn quan tâm, họ cho là tôi dài dòng... bởi nhiều người trong số đó đi họp hộ, còn mắc đi ăn đám cưới sau đó, cùng nhiều lý do khác trong ngày họp phụ huynh.

Những lúc như thế, tôi ước mong những người đó thực sự ngồi nán lại lắng nghe con cái họ đang gặp khó khăn gì và hãy cùng hợp tác với nhà trường để giáo dục các cháu.

Đã đến lúc ngành giáo dục phải xem lại chất lượng của mình, đặc biệt về giáo dục nhân cách đạo đức và tư vấn tâm lý học đường tuổi mới lớn.

Xã hội và ngành giáo dục cần xác định rõ lại vai trò, vị trí người thầy, quyền hạn và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức học sinh. Người thầy và nhà trường phải được bảo vệ danh dự và có đủ cơ chế để răn đe học sinh.

Bằng tình thương, trách nhiệm và hành động cụ thể, làm thế nào để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ còn là khẩu hiệu. Theo tôi, đó là phương thuốc hiệu nghiệm nhất để ngăn chặn bạo lực học đường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Giảng viên cao cấp Lê Anh Sơn, chuyên gia huấn luyện và định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ. Người đang triển khai hàng loạt các chương trình xây dựng “Niềm vui học đường” , “Tự đổi mới cách học, cách nghĩ, cách tự làm chủ bản thân” cho học sinh, sinh viên các trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN