Hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ mong làm lại Con đường gốm sứ ven sông Hồng

Sự kiện: Tin nóng

Tác giả của Con đường gốm sứ ven sông Hồng cho biết, rất mong muốn có một có đường tương tự khi Con đường gốm sứ ven sông Hồng bị phá bỏ.

600m đường gốm sứ kỷ lục bị phá dỡ để tiến hành cải tạo đường Âu Cơ

600m đường gốm sứ kỷ lục bị phá dỡ để tiến hành cải tạo đường Âu Cơ

Mới đây, TP. Hà Nội đã tiến hành cải tạo đường đê Âu Cơ, để thực hiện việc này thì gần 600m trên con đường gốm sứ đã bị phá đi, trong đó có những đoạn tranh gốm như phố cổ Bùi Xuân Phái, đoạn tranh Tổ chức Lao động Thế giới ILO của Tập đoàn CIO… Trước sự việc này nhiều người dân Hà Nội không khỏi tiếc nuối với một công trình đẹp của Thủ đô.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người đưa ra ý tưởng và trực tiếp thiết kế công trình con đường gốm sứ cho biết, khi “đứa con tinh thần” của mình không còn nguyên vẹn, đương nhiên chị rất buồn.

“Tôi nhận được điện thoại báo từ BQL dự án giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) báo về việc sẽ phải phá bỏ 600m tranh gốm. Thực sự không biết nói sao, rất nhiều cảm xúc buồn và tiếc nuối. Đó là tâm huyết, công sức của chúng tôi khi cặm cụi ghép hàng ngàn viên gốm nhỏ để tạo nên những mảng tranh nghệ thuật. Tôi đã nhiều lần phải lên tiếng “kêu cứu” trước sự thiếu ý thức giữ gìn đối với tác phẩm của nhiều người dân, lần này, vì thực hiện việc chung của thành phố nên đành phải chấp nhận phá đi 600 mét tranh gốm trên tổng thể công trình", họa sĩ Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ bên con đường gốm sứ bị phá dỡ

Hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ bên con đường gốm sứ bị phá dỡ

Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy cho biết, Con đường gốm sứ do Ban di tích Danh thắng thuộc Sở Văn hoá – Thể thao Hà Nội quản lý, nhưng lần này, bên thi công không gửi văn bản lên Sở nên Sở không biết việc đoạn đường này sẽ bị phá bỏ khiến mọi người hơi bất ngờ.

“Nếu bên thi công gửi thông tin về việc này thì tốt hơn, chúng tôi sẽ không bị động”, chị Thủy cho hay.

Nói về Con đường gốm sứ, nữ hoạ sỹ nhớ lại: "Đây là công sức của tập thể, các nghệ sĩ, các nhà tài trợ đã cùng nhau lên được phác thảo ý nghĩa, mất thời gian để tạo nên từng viên gốm trên bức tranh. Để trở thành bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới, phía Kỷ lục Guinness thế giới đã đo từng mét một để công nhận công trình này. Hiện nay, chưa có thành phố nào trên thế giới phá vỡ được kỷ lục này của Hà Nội".

Tác giả của Con đường gốm sứ ven sông Hồng cho biết, rất mong muốn có một có đường tương tự khi Con đường gốm sứ ven sông Hồng bị phá bỏ.

“Tôi rất mong muốn UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng Con đường gốm sứ tương tự ở đường Âu Cơ. Tuy nhiên thời điểm hiện tại Hà Nội chưa có kế hoạch về việc này”, chị Thủy cho nói và cho biết thêm, chị đã có văn bản gửi đến UBND TP Hà Nội cho phép xây dựng con đường gốm sứ tương tự con đường bị phá bỏ, ngân sách từ nguồn tài trợ.

Trước đó, trao đổi với Báo Giao thông ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, mục đích phá dỡ 600m của Con đường gốm sứ là để mở rộng đường đến cầu Nhật Tân.

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, việc phá dỡ này nhằm phục vụ thi công giai đoạn hai của dự án xây dựng cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên (đoạn từ khách sạn Thắng Lợi đến cầu Nhật Tân), tổng chiều dài 3,7 km. Đây là dự án đáp ứng nhu cầu giao thông cấp bách, giải tỏa ùn tắc, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài về trung tâm chính trị Ba Đình, được HĐND TP phê duyệt cuối năm 2018.

"Để đảm bảo cho công trình được mở rộng và xây dựng tường chắn bê tông cốt thép bên phải phía ngoài đê để thay thế một phần đê đất, kết hợp với mở rộng mặt đường đê, cải tạo và chỉnh trang hệ thống đường gom dân sinh hai bên thì hơn 600m đường gốm sứ buộc phải phá bỏ. Trước khi tiến hành phá dỡ chúng tôi đã xin phép UBND TP. Hà Nội và thông báo cho tác giả con đường gốm sứ. Khi dự án hoàn thiện sẽ có tường chắn bê tông cốt thép cao, rộng hơn, nếu nghệ sĩ muốn tiếp tục trang trí, chúng tôi sẽ giúp đỡ họ để làm đẹp cảnh quan đô thị", ông Tuấn khẳng định.

Để chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, con đường gốm sứ ven sông Hồng Hà Nội chính thức khởi công năm 2007, hoàn thành vào tháng 10/2010. Công trình nghệ thuật này đã được tổ chức Guinness thế giới đã công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới.

Công trình dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng. Đây chính là bức tranh gốm đa dạng, mang dấu ấn của làng gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Phù Lãng.

Công trình đã nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội năm 2008, tổ chức Guinness thế giới đã công nhận đây là bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới, công trình dài gần 4km với diện tích khoảng 6.500m2, đi qua các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội đập bỏ 600m con đường gốm sứ dài nhất thế giới

Con đường gốm sứ lập Kỷ lục Guinness thế giới bị phá bỏ hơn 600m để phục vụ công trình mở rộng đường Âu Cơ,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phùng Đô ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN