Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ

Nhà cửa sập, tài sản bị cuốn trôi; hoa màu ngập úng, tan hoang, người dân miền Trung trắng tay sau lũ dữ.

Thẫn thờ nhìn hơn 2.000 chậu mai đang ngâm trong lũ, bà Nguyễn Thị Yến (70 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) rầu rĩ: “Tết này của nhà tôi tan theo nước lũ rồi. 2.000 chậu mai giờ còn ngập lút ngọn giữa mênh mông nước trắng. Nước bùn kiểu này thì toàn bộ mai nhà tôi bị thối búp, có cứu cũng chẳng kịp”.

Mai trôi theo dòng lũ

Tương tự, đầu tư hơn 200 triệu đồng cho 4.000 chậu mai, gia đình chị Lê Thị Thúy Ngà (38 tuổi) lâm vào cảnh khốn đốn. “Mai thì ngâm bùn, nhà thì ngập, gà vịt trôi sạch. Sách vở của hai đứa con lấm lem hết. Từ hôm nước rút, vợ chồng tôi chẳng kịp dọn nhà, ra đồng cứu mai trước. Nếu hư sạch, tết năm nay chẳng bán được mà còn thâm nợ” - chị Ngà nói.

“Mai ngâm nước lũ sẽ bị thối búp, cây không chết nhưng có thể ra hoa hoặc sẽ ra rất ít. Gần như loạt mai bị ngâm lũ kỳ này khó bán tết” - ông Nguyễn Văn Chín, một hộ trồng mai lâu năm ở Háo Đức, ngậm ngùi.

“Hằng năm, các hộ trồng mai cho doanh thu 15 tỉ đồng. Đến nay chúng tôi chưa thể thống kê hết thiệt hại” - Chủ tịch UBND xã Nhơn An Nguyễn Tấn Đức cũng buồn xo.

Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ - 1

Ông Nguyễn Thành ở cánh đồng Tiên (Ninh Thuận) nhổ bỏ hơn bảy sào hành bị ngập úng của gia đình. Ảnh: HẠNH TRÍ

Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ - 2

Những vườn hoa cúc tan hoang, xơ xác sau lũ ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: CÔNG TÂM

Mất trắng hành Ninh Thuận

Ninh Thuận được xem là nơi hạn hán nhất nước nhưng ba ngày qua cũng “thất thủ” vì mưa, lũ.

Tại huyện Ninh Hải, 145/200 ha hành vụ tết của nông dân bị ngập úng mất trắng hoàn toàn. Ông Nguyễn Khoát, nông dân trồng hành, ngồi buồn bã bên máy bơm nước giải cứu hành ở cánh đồng Tiên cho biết gia đình đầu tư trồng bảy sào hành vụ tết. Nay cánh đồng Tiên này ngập trong biển nước. “Coi như mất hết rồi. Có nhổ bán cũng không ai dám mua” - ông Khoát than thở. Những gia đình khác cũng lâm vào tình cảnh khốn khó như ông Khoát. Theo quan sát của chúng tôi, đâu đâu cũng thấy hoa màu hư hại, trông rất xót xa.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch xã Phước Sơn, cho biết nông dân ở đây chủ yếu canh tác táo, nho, bắp, ớt, những loại cây không chịu được mưa nhiều và ngập úng. Mưa lũ lớn kéo dài, nông dân hầu như mất trắng.

“Xã đang thống kê thiệt hại để báo cáo tỉnh xin hỗ trợ cho dân. Năm nay mất mùa thì dân càng thêm khổ” - ông Sang nói.

Kiệu tết tan tác

Bà Nguyễn Thị Chọn (55 tuổi, nông dân làng La Chữ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) lắc đầu tiếc rẻ: “Năm nay lũ muộn khiến người trồng kiệu lâm vào cảnh điêu đứng, Trước đây cứ đến dịp tết gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng nhờ củ kiệu, bây giờ đành phải hủy bỏ nhiều đơn hàng từ trong Nam gửi đặt củ kiệu tết”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, một nông dân khác làng La Chữ) cho hay: “Vào những ngày cuối năm kiệu bán rất được giá. Tư thương luôn chờ sẵn mua trên đồng. Năm nay chịu thua ông trời em ơi. Cận tết giá kiệu được tư thương mua 15.000-30.000 đồng/kg mà không có củ kiệu để bán. Giờ mưa gió kiểu ri không thể làm đất để trồng kiệu kịp tết”.

Cùng chung cảnh ngộ, vựa kiệu tết Phù Mỹ (Bình Định) cũng bị lũ vùi dập. “Từ đầu tháng, cây kiệu chống chọi ba đợt mưa lũ rồi. Cây đang kiệt sức thì nay thêm đợt lũ lớn ngâm hai, ba ngày liền. Nước rút thì cây đã thối lá, thối củ. 15 triệu đồng đầu tư cho ba sào kiệu nhà tôi là mất hết” - bà Hồ Thị Mùi (xã Mỹ Trinh) sụt sùi.

“Còn gì mà tết!’

Mấy ngày nay gia đình bà Nguyễn Thị Minh (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) mệt mỏi ôm từng bó cây hoa cúc đi vứt dọn, chất chậu xi măng lại thành đống. Gần 1.000 chậu cúc đại đóa, pha lê của gia đình bà Minh đã bị lũ dập tơi tả. “Lũ lên nhanh và chảy xiết quá! Cả vườn cúc chìm trong nước, gia đình tôi chạy lên chỗ cao, bất lực đứng nhìn” - bà Minh buồn bã kể.

Theo bà Minh, vườn hoa cúc là nguồn thu nhập chính, là niềm hy vọng mỗi khi tết đến của gia đình bà. Đến nay gia đình bà đầu tư cho mỗi chậu cúc trung bình 120.000-200.000 đồng, đó là chưa kể công sức chăm sóc hằng ngày. “Giờ thì trắng tay, còn gì mà tết nữa!” - bà Minh thở dài.

Hàng trăm gia đình ở làng hoa cúc nổi tiếng Ninh Giang cũng đang lâm vào hoàn cảnh như gia đình bà Minh. Thường những ngày này các năm trước, làng hoa cúc Ninh Giang luôn nhộn nhịp. Nhà nhà, người người tất bật, hớn hở chăm sóc hoa, chuẩn bị cho mùa thu nhập dịp tết. Đó cũng là nguồn sống chính hằng năm của phần lớn gia đình ở địa phương này. Thế nhưng hiện nay đến Ninh Giang chỉ bắt gặp những ánh mắt buồn rầu, lo lắng. Khắp nơi, vườn hoa nào cũng xơ xác, tan hoang, nhiều người lặng lẽ nhổ bỏ hoa cúc ra khỏi chậu, chở đi vứt, san dọn lại vườn. Nhiều gia đình bỏ mặc cho bùn chôn lấp.

 “Hai, ba ngày rồi tôi không dám ra vườn để dọn dẹp vì mỗi lần nhìn thấy cả vườn hoa bị hư như vậy đau xót lắm! Mấy trăm triệu đồng đã trôi hết theo lũ rồi!” - bà Bùi Thị Ngân (ngụ tổ dân phố Phú Thứ, phường Ninh Giang) nói trong nước mắt.

______________________________

Bình Định, Ninh Thuận hỗ trợ khẩn cấp gần 1.000 tỉ đồng

Đến chiều 19-12, tỉnh Bình Định còn 61 trường chưa dạy học lại được do còn ngập lũ. Toàn tỉnh vẫn còn 2.240 ngôi nhà, tám xã, phường bị ngập nước. Chỉ tính riêng đợt lũ từ ngày 11 đến 19-12, tỉnh Bình Định có đến 17 người chết, một người mất tích.

Cùng ngày, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có công văn đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, khôi phục sản xuất.

• Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Ninh Thuận, trên địa bàn tỉnh đã có 68 nhà bị sập, tốc mái. 8.076 ha hoa màu của nông dân bị thiệt hại, mất trắng… Ước tính tổng thiệt hại toàn tỉnh lên đến 315 tỉ đồng.

Tỉnh đề xuất trung ương xin 1.000 tấn gạo cứu trợ cho dân bị thiệt hại vì vụ mùa mất trắng để ổn định đời sống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV (Pháp luật TP.HCM)
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN