Xã hội luôn cần "hiệp sĩ"

Chẳng nơi nào và chẳng bao giờ nhà chức trách có đủ khả năng triển khai kịp thời các lực lượng trấn áp tại các điểm nóng về mất trật tự ở mọi nơi, vào mọi lúc.

Hai "hiệp sĩ" đã nằm xuống, 3 "hiệp sĩ" bị thương trong các nỗ lực khống chế kẻ trộm xe trên đường phố TP HCM. Tổn thất quá lớn, đến nỗi khó tìm được từ ngữ chính xác để mô tả nỗi đau xót của cộng đồng.

Thật ra, thảm kịch đau lòng vừa xảy ra là điều đã có thể lường trước. Từ muôn thuở, làm điều nghĩa hiệp, can thiệp vào chuyện bất bình luôn là công việc đầy rủi ro. Khi thực hiện việc truy bắt kẻ xấu, kẻ ác có hành vi xâm hại cuộc sống, tài sản của người dân thường, những người được gọi là "hiệp sĩ" phải đối đầu với hiểm nguy. Thách thức đối với tính mạng của người hành hiệp hoàn toàn không khác so với các chiến sĩ công an được giao nhiệm vụ săn bắt cướp. Trong khi đó, các "hiệp sĩ" không được đào tạo bài bản, cũng không được trang bị vũ khí đầy đủ như nhân viên công lực chuyên nghiệp. Nói chung, "hiệp sĩ" không có được điều kiện thuận lợi cần thiết cho phép ứng phó một cách có hiệu quả sự đe dọa đến với mình trong quá trình thực hiện chức năng cao quý của người bảo vệ trật tự, an toàn xã hội. Một khi kẻ xấu có thể lực sung mãn, có vũ khí và đặc biệt là sẵn sàng đánh đổi sự thoát thân bằng mọi giá thì "hiệp sĩ" có thể lâm nguy. Câu chuyện vừa qua là một ví dụ.

Xã hội luôn cần "hiệp sĩ" - 1

“Hiệp sĩ” Nguyễn Trọng Nghĩa trong một lần bắt cướp giật trên địa bàn quận Tân Phú, TP HCM Ảnh: Lê Phong

Xã hội luôn cần "hiệp sĩ". Lý do là chẳng nơi nào và chẳng bao giờ nhà chức trách có đủ khả năng triển khai kịp thời các lực lượng trấn áp tại các điểm nóng về mất trật tự ở mọi nơi, vào mọi lúc. Luôn có lúc, có nơi công lực chậm một bước so với yêu cầu. Khung luật pháp không thể cứng nhắc, đòi hỏi người dân luôn phải dựa và chỉ dựa vào công lực mỗi khi tính mạng, tài sản của mình bị xâm hại. Nếu luật quy định như thế, chắc chắn sẽ có nhiều trường hợp người bị thiệt hại oan uổng, do có khả năng chống trả mà không được quyền khai thác khả năng đó, trong khi nhân viên công lực thì chưa kịp có mặt để can thiệp.

Nói cách khác, người dân có quyền yêu cầu nhà chức trách bảo vệ cho mình, đồng thời cũng có quyền tự bảo vệ trong giới hạn luật pháp cho phép. Trong chừng mực nào đó, "hiệp sĩ" có thể được nhìn nhận như là cách xã hội tự tổ chức việc bảo vệ cho các thành viên của mình chống sự xâm hại, bằng các lực lượng, phương tiện mà tư nhân nắm giữ.

Những con người mang danh hiệu đẹp đẽ ấy, ai cũng biết, tự nguyện đứng ra bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân thường mà không đòi hỏi thù lao. Đó là sự lựa chọn mang ý nghĩa dấn thân hy sinh rất cao cả và đáng trân trọng.

Bởi vậy, trước hết, "hiệp sĩ" cần được hỗ trợ, được tạo điều kiện để thực hiện chức năng xã hội của mình, đặc biệt là cần có được sự bảo đảm trong chừng mực có thể đối với sự an toàn của bản thân. Nên cân nhắc triển khai nhiều biện pháp: xây dựng đội ngũ "hiệp sĩ" như là lực lượng hỗ trợ chính thức cho lực lượng công an; tổ chức các lớp huấn luyện đặc biệt để "hiệp sĩ" hoàn thiện khả năng xử lý và ứng phó trong trường hợp bị tấn công khi thực hiện nhiệm vụ...

Mặt khác, "hiệp sĩ" phải được tôn vinh. Cần trao cho họ những danh hiệu cao quý như phần thưởng tinh thần đối với những cống hiến của họ cho cộng đồng. Đối với những người đã ngã xuống hoặc bị thương tật trong quá trình hành hiệp, cần có chính sách thích hợp thể hiện sự tri ân của xã hội đối với cá nhân cũng như với gia đình của họ. 

'Hiệp sĩ' vẫn tay không bắt cướp

Chỉ với đôi bàn tay và lòng dũng cảm, các “hiệp sĩ” đã lao vào hiểm nguy để giữ bình an cho phố phường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Người lao động)
Hai hiệp sĩ bị trộm đâm chết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN