Hàng chục hecta thông thuộc rừng phòng hộ bị triệt hạ

Sự kiện: Tin ngắn

Rừng thông Linh Trường từng là lá chắn phòng hộ ven biển bảo vệ ngư dân ở hai xã thuộc tỉnh Thanh Hóa giờ đây bị triệt hạ, hủy hoại nghiêm trọng.

Rừng thông Linh Trường có diện tích gần 400 ha thuộc hai xã Hoằng Yến và Hoằng Trường (Thanh Hóa) được trồng từ cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước (dự án 661 và 327).

Trước năm 2017, rừng thông Linh Trường là rừng phòng hộ. Tuy nhiên, sau đó toàn bộ diện tích này được chuyển đổi mục đích thành rừng sản xuất theo quy hoạch ba loại rừng giai đoạn 2016-2021 của Thanh Hóa.

“Xẻ thịt”, cày nát rừng thông phòng hộ

Một ngày cuối tháng 6, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi đến núi Linh Trường - nơi từng được mệnh danh lá phổi xanh, điều hòa khí hậu cho cả một vùng dân cư rộng lớn của huyện Hoằng Hóa.

Thế nhưng ập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng rừng thông Linh Trường đang bị chặt phá nghiêm trọng. Từ chân núi Linh Trường nhìn lên đỉnh núi là những khoảnh đất hàng chục hecta gần như bị cạo trọc, loang lổ.

Nhiều cây thông có đường kính 15-40 cm đã bị đốn hạ, trơ gốc… Theo cơ quan chức năng, phần lớn những cây thông đã được khai thác, vận chuyển đi, chỉ còn số ít vẫn đang nằm lại giữa những cây dổi, dừa, bưởi vừa được trồng mới.

Rừng thông Linh Trường từng là rừng phòng hộ nhưng giờ đã bị tàn phá nghiêm trọng.Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Rừng thông Linh Trường từng là rừng phòng hộ nhưng giờ đã bị tàn phá nghiêm trọng.Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Phạm Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, cho biết từ năm 2017 rừng thông Linh Trường được khai thác mủ với diện tích 68,4 ha. Rừng thông này thuộc bốn hộ gia đình (gồm các ông Lê Văn Thành, Phạm Văn Chiều, Lê Văn Dậu, Lê Văn Hải) chăm sóc, bảo vệ.

Tuy nhiên năm 2017, một người đàn ông tên PVN từ địa phương khác về xin khai thác mủ thông. Sau đó, bốn hộ dân trên đã có văn bản gửi Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa xin khai thác số cây thông trên diện tích được giao.

Đến năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có quyết định cho khai thác rừng thông và trồng mới các loại cây bản địa gồm các cây dừa, dổi, bưởi sau khi khai thác.

Ông Bùi Khắc Hoàn, Hạt phó Hạt Kiểm lâm ven biển Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết việc cho khai thác thông trên núi Linh Trường đã được Sở NN&PTNT đồng ý nhưng phải đảm bảo màu xanh của rừng, cũng như chức năng phòng hộ.

Hàng chục ngàn cây thông trên núi Linh Trường với sứ mệnh giữ đất, bảo vệ người dân trước những trận mưa lớn đã bị triệt hạ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Hàng chục ngàn cây thông trên núi Linh Trường với sứ mệnh giữ đất, bảo vệ người dân trước những trận mưa lớn đã bị triệt hạ. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Ông Hoàn cho biết thời gian qua, đơn vị đã giao kiểm lâm địa bàn và xã Hoằng Trường giám sát, kiểm tra theo quy trình và thường xuyên có báo cáo. Nếu để xảy ra tình trạng khai thác quá số lượng thì trách nhiệm thuộc về Hạt Kiểm lâm ven biển trong việc chậm phát hiện, giám sát.

“Đến nay, chúng tôi không nhận được phản ánh của người dân về việc cây thông trên núi Linh Trường bị chặt phá quá số lượng” - ông Hoàn cho biết.

Khai thác nhưng phải để lại 600 cây thông/ha

Theo tìm hiểu của PV, ngày 22-4-2022, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa có văn bản về việc giải quyết đề nghị khai thác gỗ rừng trồng của bốn hộ dân gửi UBND huyện Hoằng Hóa và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa.

Nội dung văn bản nêu rõ các hộ gia đình xây dựng phương án khai thác theo băng là phù hợp với thực tế, tạo các đường băng cán lửa phục vụ công tác PCCC rừng.

Việc này vừa phát huy vai trò, chức năng phòng hộ của rừng vùng ven biển trong việc bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm, thu nhập cho các hộ gia đình.

“Việc khai thác theo đường băng phải đảm bảo mật độ còn lại ít nhất 600 cây thông/ha, đặc biệt không làm biến dạng khu vực khai thác” - văn bản của Sở NN&PTNT nhấn mạnh.

Cũng theo văn bản của sở này, chủ rừng được hưởng toàn bộ lâm sản khai thác sau khi hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và trồng rừng là loài cây bản địa, cây đa mục đích, phù hợp với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu kinh tế, phát huy chức năng rừng phòng hộ, an ninh quốc gia trên địa bàn huyện.

Sở NN&PTNT cũng giao kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm ven biển phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chủ rừng trong quá trình khai thác, chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.

Tuy nhiên ghi nhận thực tế tại núi Linh Trường, số lượng thông bị chặt hạ rất nhiều, không còn đảm bảo 600 cây thông/ha. Theo người dân địa phương, việc chặt hạ cây thông số lượng lớn có thể gây sạt lở, nguy hiểm cho hàng chục hộ dân sinh sống dưới chân núi Linh Trường khi vào mùa mưa bão.

Nguồn: [Link nguồn]

Tập đoàn Đèo Cả nói về vụ phá rừng mở đường ở Quảng Ngãi

Theo Tập đoàn Đèo Cả, tuyến đường thuộc phần đất rừng sản xuất nên ký hợp đồng thuê đất, mượn đường này để san gạt mặt đường, cải tạo khúc cua làm đường công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trung ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN