Hai kịch bản bão số 9 Rai có thể gây mưa to, gió giật mạnh ở Trung Bộ

Sự kiện: Tin bão Bão số 9 Rai

Dù với kịch bản nào thì bão số 9 Rai cũng sẽ gây gió mạnh trên biển và gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ nước ta.

Bão số 9 sẽ gây mưa lớn ở Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (17/12), bão Rai đã vượt qua phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philiippines) đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2021.

Hồi 16 giờ ngày 17/12, tâm bão ở cách đảo Song Tử Tây khoảng 500km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17.

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 9. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão số 9. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km.

Từ ngày 19/12, bão có nhiều dấu hiệu đổi hướng và di chuyển theo hướng Bắc, đi dọc vùng biển các tỉnh Trung Bộ (từ Khánh Hòa đến Quảng Trị) cường độ suy yếu dần, còn cấp 11-12, giật cấp 15.

Thống kê từ năm 1951-2021 trong tháng 12 có 100 cơn bão xuất hiện trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Đa số ở ngoài Biển Đông, một số cơn đi vào Biển Đông thì di chuyển chủ yếu ở phía Nam, rất ít có những cơn đi lên phía Bắc. Đường đi giống cơn bão số 9 Rai thì chưa xuất hiện.

Đến sáng 20/12, khi cách bờ biển Đà Nẵng-Bình Định khoảng 150km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 12 (120-135km/giờ).

“Với sai số dự báo 72 giờ là khoảng 200-220km, hoàn toàn có khả năng tâm bão sẽ vào sát đất liền nước ta. Với khoảng cách và khả năng ảnh hưởng rất cao như vậy nên ngày 19-20/12 sẽ là thời điểm gió mạnh nhất ở vùng ven biển và đất liền nước ta”, đại diện cơ quan khí tượng cho hay.

Hiện Trung tâm Dự báo KTTVQG đưa ra 2 kịch bản đối với tác động và vùng ảnh hưởng của bão số 9:

Kịch bản 1 (xác xuất 80%): Bão số 9 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc đến gần đất liền miền Trung sẽ đổi hướng đi lên phía Bắc. Trường hợp này, bão khả năng đi sâu hơn. Dọc ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; các huyện ven biển ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng có thể chịu tác động trực tiếp của bão số 9.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây cơn bão số 9 cộng với tác động của không khí lạnh, từ tối và đêm mai (18/12) ở khu vực biển từ Quảng Bình đến Bình Định, Phú Yên gió bắt đầu mạnh lên cấp 8.

Ngày 19-20/12, dự báo sức gió trên các vùng biển này có khả năng lên tới cấp 10-11, trong số các khu vực có điểm đo như đảo Lý Sơn được dự báo là nơi sẽ có gió mạnh nhất do ảnh hưởng của cơn bão này.

Trong thời gian từ 19/12 đến rạng sáng ngày 20/12, tại đảo Lý Sơn dự báo có thể đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12. Ngoài ra, Phú Quý dự báo có thể có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 trong ngày 18/12; Cồn Cỏ cấp 7, cấp 8, giật cấp 9-10 trong ngày 19-20/12. Vùng ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có gió cấp 6-7, giật cấp 9.

Từ đêm 18/12 đến hết ngày 19/12, do ảnh hưởng của bão số 9 Rai, khu vực Trung và Nam Trung Bộ sẽ có mưa to, dự báo tổng lượng mưa dự báo khoảng 150-250mm. Bão đi nhanh nên mưa cũng sẽ kết thúc nhanh.

Kịch bản thứ 2 (xác suất 20%): Bão vượt qua kinh tuyến 110 và đi thẳng vào đất liền các tỉnh từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi. Đối với kịch bản này khu vực từ Quảng Trị trở vào đến Quảng Ngãi sẽ có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12-13, kèm theo sóng lớn 5-7m, nước dâng do bão từ 1m; lượng mưa phổ biến từ 200-250mm.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tuyệt đối không được chủ quan

Chiều 17/12, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành và 28 tỉnh, thành phố để triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9 Rai.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp chỉ đạo ứng phó với bão số 9 Rai. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp chỉ đạo ứng phó với bão số 9 Rai. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng đánh giá, đây là cơn bão muộn, diễn biến nhanh và có cường độ rất mạnh diễn ra vào thời điểm cuối năm, có hướng di chuyển bất thường, do đó, phải tổ chức cuộc họp với tất cả địa phương ven biển để ứng phó bão.

Đồng thời đề nghị toàn bộ hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan. Các địa phương phải quyết tâm thật cao, giữ vững các kết quả đã đạt được trong công tác phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2021. Năm nay, số người thiệt mạng do thiên tai giảm hơn 200 người, giảm khoảng 40.000 tỷ đồng thiệt hại về kinh tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung quyết liệt chỉ đạo toàn diện để ứng phó bão sát thực tế để bảo đảm an toàn về người, tài sản và phục hồi sản xuất cho nhân dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ để Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, địa phương và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.

Bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư ứng phó, xử lý mọi tình huống, sẵn sàng hỗ trợ người dân.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, nhất là bộ đội biên phòng, để triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng cho người dân, kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn. Bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên các đảo; chú ý bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Nguồn: [Link nguồn]

Bão Rai gió giật cấp 17 chính thức vào Biển Đông, hướng thẳng miền Trung

Bão Rai đã vượt qua Philippines đi vào Biển Đông trở thành cơn bão số 9 năm 2021 và hướng về phía các tỉnh Trung Bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin bão Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN