Hà Nội: Di dời 10 sư tử đá ra khỏi đền chùa

Sau khi thanh tra đột xuất các di tích, đình chùa, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã yêu cầu di dời 10 sư tử đá kiểu Trung Quốc trên địa bàn Hà Nội.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có văn bản yêu cầu không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội thanh tra đình và chùa Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, sư tử đá đã được gom về một kho.

Ban quản lý đền chùa Mộ Lao đã liên hệ với người cung tiến để trả lại hiện vật. Dự kiến trước ngày 12/9, sư tử còn lại ở đình Mộ Lao sẽ được trả hết.

Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội, việc di dời 6 con sư tử đá ngoại lai ở chùa Mộ Lao trước thời hạn có ý nghĩa lớn. Đây còn là văn phòng của Thành hội Phật giáo Hà Nội và Trường trung cấp Phật học.

Hà Nội: Di dời 10 sư tử đá ra khỏi đền chùa - 1

Đôi sư tử đá đặt tại một chùa ở Hà Nội.

Sở Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tuyên truyền Luật Di sản đối với những người làm công việc trông nom trực tiếp các di tích. Mặt khác, người cung tiến vào các di tích cũng phải hiểu đúng luật.

“Cơ quan quản lý cần tăng cường quá trình giám sát, kiểm tra để kịp thời tìm ra những trường hợp không đúng luật và xử lý một cách kiên quyết, hạn chế dần thực trạng như hiện nay”, đại diện Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội nói.

Được biết, theo quy định của Luật Di sản, việc đưa một hiện vật vào di tích phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nếu là di tích cấp tỉnh, thành phố thì thuộc quyền quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, còn nếu là di tích cấp quốc gia, phải trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét và quyết định.

Hòa thượng Thích Thanh Nhã, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Trấn Quốc cho rằng, một số đền, chùa đặt linh vật lạ như sư tử đá, cá sấu đá không phù hợp.

“Tôi cũng thấy lạ khi nhìn thấy một số đền chùa xuất hiện sư tử đá. Chỗ thờ không nên đặt sư tử đá. Lẽ ra xu hướng sử dụng các linh vật lạ đã được loại bỏ từ lâu. Nhà quản lý văn hóa nên tuyên truyền, khuyến nghị, lý giải để người dân hiểu, loại bỏ xu hướng này.”, Hòa thượng Thích Thanh Nhã nói.

Người Trung Quốc xưa dùng sư tử đặt ở lăng mộ còn người Việt Nam lại đưa vào đền, chùa. Để loại bỏ những linh vật lạ tại đền chùa phải có sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và nhà quản lý văn hóa, tránh gây mâu thuẫn, căng thẳng. Nếu nhiều người đã trót công đức, đó là tình cảm tín ngưỡng người ta đưa vào nếu làm không cẩn thận thì sinh ra cưỡng chế, không hay.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có Công văn gửi Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo các tỉnh, thành phố.

Công văn yêu cầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành phố  hướng dẫn trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức những linh vật lạ. Trụ trì các chùa, cơ sở tự viện, đặc biệt là các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng phải chủ động không bài trí linh vật lạ. Các đền chùa tổ chức di dời ngay các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam.

Theo Công văn, nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật thì nhất thiết phải liên hệ với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN