GS Văn Như Cương nói về clip gian lận thi cử

"Tôi không hoàn toàn đồng tình với ý kiến cho rằng đây là sự việc dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực" - GS Văn Như Cương cho biết.

Liên quan đến việc trên mạng Internet xuất hiện đoạn băng video ghi lại hình ảnh gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua tại Bắc Giang, chiều nay (06/06), Giáo sư Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã có cuộc chia sẻ với Khampha.vn. 

Theo GS Cương, sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp PTTH, Bộ GD&ĐT luôn tổ chức họp, thông báo kết quả và năm nào cũng giống nhau. Đại loại là "kỳ thi rất nghiêm túc, đề thi được bảo quản an toàn. Năm nay, số người vi phạm ít hơn năm trước..."

"Chuyện này ai cũng biết, năm nay cũng thế, sang năm cũng họp tổng kết và thông báo như thế" - vị hiệu trưởng này nói.

Với đoạn băng video vừa được tung ra, GS Cương cho rằng sẽ có nhiều người bị sốc nhưng ông cũng nhấn mạnh, đây chỉ là hiện tượng chứ không phải đặc trưng, phổ biến của ngành giáo dục. Dù chỗ này chỗ kia đôi khi còn những vi phạm, học sinh hay giám thị không làm tròn trách nhiệm, đều phải bị xử lý.

Đi vào nội dung đoạn video, theo giáo sư Cương, việc thật giả đúng sai còn phải kiểm định, xem xét. Nhưng theo quan sát, có thể thấy đây là vụ gian lận thi cử có tổ chức, có kế hoạch từ trước. Đó là điều hết sức nghiêm trọng.

Trong video, có cảnh giám thị chỉ cho học sinh làm bài, cảnh giám thị đứng ngoài hành lang buôn chuyện để học sinh làm gì thì làm, cảnh giám thị ném bài vào. Trong khi đó, khuôn viên trường thi kín cổng cao tường, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Vậy, đây là tiêu cực từ bên trong. Có một tổ chức tiêu cực trong phạm vi trường thi. Ngay trong nội bộ hội đồng coi thi tại trường này, có người ngồi làm bài giải để đưa ra.

Vị hiệu trưởng này cho rằng ai vi phạm đến đâu sẽ phải xử lý đến đó. Em thí sinh quay video kia, cho dù tự mang máy quay vào phòng hay được thầy giáo trong phòng đưa máy nhờ quay, theo quy định đều sẽ bị xử lý.

Tuy nhiên, GS Cương tỏ ra không đồng tình trước ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - ông Đào Trọng Thi rằng “không thể dùng biện pháp tiêu cực để chống tiêu cực”. Bởi theo ông, tiêu cực đó phải xem xét hậu quả.

Cần xem xét, việc quay phim của thí sinh này có làm ảnh hưởng, gây hại tới tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của ai không? Rõ ràng là không. Nếu em ấy không thực hiện quay phim, chúng ta không thể phát hiện được sự gian lận đó.

Em thí sinh đó có thể bị hủy kết quả thi hay cấm thi theo quy định. Nhưng cần được xét công trạng.

Giáo sư Cương lấy ví dụ, khi anh đi xe máy trên đường đến vạch dừng đèn đỏ, bỗng một tên cướp của giết người đang bỏ chạy. Anh rồ ga vượt lên đuổi theo và bắt giữ tên cướp đó. Vậy anh vi phạm luật giao thông, nhưng lập công lớn là bắt được cướp. Trường hợp đó, xử lý thế nào?

Một ví dụ khác, anh làm thư ký cho một giám đốc tham ô. Anh phát hiện giám đốc này vừa ký kết hợp đồng nào đó vi phạm pháp luật, có thể rất nguy hại. Khi ông ta đi vắng, anh lén mở tủ, lấy bản hợp đồng đó, giao nộp, tố cáo tới công an. Vậy anh có bị xử lý về tội trộm cắp hay không?

"Tôi cho rằng, không nên nhấn mạnh về tiêu cực của thí sinh đó" - Nhà giáo Văn Như Cương kết luận.

Cũng theo thầy Cương, quy định trong ngành giáo dục, những cán bộ giáo viên vi phạm quy chế coi thi có thể phải chịu mức ký luật cao nhất là bị đuổi khỏi ngành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lệ Vân ([Tên nguồn])
Thi tốt nghiệp THPT 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN