Giáo sư Mỹ: “Tử huyệt” của TQ khi đối đầu với VN

Nắm được những "tử huyệt" này, Việt Nam có thể giáng những đòn nặng nề vào TQ nếu xung đột nổ ra.

Suốt hai tháng vừa qua, Trung Quốc đã đơn phương kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam và có những hành động hung hăng, ngang ngược tấn công tàu của lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân Việt Nam, đồng thời đưa tàu chiến rình rập xung quanh giàn khoan, khiến tình hình Biển Đông nóng lên nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia quốc tế đã đặt ra câu hỏi liệu Trung Quốc có dám đẩy tình hình leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông hay không, đặc biệt là khi đối thủ của họ là quân đội Việt Nam, một lực lượng quân sự nổi tiếng thế giới với nghệ thuật chiến tranh du kích và khả năng chiến đấu kiên cường.

Giáo sư Mỹ: “Tử huyệt” của TQ khi đối đầu với VN - 1

Hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông

Giáo sư Lyle J. Goldstein thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương Trung Quốc tại Đại học Hải chiến Rhode Island (Mỹ) cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ phải dè chừng khả năng chiến đấu của quân đội Việt Nam, đồng thời Bắc Kinh sẽ phải rút bài học từ cuộc “ôm đầu máu” rút chạy khỏi biên giới Việt Nam vào năm 1979 để không làm leo thang xung đột.

Theo giáo sư Goldstein, Việt Nam là một đất nước có truyền thống quân sự hào hùng, và chiến lược quân sự lẫn đối ngoại “tự lực tự cường” của Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng rất lớn từ lịch sử đánh thắng nhiều đế quốc như Pháp, Mỹ cũng như trong các cuộc xung đột với Trung Quốc.

Chính lịch sử hào hùng đó đã giúp Việt Nam phát triển một chính sách đối ngoại tương đối độc lập. Không giống như một số quốc gia Đông Nam Á khác (như Philippines), Việt Nam không bao giờ lơ là và phụ thuộc nước khác về mặt quốc phòng.

Theo ông Goldstein, việc Việt Nam xây dựng được một lực lượng quốc phòng hùng mạnh sẽ có hiệu quả răn đe Trung Quốc có những hành động phiêu lưu trên biển, đồng thời đảm bảo cho Việt Nam có thể tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Giáo sư Mỹ: “Tử huyệt” của TQ khi đối đầu với VN - 2

Giáo sư Lyle J. Goldstein thuộc Viện Nghiên cứu Hải dương Trung Quốc tại Mỹ

Là một chuyên gia đã có nhiều công trình nghiên cứu về quân đội Trung Quốc, giáo sứ Goldstein cho rằng Trung Quốc đã theo dõi sát sao năng lực quốc phòng ngày càng hùng mạnh của Việt Nam, đặc biệt là sau khi Việt Nam mua một loạt tàu ngầm hiện đại Kilo của Nga.

Theo chuyên gia này, Trung Quốc cũng đã mua rất nhiều tàu ngầm, tàu chiến và máy bay quân sự của Nga nhằm đối phó với Nhật Bản và Mỹ ở Thái Bình Dương. Bởi vậy, với những tàu ngầm Kilo và chiến đấu cơ mua của Nga, Việt Nam có thể nắm rõ được mọi chiến thuật mà Trung Quốc định sử dụng đối với những vũ khí này.

Ngoài ra, với việc nhập khẩu quá lớn vũ khí từ Nga, Trung Quốc sẽ không thể tránh khỏi những bất cập nghiêm trọng, thậm chí là mang tính thảm họa trong công tác huấn luyện và bảo dưỡng. Trong khi đó, Việt Nam lại khá độc lập về vũ khí và chuyên môn quân sự với Nga khi quân đội Việt Nam chủ yếu phát triển các chiến thuật tác chiến đã được nâng tầm thành “nghệ thuật” do chính mình sáng tạo ra.

Giáo sư Goldstein nhận định quân đội Trung Quốc đang rất tự tin vào “mô hình 14 tháng 3”, ám chỉ cuộc hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 rằng họ sẽ dễ dàng chiếm ưu thế trong trường hợp xung đột trên biển nổ ra với Việt Nam.

Các chuyên gia phân tích quân sự của Trung Quốc biết rõ tàu ngầm là một “cú đấm thép” của hải quân Việt Nam trên biển, nhưng họ lại tự tin rằng họ có thể chiếm được ưu thế vì quân đội Việt Nam còn “thiếu kinh nghiệm trong việc vận hành những hệ thống vũ khí vô cùng phức tạp”. Ngoài ra, họ cũng tỏ ra coi thường khả năng trinh sát, xác định mục tiêu và quản lý chiến trường của hải quân Việt Nam.

Tuy nhiên, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam dù còn đang non trẻ nhưng lại được đào tạo, huấn luyện bài bản, kỹ lưỡng tại Nga và ngày càng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của mình, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu khi tình huống xảy ra. Bởi vậy, nhận định trên của Trung Quốc hoàn toàn có thể là sai lầm và dẫn tới thảm họa cho chính hải quân nước này trong trường hợp nổ ra xung đột.

Giáo sư Mỹ: “Tử huyệt” của TQ khi đối đầu với VN - 3

Tàu ngầm Kilo được mệnh danh là "Hố đen đại dương" bởi khả năng ẩn mình ưu việt

Giáo sư Goldstein nhấn mạnh rằng Việt Nam quyết định lựa chọn mua tàu ngầm Kilo của Nga vì dây là một loại tàu ngầm trọng yếu trong bất cứ lực lượng hải quân hiện đại nào, và nó rất phù hợp với chiến thuật của hải quân Việt Nam.

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ phát hiện mục tiêu tầm xa và khả năng tấn công chính xác của tên lửa, các loại tàu mặt nước ngày càng trở nên dễ bị phát hiện và tiêu diệt hơn. Trong khi đó, tàu ngầm vẫn đảm bảo được sự sống còn của mình nhờ vào khả năng ẩn mình và tấn công bất ngờ.

Những chiếc tàu ngầm hiện đại như Kilo có độ ồn cực thấp, khiến việc dò tìm tung tích của nó là vô cùng khó khăn, trong khi những loại vũ khí hiệu quả mà nó được trang bị có thể giáng những đòn vô cùng nặng nề vào đối phương.

Tàu ngầm Kilo được trang bị tên lửa chống hạm Klub-S với tầm bắn đầy ấn tượng, vận tốc siêu thanh và khả năng cơ động linh hoạt có thể khiến tàu chiến Trung Quốc phải trả giá đắt. Chính những vũ khí này đã nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ trên biển của Việt Nam.

Từ lâu các chuyên gia phân tích hải quân đã cho rằng hải quân Trung Quốc rất yếu kém trong tác chiến chống tàu ngầm. Đây chính là tử huyệt của hải quân Trung Quốc mà quân đội Việt Nam có thể khai thác để đưa ra những đòn chính xác. Mặc dù quân đội Trung Quốc đã cố gắng khắc phục tử huyệt này bằng cách triển khai một loạt tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ nhằm lấy số lượng bù cho chất lượng, song giải pháp đó chỉ là vá víu tạm thời, không đảm bảo lâu dài về chiến lược.

Ngoài ra, ông Goldstein còn chỉ ra một “tử huyệt” nữa của quân đội Trung Quốc trong một cuộc xung đột tiềm năng với Việt Nam, đó chính là khả năng không chiến. Theo chuyên gia này, Trung Quốc rất kém về khả năng tiếp nhiên liệu trên không, thế nên Việt Nam hoàn toàn có thể chiếm ưu thế vượt trội trên không nhờ quãng đường từ đất liền ra Biển Đông ngắn hơn nhiều so với Trung Quốc.

Giáo sư Mỹ: “Tử huyệt” của TQ khi đối đầu với VN - 4

Tiêm kích đa năng Su-30MK có khả năng tác chiến ưu việt trong phạm vi ngắn

Theo đó, các chiến đấu cơ của Việt Nam có thể xuất kích từ các sân bay ven biển, lao nhanh ra Biển Đông và có thời gian tham chiến lâu hơn so với chiến đấu cơ Trung Quốc xuất phát từ đất liền. Khoảng cách hoạt động lớn khiến các phi công Trung Quốc luôn ở trong tâm trạng lo sợ hết nhiên liệu, làm giảm sút đáng kể khả năng không chiến của họ.

Chuyên gia Goldstein nhận định rằng nếu biết khai thác những “tử huyệt” trên của Trung Quốc, quân đội Việt Nam sẽ có thể chiếm được ưu thế rất lớn trong tác chiến. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Việt Nam muốn gây ra xung đột vũ trang trên biển, bởi từ trước tới nay Việt Nam luôn thực hiện chính sách đối ngoại năng động để có thể giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Mặc dù con đường giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình có thể lâu dài, khó khăn và nguy hiểm, nhưng đó sẽ là con đường duy nhất để Việt Nam có thể đảm bảo được sự phát triển thịnh vượng, an ninh lâu dài bên cạnh nước láng giềng Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo NYT) ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN