Gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nộp tiền khắc phục hậu quả

Sự kiện: Thời sự

Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an đã có kết luận điều tra và đề nghị truy tố 12 lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Tân Việt Phát 2, ngoài việc đề nghị truy tố 12 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận, Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an cũng có yêu cầu khắc phục hậu quả của việc giao đất năm 2017 nhưng lại áp giá năm 2013, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

C01 khám xét nhà riêng của bị can Lương Văn Hải (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận). Ảnh: NT

C01 khám xét nhà riêng của bị can Lương Văn Hải (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận). Ảnh: NT

Giao đất 2017, tính giá 2013

Cụ thể, ngày 7-3-2017, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định thu hồi diện tích 92.600,9 m2 đất do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý gồm các lô đất số 18, 19 và 20 (phường Phú Hài, TP Phan Thiết) để giao và cho thuê đất đối với Công ty Tân Việt Phát với giá đất năm 2013 (1,2 triệu đồng/m2).

Tháng 5-2017, Công ty Tân Việt Phát nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hơn 111 tỉ đồng. Sau đó được giao đất, được chấp thuận xây dựng khu trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư đô thị tại ba lô đất trên.

Quá trình điều tra, C01 đã có quyết định trưng cầu định giá tài sản và ngày 28-6-2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ đã có kết luận giá trị quyền sử dụng ba lô đất trên tính đến thời điểm giao đất ngày 7-3-2017 là 156,4 tỉ đồng. Theo C01, các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cấp dưới giao ba lô đất năm 2017 nhưng lại áp giá năm 2013 khiến tài sản nhà nước bị thiệt hại khi giao đất cho Công ty Tân Việt Phát là 45,4 tỉ đồng.

Sau khi được giao đất, Công ty Tân Việt Phát đã phân thành 500 lô đất diện tích 100-2.009 m2/lô và được UBND tỉnh Bình Thuận cấp 500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Số lô đất này đã chuyển nhượng và đã thu 50% số tiền trong hợp đồng của khách hàng với giá 6-7,3 triệu đồng/m2 đất ở với 498 lô nhưng chưa làm thủ tục sang tên cho khách hàng do chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

Hai lô đất có diện tích hơn 4.000 m2, Công ty Tân Việt Phát giữ lại để phát triển thương mại.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Công ty Tân Việt Phát, biết ba lô đất trên đấu giá nhiều lần với giá khởi điểm năm 2013 là 1,2 triệu đồng/m2 nhưng không có ai đấu giá nên ngày 16-1-2017 đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận.

Văn bản này đề nghị “UBND tỉnh giao cho công ty ba lô đất trên không thông qua đấu giá” và không đề nghị tỉnh áp giá năm 2013.

Cơ quan điều tra yêu cầu các cá nhân vi phạm pháp luật phải khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại hơn 44,4 tỉ đồng do giao đất năm 2017 nhưng lại áp giá năm 2013.

Thiệt hại hơn 45 tỉ, khắc phục 900 triệu

Trong quá trình điều tra, ông Phương không thừa nhận có tác động lợi ích vật chất, tinh thần để lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan giao đất, áp giá đất trái pháp luật.

Quá trình điều tra, gia đình bị can Nguyễn Ngọc Hai (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khắc phục 300 triệu đồng, gia đình bị can Lương Văn Hải (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) khắc phục 500 triệu đồng, gia đình bị can Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận) khắc phục 100 triệu đồng và đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Bị can Nguyễn Ngọc Hai (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị bắt giam ngày 10-2-2022. Ảnh: NT

Bị can Nguyễn Ngọc Hai (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị bắt giam ngày 10-2-2022. Ảnh: NT

C01 kiến nghị khi đưa ra xét xử, HĐXX yêu cầu các cá nhân vi phạm pháp luật phải khắc phục hậu quả số tiền thiệt hại hơn 44,4 tỉ đồng (đã trừ 900 triệu đồng gia đình ba bị can đã khắc phục).

Yêu cầu Công ty Tân Việt Phát có trách nhiệm phối hợp cùng các bị can khắc phục hậu quả, thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho công dân mua nhà đất tại dự án khu thương mại dịch vụ Tân Việt Phát 2.

12 bị can là lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận bị đề nghị truy tố

Trong vụ án xảy ra tại dự án Tân Việt Phát 2, Cơ quan CSĐT (C01) Bộ Công an đã có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố 12 bị can là cựu lãnh đạo, cán bộ UBND tỉnh Bình Thuận.

Các bị can bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo quy định tại khoản 3 Điều 219 BLHS gồm 11 bị can:

Nguyễn Ngọc Hai (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận), Lương Văn Hải (nguyên phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận).

Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên giám đốc và phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận), Ngô Hiếu Toàn (nguyên phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận).

Đặng Hoài Nhân (nguyên giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận), Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng (nguyên chi cục trưởng và phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận).

Phạm Duy Cường (nguyên phó trưởng Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai), Lê Anh Huy (nguyên trưởng Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai), Nguyễn Thị Thu Phong (nguyên phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận).

Riêng bị can Nguyễn Văn Phong (phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 360 BLHS.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều cán bộ ở Bình Thuận bị đề nghị khai trừ Đảng

Liên quan đến việc tham mưu, trình UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện không đúng quy định việc xác định nghĩa vụ tài chính về đất đối với Dự án Tân Việt Phát 2, Ủy ban Kiểm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phú Nhuận ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN