Gây lãng phí: Phải bị xử lý hình sự

“Khi để xảy ra lãng phí, thất thoát... người đứng đầu phải bị truy cứu trách nhiệm, thậm chí cả trách nhiệm hình sự”.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) phát biểu như vậy trong phiên thảo luận ngày 18/6 của Quốc hội thảo về Dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

"Lãng phí không kém gì tham nhũng"

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng, lãng phí ở nước ta hiện nay không kém gì tham nhũng.

“Lãng phí ghê gớm lắm!. Tham nhũng có con người cụ thể, bỏ tù được. Rồi quy ra bao nhiêu điều, từ thanh tra, điều tra, truy tố đến xét xử, thu hồi được... còn lãng phí thì vô cùng không định lượng được”, đại biểu Kỳ nói.

Ông Kỳ dẫn chứng, ngày lễ kỷ niệm, ngày truyền thống làm linh đình... gần đây lại thêm hội chứng Festival rất tốn kém.

Nhưng đại biểu Kỳ cho rằng, lãng phí cuối cùng cần phải tính là lãng phí về thời gian làm việc không quy ra tiền được.

“Bây giờ nhiều bộ, nhiều ban, ngành, nhiều hội làm không hết việc nhưng ngược lại cũng có những ban, những hội không thể viết được báo cáo công tác ngày vì có làm gì đâu”.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) cho rằng, lãng phí thời gian cũng nghiêm trọng không kém lãng phí tiền bạc, tài nguyên. Trong nhiều trường hợp, yếu tố thời gian quan trọng hơn tiền bạc.

Ví dụ trong xây dựng, nhiều công trình có thể thi công 3 ca để rút ngắn thời gian mang lại hiệu quả. Nhưng quy chế đấu thầu không xem thời gian là yếu tố quan trọng, do quá chú trọng đến yếu tố giá cả, nên xảy ra tình trạng bỏ thầu thấp để được dự án, sau đó kéo dài thi công, xin điều chỉnh mức kinh phí.

Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cũng cho rằng, tình trạng lãng phí hiện nay diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là sử dụng lao động và thời gian lao động. Trong ma chay; cưới hỏi; sinh nhật; mừng thọ... mọi người đua nhau khuếch trương, quảng bá thương hiệu, thể hiện phong cách ga lăng, sành điệu.

“Mặc dù dư luận xã hội luôn lên án, nhân dân bất bình, phẫn nộ nhưng trong thực tế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn diễn ra rộng hơn, trầm trọng hơn”, đại biểu Hiền nói.

Gây lãng phí: Phải bị xử lý hình sự - 1

Nhiều đại biểu cho rằng, khi để xảy ra lãng phí, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm

Trách nhiệm người đứng đầu?

Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), dự thảo luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có quyết định gây lãng phí. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm minh, phù hợp, vừa mang tính răn đe, vừa mang tính giáo dục, thuyết phục trong trường hợp vi phạm do chủ quan.

Đại biểu Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cho rằng cần xác định trách nhiệm người đứng đầu. Ông Kỳ nói: “Xăng, xe, kinh phí... sử dụng như thế nào? Người đứng đầu phải làm gương để cấp dưới noi theo”.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân. Bà Xuân cho rằng, bức tranh ảm đạm của các khu đô thị bỏ hoang, đô thị ma... là thực trạng lãng phí nghiêm trọng nhất hiện nay.

Sự lãng phí này đều bắt nguồn từ người quyết định quy hoạch, quyết định đầu tư sai trái và không ít trường hợp đằng sau đó là những động cơ vụ lợi. Nhưng luật pháp hiện hành chưa bóc tách được và chưa cụ thể hóa được trách nhiệm của cá nhân gây ra sự lãng phí.

Theo bà Xuân, thực chất người quyết định chính là cá nhân, nhưng khi hậu quả xảy ra được núp bóng an toàn trong các chủ trương của tập thể, hoặc vô can vì pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang còn quy định rất chung chung.

Cần phải quy định cho được người đứng đầu quyết định gây ra lãng phí do các quyết định đầu tư, sử dụng tài sản quốc gia. “Cá nhân khi để xảy ra lãng phí, thất thoát phải bị truy cứu trách nhiệm hành chính, dân sự và thậm chí trách nhiệm hình sự”, bà Xuân nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN