Gặp lại 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm xinh đẹp

Ngoài sở trường giỏi võ, leo dây, bắn súng..., 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm đầu tiên của Việt Nam còn hát hay, đàn giỏi, khéo léo thêu thùa.

Gần hai năm về trước, ngay sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang (T45), họ được tuyển về Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1 thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Giờ đây, họ đang tiếp tục được tôi luyện trở thành những “bông hoa thép” đầu tiên của ngành Công an.

Mỗi người một vẻ - Ai cũng có tài lẻ


Trung đội phó Trung đội nữ cảnh sát cơ động Nguyễn Thị Lê Giang cho biết: Trung đội hiện có 32 người, được chia làm hai tiểu đội. Họ đều chung một chí hướng mong muốn trở thành những người lính đặc nhiệm thực thụ.

Gặp lại 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm xinh đẹp - 1

Cùng đồng đội nam luyện tập phương án đổ bộ từ trực thăng nhằm chống khủng bố

Họ đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nơi xa nhất về phương Nam là Hà Tĩnh, về phương Bắc là Móng Cái, Quảng Ninh, sống tập trung trong một tiểu đoàn toàn nam giới.

“Sự hiện diện của các em, trung đội nữ đặc nhiệm đầu tiên, đã làm đơn vị mềm đi, và cuộc sống tràn đầy những màu sắc mới” - Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc nhiệm số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Trần Bảo Chiến chia sẻ về sự thay đổi khi có thêm trung đội nữ đặc nhiệm đầu tiên này.

Thu Trang là một trong năm gương mặt nữ của đội khí công gồm 17 người. Cô gái mặt hoa da phấn ấy đã dám nằm trên hàng trăm mảnh thủy tinh với một khối bê tông gần 80kg đè lên chân để đồng đội dùng búa tạ phá vỡ!

Gặp lại 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm xinh đẹp - 2

Tranh thủ “tán” chuyện sau giờ luyện tập

“Mấy ngày đầu tập về em mệt đến mức ngủ bị bóng đè. Vài lần đầu còn bị xây xước da, bị đau người nhưng bây giờ thì như “lên thần”, làm lúc nào cũng được” – Trang nói, và sôi nổi kể về chuyện tập luyện công phá gạch ngói bằng tay, trên tay; công phá bêtông bằng chân, nhu cốt công (đập bêtông trên bụng trong tư thế uốn dẻo), cách vận khí để tránh bị chấn thương...

"32 cô gái của trung đội cảnh sát đặc nhiệm được tuyển chọn từ đầu vào cách đây hai năm tại Trường trung cấp Cảnh sát vũ trang. Họ phải là những cảnh sát đặc nhiệm thực thụ, nên tất cả bài huấn luyện phải trải qua hết. Thường thì các cô ấy chỉ khóc ngoài giờ luyện tập".

Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cảnh sát đặc nhiệm số 1

Để làm được điều ấy, mỗi ngày đều đặn ba lần (sáng, chiều, tối), Trang và các bạn phải thiền từ 30 - 60 phút. Họ cũng phải kiên trì vượt qua những ngày tập nhũ công, làm quen với khả năng chịu đựng sức nặng của cơ thể bằng cách đặt bê tông nặng từ 20 - 80kg lên tay, chân.

Lê Giang, sinh năm 1991, đến từ Thái Bình tham gia đội khí công, và vẫn hát hay, đàn giỏi, biết chơi piano... Tiết mục “Khúc hát ru người mẹ lính” của cô được chọn tham gia vòng chung kết Hội diễn văn nghệ quần chúng sắp tới do Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động tổ chức.

“Nguyễn Thị Phương Dung, Trung đội phó phụ trách chính trị chia sẻ, cũng giống như các nữ đồng nghiệp khác, nhiều đêm bật khóc vì nỗi nhớ nhà và người thân, nhất là thời gian đầu tập luyện cường độ cao, rất vất vả và những khi trực chiến cả tháng trời.

Lê Giang từng được giao nhiệm vụ phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tham gia các chuyên án như: Triệt phá hai ổ đánh bạc lớn ở Chùa Dận – Từ Sơn – Bắc Ninh và Tân Dân – Sóc Sơn – Hà Nội. Giang kể: Lần tham gia chuyên án triệt phá ổ bạc tại Chùa Dận đúng vào dịp sinh nhật. Trước đó, mẹ từ Sài Gòn về thăm và dự định cả nhà tổ chức sinh nhật cho em. Nghĩ cũng tủi thân.

Gặp lại 32 nữ cảnh sát đặc nhiệm xinh đẹp - 3

Luyện bài võ Triều Tiên

“Được ở trong đơn vị nữ đặc nhiệm đầu tiên của Việt Nam, em rất tự hào”, Lê Giang kể tiếp, “Em nhớ lần đầu tiên phối hợp một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an sang Malaysia dẫn giải tội phạm về nước. Hơi lo lắng và hồi hộp vì tới sân bay mới được biết nhiệm vụ, và đây cũng là lần đầu tiên em được ra nước ngoài, cũng không biết phải đối mặt những mối nguy hiểm nào. Song cuối cùng em đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nếu sau này có cơ hội, em sẽ là người đầu tiên xung phong được đi”.

Lê Thị Kiều Oanh quê Tiên Lữ, Hưng Yên không phải con nhà nòi. Bố mẹ làm nông nghiệp, Oanh có nước da rắn rỏi của cô con gái vùng châu thổ sông Hồng. Oanh tâm sự: “Vất vả, khó khăn dần rồi sẽ quen hết. Chúng em đã có hai năm ở trường Trung học Cảnh sát vũ trang và đã xác định tư tưởng là theo nghề đến cùng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Tuyên – Bằng Giang (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN