“Gái ế” Trung Quốc sốt sắng thuê bạn trai về quê ăn Tết

Số lượng "gái ế" Trung Quốc tìm thuê bạn trai giả để cùng về quê ra mắt gia đình trong suốt kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán nhắm tránh bị cha mẹ giục kết hôn đang tăng chóng mặt, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Những người quản lý các trang web cung cấp dịch vụ cho thuê người yêu ở Trung Quốc chia sẻ, tỷ lệ trai ế, gái ế tìm thuê người cùng về quê ăn Tết, ra mắt gia đình năm nay đã đảo ngược.

Cụ thể, phần lớn khách hàng của các trang web trên là nữ  giới, thường ở trong độ tuổi 30 và sẵn sàng trả cái giá cao. Dịch vụ cho thuê bạn trai về quê ăn Tết năm nay đã tăng từ 800 nhân dân tệ/ ngày (tương đương 128 USD) lên tới 1.000 nhân dân tệ/ngày (160 USD).

“Gái ế” Trung Quốc sốt sắng thuê bạn trai về quê ăn Tết - 1

 Hồ sơ cá nhân kèm "giá" của một chàng trai trẻ sẵn sàng "đóng giả bạn trai" gái ế về quê ăn Tết, ra mắt gia đình trên mạng.

Để thuê người yêu, khách hàng chỉ cần tìm kiếm trên mạng sẽ có thể tìm thấy hàng nghìn kết quả về các dịch vụ cho thuê bạn trai hoặc bạn gái. Sau đó, khách hàng chỉ cần  xuất trình chứng minh thư, trả tiền cho người trung gian, môi giới để lấy địa chỉ của "người yêu giả".

Trước khi lên đường về quê, hai bên sẽ bố trí gặp mặt nhau một lần để làm quen, tiện thể luyện tập làm "người yêu" sao cho chuyên nghiệp nhất để che mắt gia đình, họ hàng.

Một cư dân mạng giấu tên từng thuê người yêu về quê ăn Tết chia sẻ: "Cha mẹ tôi rất hài lòng, vì thế áp lực của tôi đã được giảm đi đáng kể".

Trong khi đó, một "gái ế" khác tâm sự: "Tôi đã đáp ứng được nguyện vọng của cha mẹ. Điều đó khiến tôi nhẹ nhõm rất nhiều". 

Một gái ế ở Tứ Xuyên tiết lộ kinh nghiệm thuê bạn trai về ra mắt gia đình dịp Tết Nguyên Đán rằng, họ chỉ nắm tay nhau và dù ngủ chung một phòng, nhưng họ không chung giường. Cô ngủ trên giường, còn bạn trai giả ngủ trên ghế sofa.

Trong khi đó, Ding, một người có kinh nghiệm trong việc đóng giả bạn trai của các cô nàng độc thân chia sẻ, việc xây dựng niềm tin với khách hàng rất quan trọng và sau đó, công việc còn lại của anh chỉ là nhập vai thật tốt.

Theo Ding, anh chỉ nắm tay các khách hàng của mình. Và nếu như gặp rắc rối như phải ở chung phòng với khách hàng, anh sẽ đề nghị ngủ trên sofa.

Tuy nhiên, cuối cùng Ding đã quyết định từ bỏ công việc trên vì dù đây là công việc hái ra tiền nhưng cũng có rất nhiều áp lực.

"Tôi đã từng kiệt sức vì tôi phải tán dương nhiều người trong vòng 7 ngày và phải suy nghĩ thật kỹ trước khi phát ngôn. Tôi không muốn tiếp tục làm nữa", Ding chia sẻ.

Người Trung Quốc dùng cụm từ "gái ế" để mỉa mai, giễu cợt những cô gái đã đến tuổi lấy chồng mà vẫn còn độc thân, thường ở khoảng 27 tuổi đến 30 tuổi. Càng ngày, "những cô gái ế" càng trở thành một chủ đề vừa hài hước vừa đáng báo động được báo chí, phim ảnh, các chương trình truyền hình thực tế khai thác.

Theo Tân Hoa xã, vài năm trước, thuê người yêu về quê chỉ là những câu chuyện xuất hiện lẻ tẻ trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, gần đây, hiện tượng này đã trở nên phổ biến và được xem là "cứu cánh" cho trai, gái Trung Quốc đang ở "độ tuổi đẹp" để kết hôn, không ngừng bị cha mẹ gây sức ép phải sớm "yên bề gia thất", hoặc những người đã "quá lứa lỡ thì".

Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc luôn muốn con cái họ sẽ yên bề gia thất khi còn trẻ, nên việc có cô con gái kết hôn muộn là một nỗi xấu hổ đối với nhiều gia đình.

“Gái ế” Trung Quốc sốt sắng thuê bạn trai về quê ăn Tết - 2

 
Một nhóm gái ế Trung Quốc biểu tình trên một con phố đông người qua lại ở Thượng Hải ngày 4.2 để gây sự chú ý từ dư luận nhằm bày tỏ nguyện vọng mong cha mẹ đừng gây áp lực kết hôn vào dịp Tết đến xuân về.

Dù nhu cầu thuê người yêu về ra mắt gia đình vào dịp lễ tết đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc, song theo điều tra của mạng Sina gần đây, có tới 70% người dùng mạng xã hội không ủng hộ việc làm này.

Thiếu nữ trẻ họ Tan, 25 tuổi khẳng định sẽ không bao giờ thuê bạn trai dù mẹ và bà ngoại cô liên tục thúc ép cô kết hôn. Tan cho biết, mỗi khi cô trở về thăm nhà vào dịp lễ tết, người thân trong gia đình, đặc biệt là mẹ cô không ngừng đặt ra các câu hỏi như cô đã có bạn trai chưa, bao giờ cô đưa bạn trai về ra mắt hay khi nào cô sẽ kết hôn.

Tan cho biết, dù về nhà ăn tết "một mình" phải chịu rất nhiều áp lực, song đối với cô, việc thuê người yêu chỉ càng khiến mọi chuyện rắc rối hơn nếu gia đình cô phát hiện, cô đóng kịch và lừa dối họ. 

Lin Xiuyun, giáo sư tâm lý thuộc Đại học Bắc Kinh cũng nhấn mạnh, việc thuê bạn trai hay bạn gái về ra mắt cha mẹ dịp Tết không phải là một ý hay bởi các bậc phụ huynh sẽ đặt ra nhiều câu hỏi hơn như bao giờ con mình sẽ kết hôn.

"Tốt hơn hết là nói chuyện thẳng thắn với cha mẹ vì họ sẽ cảm thấy bị tổn thưởng nhiều hơn nếu phát hiện con cái nói dối trắng trợn",  ông Lin nói.

Trong khi đó, Chen Genglu, theo một luật sư thuộc Công ty luật Yongheng ở Giang Tô, khi các khách hàng, bất kể nam hay nữ, ký hợp đồng thuê người yêu về quê ăn Tết, đây là một hợp đồng kinh doanh hợp lệ, miễn là không ai vi phạm các điều khoản được quy định trong hợp đồng như vấn đề quan hệ tình dục.

Tuy nhiên, luật sư Chen Genglu khuyến cáo, các gái ế cũng như những cô gái chấp nhận "làm bạn gái giả" dịp Tết để kiếm thêm thu nhập nên cẩn trọng và phải tự bảo vệ mình để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra, chẳng hạn bị tấn công tình dục hay cưỡng hiếp...  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Đăng (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Tết Nguyên đán 2016 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN