Được mời diễn tập hải quân, TQ vẫn cử tàu do thám Mỹ

Tàu do thám Trung Quốc lởn vởn để thăm dò cuộc diễn tập RIMPAC dù họ đã được Mỹ mời tham gia.

Ngày 20/7, trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, một quan chức hải quân của Mỹ cho biết mặc dù đã được mời tham gia cuộc tập trận trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ tổ chức, Trung Quốc vẫn cử một tàu do thám rình rập bên ngoài vùng biển Hawaii để theo dõi lực lượng hải quân các nước tham gia diễn tập.

Đại úy Darryn James, người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết tàu do thám của Trung Quốc đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh đảo Hawaii của Mỹ, mặc dù nó không thuộc thành phần tham gia cuộc diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2014.

Được mời diễn tập hải quân, TQ vẫn cử tàu do thám Mỹ - 1

Tàu chiến các nước tham gia diễn tập Vành đai Thái Bình Dương

Ông James nói: “Hải quân Mỹ vẫn liên tục giám sát mọi hoạt động trên Thái Bình Dương, và chúng tôi hy vọng tàu do thám này không tiến vào lãnh hải Mỹ và không ngăn cản hoạt động đang diễn ra của RIMPAC.”

Lần đầu tiên được Mỹ mời tham gia cuộc diễn tập hoành tráng này, Trung Quốc đã điều đội tàu lớn thứ hai của hải quân đến vùng biển Hawaii hội tụ cùng lực lượng hải quân các nước khác nhằm tăng cường hợp tác quốc tế.

Tuy nhiên, việc tàu do thám của Trung Quốc “không mời mà đến” để rình mò xung quanh khiến các quốc gia khác tham gia diễn tập không khỏi lo lắng.

Ông Per Rostad, chỉ huy tàu hộ tống Fridtjof Nansen của hải quân Na Uy cho rằng Trung Quốc đã quá tùy tiện khi điều tàu do thám đến thăm dò cuộc diễn tập RIMPAC trong khi họ vẫn có lực lượng tham gia.

Được mời diễn tập hải quân, TQ vẫn cử tàu do thám Mỹ - 2

Tàu do thám Trung Quốc vẫn lởn vởn để thăm dò cuộc diễn tập (Ảnh minh họa)

Ông nói: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi bị do thám trong khi hoạt động hay diễn tập. Nhưng thật lạ thường khi họ do thám một cuộc diễn tập mà chính các đơn vị của họ cũng tham gia.”

Đội tàu tham gia diễn tập RIMPAC lần này của Trung Quốc gồm có tàu khu trục tên lửa Haikou, tàu hộ tống Yueyang, tàu hậu cần Qiandaohu và tàu y tế Peace Ark, tuy nhiên các tàu này không được tham gia các cuộc tập trận tác chiến quan trọng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng mất niềm tin vào nhau.

Từ lâu Trung Quốc vẫn luôn kêu ca rằng Mỹ đã tiến hành các hoạt động do thám bên trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. Năm 2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Ma Zhaoxu cáo buộc tàu Victorious của Mỹ hoạt động trên biển Hoàng Hải mà không được phép của Trung Quốc.

Còn trong lần này, Mỹ cho biết họ sẽ không làm lớn chuyện với phía Trung Quốc vì chính phủ Mỹ thừa nhận và tôn trọng quyền qua lại không gây hại của tàu bè các nước trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN