Dùng "núi tiền trời ban" nuôi 5 con học đại học
Một thân một mình nơi đất khách quê người, cuộc sống của người phụ nữ nghèo phải lo cho 5 đứa con lúc nào cũng trong cảnh nghèo túng, đắp đổi. Nhưng đúng vào lúc bi đát nhất, dịp may tình cờ đã giúp bà trúng tờ vé số độc đắc trị giá 125 triệu đồng. Không choáng ngợp trước “lộc trời” quá lớn, bà đã sử dụng từng phần số tiền ấy vào phát triển kinh tế gia đình một cách hiệu quả.
Chỉ trong vài năm từ cảnh nghèo mạt, bà vươn lên thành gia đình khá giả. Đặc biệt hơn, cả 5 đứa con cũng nhờ khoản tiền trúng số này mà ăn học thành tài.
Tấm gương vươn lên nhờ xổ số
Ông Phạm Thanh Hùng (Trưởng khóm 2, TT. Đầm Dơi) cho biết: “Ở trong vùng có không ít người từng may mắn trúng số. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ăn tiêu, phung phí, “của thiên trả địa”, họ lại trở về với kiếp nghèo. Trong bối cảnh ấy, trường hợp bà Bê được xem là điển hình vươn lên trong cuộc sống nhờ trúng số. Bà Bê biết dùng tiền hiệu quả vào để xây dựng kinh tế gia đình thoát cảnh cơ cực. Đến nay sau nhiều năm nỗ lực thì kinh tế gia đình bà có thể nói là khá giả, có quán ăn riêng, nhà cửa khang trang, con cái ăn học tới nơi tới chốn. Chính vì biết vận dụng “lộc trời” nên bà được nhiều người trong vùng rất ngưỡng mộ”.
Cuộc sống tận cùng cay cực
Sinh ra ở Quảng Bình nhưng do cuộc sống quá cơ cực, năm 1999, bà Trần Thị Bê (35 tuổi, hiện trú tại TT. Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) quyết định cùng gia đình tha hương và Cà Mau tìm kế sinh nhai. Nơi đất khách quê người, chẳng bà con thân thích, không mảnh đất dung thân, cả gia đình vất vưởng lang bạt, nay đây mai đó. Khi PV tìm về hỏi thăm chuyện bà Bê đổi đời nhờ trúng số, những người dân nơi đây lại cho biết, họ nhớ rõ hơn… thời kỳ khởi nghiệp nghèo khó của vợ chồng bà. Dạo đó, ngày làm thuê, đến đêm về hai vợ chồng và cùng đàn con lại phải mướn tạm những gian phòng trọ ẩm mốc làm chỗ trú ngụ.
Để cải thiện đời sống cho vợ con, chồng bà phải lăn lộn khắp nơi, sẵn sàng nhận bất cứ công việc nặng nhọc nào, từ vác hàng thuê đến đào mương, nạo vét cống rãnh. Phụ chồng, bà Bê hết chạy bán từng bó rau lại đi kiếm con cá, con tép để làm phong phú bữa ăn cho gia đình. Những ngày thiếu gạo, bà phải chia lon, sẻ bữa để nấu cháo loãng húp tạm. “Thật khó có thể quên những ngày cùng cực đó. Nhiều lúc chúng tôi còn phải nhịn, mỗi ngày ăn một bữa chỉ mong một ngày nào đó được ăn cơm trắng thật no”, bà Bê nhớ lại. Điều đáng nói là dù có cực khổ bao nhiêu, vợ chồng bà Bê vẫn luôn có một chí hướng là phải thoát nghèo, con cái ăn học đầy đủ, phải khấm khá hơn ở quê nhà bằng mọi giá. Đó là động lực thôi thúc vợ chồng bà không ngừng vươn lên, quên đi thực tại.
Bà Bê kể lại quãng đời của mình cho PV
Bước đầu thực hiện ước mơ này, bà Bê không chỉ bán rau củ ngoài sạp mà còn xin đi học làm phở. Khi đã thành nghề, bà mở một quán dạo bán vào mỗi tối. Đêm đến, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, bà mới lọ mọ dọn hàng về. Vậy nhưng sáng sớm tinh mơ, khi mọi người còn chưa kịp dậy, bà đã lại ra chợ chuẩn bị thu mua rau củ. Thương vợ, chồng bà làm việc gần như không có ngày nghỉ, thậm chí có những ngày ốm nặng, ông cũng cắp nón đi làm. Có lần kiệt quệ, ông khuỵu ngay nơi cổng trường vì đói khát. Thấy cha mẹ quần quật, các con bà Bê ai nấy đều siêng năng, chăm chỉ và luôn đạt thành tích cao trong học tập. Khoảng tường nhỏ của gia đình luôn chật kín bằng khen. Bảng thành tích ấy như niềm vui và hy vọng tương lai giúp ông bà quên cả nỗi mệt nhọc.
Cuộc sống nghèo mà đầm ấm cứ thế trôi đi. Thế nhưng điều bà Bê không ngờ là khi chuyện rau cháo qua ngày đã tạm ổn, chồng bà lại vĩnh viễn ra đi sau cơn bạo bệnh. Chỉ còn lại một mình, phải lo cho 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, đôi vai người phụ nữ nghèo góa bụa vốn đã nặng nề nay càng thêm áp lực bởi hàng loạt khoản nợ nần ngày càng tăng lên theo năm tháng. Tâm sự cùng người viết, bà Bê hồi tưởng: “Dạo đó tôi gần như kiệt sức. nhiều lúc, tôi đã định sẽ buông xuôi tất cả. Thế nhưng, đúng vào lúc bần cùng nhất, tuyệt vọng nhất, thì vận may đã mỉm cười”. Vận may ấy, như lời bà kể xảy ra vào một buổi chiều muộn, khi bà lão đi ngang nhà chìa xấp vé số còn ế nguyên. Còn mấy đồng bạc lẻ trong túi, bà Bê móc sạch ra mua 5 tờ, với suy nghĩ “biết đâu trời sẽ thương mình”.
Quen với cuộc sống vất vả đã lâu nên lúc ấy, cái may mắn nhỏ nhoi bà nghĩ đến cũng là là trúng giải an ủi. Khi đó, bà sẽ được lĩnh vài trăm ngàn mang đi đong gạo cho các con ăn thỏa thê, bù lại những ngày dài đói khát. Đến giờ xổ, bà mang theo hy vọng ấy tẩn mẩn ngồi dò từng vé số. Một tờ, hai tờ… rồi tờ cuối cùng. Bà Bê như không tin vào mắt mình khi thấy dòng số đặc biệt khớp với tấm vé cuối cùng mình mua. Bà đã trúng số, tờ vé giá trị 125 triệu đồng, một khoản tiền khổng lồ mà ngay cả trong mơ bà và các con cũng chẳng dám nghĩ tới. Đêm đó, bà trằn trọc mãi không chợp mắt nổi. Cầm trong tay khoản tiền hơn trăm triệu, bà phải nát óc tính toán sẽ phân bổ số tiền như thế nào để gia đình thoát nghèo.
Đời sang trang nhờ tờ vé số
Dù chuyện đã qua hơn 10 năm nhưng đến nay, bà Bê vẫn còn nhớ như in những xúc cảm hân hoan khi được sở hữu số tiền khổng lồ ấy. Cầm số tiền trong tay, công việc đầu tiên bà Bê thực hiện là dành một khoản để xóa toàn bộ nợ nần mà lâu nay gia đình chỉ dám trả lãi. Xong xuôi, bà tiếp tục dùng một khoản tiền để thuê gian quán ăn nơi mặt đường, phục vụ việc bán tại chỗ chứ không phải bán dạo nữa. Cuối cùng, còn khoản tiền dư, bà quyết định gửi vào ngân hàng để lấy lãi cho các con ăn học. Từ ngày trúng số, bà Bê vẫn sớm khuya cặm cụi với gian hàng bún của mình, học thêm cách nấu món mới. Các con bà ngoài học hành ở trường thì về giúp mẹ, rồi đi làm mướn kiếm thêm thu nhập.
Nhờ chăm chỉ, cần cù cải tiến món ăn truyền thống, tiếng tăm quán phở bà Bê lan nhanh, thu hút nhiều thực khách xa gần. Cũng trong thời điểm này, lần lượt 5 người con của bà Bê liên tục trúng tuyển các kỳ thi đại học, cao đẳng. Bà vẫn bòn mót số tiền từ bán quán để nuôi các con, khi nào bức bí lắm mới dùng đến khoản tiền tiết kiệm gửi trong ngân hàng. “Khi các con lần lượt vào đại học, khoản tiền trúng số chỉ còn vài triệu bạc. Nhưng kể cả lúc tiền đã gần cạn, tôi vẫn lên kế hoạch chi tiêu cụ thể, làm sao để một khi đồng tiền chi ra phải đem lại hiệu quả. Xét đi xét lại thì lúc phục vụ việc học hành của các con”, bà Bê tâm sự.
Ngôi nhà hiện nay mà bà Bê đang ở. Ảnh. T.G
Lấy ngắn nuôi dài, lần lượt 5 người con của bà Bê cũng ăn học thành tài và ra trường với những công việc ổn định. Bà chia sẻ, ba người hiện đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương. Anh con trai đầu tên Thắng làm giáo viên dạy Toán ngay trong trường cấp ba, hiện cũng đã có vợ và một cô con gái nhỏ. Hàng ngày ngoài giờ dạy học, anh vẫn ra giúp đỡ mẹ. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Thắng tâm sự, trước đây khi mấy anh em trong nhà đi học, ai cũng không dám nghĩ sẽ học tới nơi, vì biết hoàn cảnh mình nghèo.
Tuy nhiên, nhờ sự động viên, khích lệ hết mình của mẹ, tất cả các anh em đã vượt qua khó khăn. Đến nay, các anh em cơ bản đã có công việc ổn định, cậu em thứ ba đang là kỹ sư phần mềm của môt công ty nước ngoài trên TP. HCM, người con út của bà đang học năm cuối. “Thực sự ngày ấy mẹ tôi rất khổ. Một mình bà lo toan hết mọi việc trong nhà, rồi phải chạy vạy từng đồng gửi cho mấy anh em tôi ăn học”, anh Thắng ngậm ngùi nhớ về trước kia.
Khi các con đã ổn định, bà Bê mới tính đến chuyện riêng tư của mình bằng cách tự tích vốn, mua đất và xây dựng một ngôi nhà bằng những đồng tiền do chính công sức mình dành dụm. So với hơn 10 năm trước, bà tự hào đó đã là một bước đi dài, một cuộc đổi thay ngoạn mục. Sự đổi thay ấy đến từ khoản “lộc trời” khổng lồ và xả sự tính toán chỉn chu của người mẹ.
Khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi từng chứng kiến nhiều người sở hữu cả “núi tiền” nhờ vé số. Nhưng khi vô tư tiêu xài mà chẳng có kế hoạch giữ gìn, cuối cùng nghèo lại hoàn nghèo. Tờ vé số giá trị hàng trăm triệu có thể thay đổi vận mệnh con người. Nhưng để biến sự thay đổi ấy thành một cơ hội đẩy lùi những khốn khó cuộc sống, thì chính con người mới là nhân tố quyết định.