Dự án thừa hơn 14.000 tỷ là do tiết kiệm?

Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã dư ra hơn 14 nghìn tỷ đồng. Có ý kiến cho rằng, con số này cho thấy việc dự toán tổng mức đầu tư chưa sát thực tế.

Chiều 21/9, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về  phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Theo báo cáo này, sau khi hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên sẽ tiết kiệm được 14.259/61.680 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đã được phân bổ theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 của Quốc hội.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung nói trên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đơn vị này đánh giá cao việc Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải trong quá trình thực hiện dự án đã rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm soát chi phí, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án nên đã tiết kiệm chi dự phòng dẫn tới dư nguồn vốn so với số tổng vốn đã được bố trí. Đây có thể coi là kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn TPCP.

Dự án thừa hơn 14.000 tỷ là do tiết kiệm? - 1

 Vốn trái phiếu Chính phủ của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên còn dư hơn 14 nghìn tỷ (ảnh  minh họa)

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, tỷ trọng vốn dư lớn so với tổng vốn được bố trí (dư 22%) phần nào thể hiện việc lập dự toán, thẩm định, phê duyệt đầu tư chưa sát với thực tiễn.

Để chuẩn bị cho Quốc hội quyết định về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư, Ủy ban Tài chính - Ngân sách có ý kiến như sau: Đề nghị rà soát kỹ lưỡng, làm rõ sự cần thiết, tính cấp bách của từng dự án theo đề nghị của Chính phủ, đặc biệt phải đảm bảo các công trình, dự án này nằm trong danh mục các chương trình, dự án được phép sử dụng nguồn vốn TPCP.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đưa ra đề nghị: “Qua rà soát sơ bộ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, Chính phủ cần làm rõ tính cấp bách phải đầu tư cho từng dự án. Trong số các dự án được Chính phủ trình thì một số dự án nằm ngoài danh mục sử dụng vốn TPCP, chưa bảo đảm tính hợp lý để sử dụng nguồn vốn TPCP, như: Dự án Cầu Gián Khẩu và Quốc lộ 12B không nằm trên tuyến Quốc lộ sau khi cải tạo; Đường kết nối cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã hoàn thành giai đoạn 1 hiện đủ nguồn lực phục vụ kết nối và trong tương lai sẽ làm đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa nên cân nhắc việc tiếp tục nâng cấp; các tuyến đường đô thị đã có đường tránh thì Trung ương không nên đầu tư tuyến nội thị mà nên giao cho các địa phương; dự án triển khai xây dựng cầu vượt tại một số vị trí giao cắt với đường sắt nhánh và Quốc lộ 1A cũng cần cân nhắc đầu tư vì chưa làm rõ hiệu quả.

Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, một số ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều dự án sử dụng nguồn vốn TPCP thuộc Danh mục được ban hành theo Nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực giao thông do Bộ Giao thông vận tải quản lý còn dở dang, thiếu vốn, thuộc diện giãn, hoãn tiến độ, điểm dừng kỹ thuật trong đó nhiều công trình quan trọng cần sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vì vậy, đề nghị xem xét, phân bổ cho các dự án này.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ có tờ trình trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 10 về phương án sử dụng vốn TPCP còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Trong trường hợp được Quốc hội quyết định Danh mục đầu tư cho các dự án thì giao UBTVQH xem xét mức phân bổ cụ thể cho từng dự án, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN