Đơn tố ông Chấn: Bí ẩn cuộc gọi cảnh báo "oan chồng oan"

Thông tin bất ngờ tố người tù oan Nguyễn Thanh Chấn mới là hung thủ thực sự trong kỳ án giết người, nhiều ý kiến cho rằng, tố cáo vì công lý hay âm mưu trước giờ G? Đặc biệt là dư luận mấy ngày qua cũng đang “sốt sình sịch” về thông tin mới này, bởi lẽ người tố cáo sẵn sàng đối mặt với tất cả vấn đề liên quan tới vụ án. Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý và cơ quan chức năng để cùng mổ xẻ về tính pháp lý của lá đơn kiến nghị tới Toà án nhân dân (TAND) Tỉnh Bắc Giang và phiên toà xét xử Lý Nguyễn Chung sắp tới (dự kiến ngày 21/7).

Bí ẩn cuộc điện thoại: “cẩn thận oan lại chồng oan”

Trước thông tin của một nhân chứng mới xuất hiện ở “phút 89” liên quan tới người tù nổi tiếng ông Nguyễn Thanh Chấn, một lần nữa khiến dư luận cả nước đứng tim. Bởi lẽ đây là sự cố đau xót của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn.  Mới đây bà Nguyễn Thị Hà, trú tại xã Song Mai, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, đã gửi đơn kiến nghị tới TAND tỉnh Bắc Giang về việc xem xét lại toàn bộ khách quan toàn diện những tình tiết của vụ án.

Đơn tố ông Chấn: Bí ẩn cuộc gọi cảnh báo "oan chồng oan" - 1

Lý Nguyễn Chung.

Liên quan tới nội dung tố cáo của bà Hà, Luật sư (LS) Nguyễn Thu Anh, đoàn LS thành phố Hà Nội cho biết: “Luật Tố cáo năm 2011, quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo và quản lý công tác giải quyết tố cáo.

Tuy nhiên, những nội dung tố cáo phải có những căn cứ kèm theo hoặc chính người tố cáo là người trong cuộc. Họ có quyền tố cáo bằng nhiều con đường, thông qua nguồn tin báo tội phạm, thư tín, điện thoại…để cơ quan chức năng có thêm thông tin về vụ việc. Đó là quyền của công dân, do đó việc bà Hà gửi đơn tố cáo không có gì bàn cãi”.

Điều đáng nói là lá đơn bà Hà gửi TAND tỉnh Bắc Giang với nhiều nội dung khác nhau, có nội dung tố cáo toàn bộ sự việc mà bà Hà cho đó là sự thật và nhiều tình tiết được bà khẳng định như “đinh đóng cột” trong lá đơn. Bà Hà khẳng định Lý Nguyễn Chung không phải là thủ phạm của vụ án mà do dàn dựng, ông Nguyễn Thanh Chấn mới là thủ phạm. Về vấn đề này, cơ quan chức năng cần phải xem xét độ chính xác, thực hư của nội dung lá đơn mà bà Hà gửi cơ quan chức năng, để giải quyết theo luật định.

Tuy nhiên, vụ án xảy ra đến nay đã hơn 10 năm bà Hà mới viết đơn gửi cơ quan chức năng. Đây là một trong những lý do mà cơ quan chức năng cần đặt lên bàn cân về mục đích đằng sau của lá đơn này.

Nếu không có căn cứ, bà Hà có thể sẽ phải đối mặt với tội vu khống, tội không tố giác tội phạm”, LS Anh nhận định.

Một điều tra viên (xin phép được giấu tên) cho biết: “Trước khi xét xử Lý Nguyễn Chung, tôi có nhận được một cuộc điện thoại của một phụ nữ báo tin cho điều tra viên: “Các anh cẩn thận kẻo oan lại chồng oan, Lý Nguyễn Chung không phải là hung thủ thật”. Tuy nhiên, sau khi tôi hỏi lại, người phụ nữ này đã không trả lời và tôi không liên lạc được bất cứ điều gì từ người phụ nữ này”, vị điều tra viên cho hay.

Đơn tố ông Chấn: Bí ẩn cuộc gọi cảnh báo "oan chồng oan" - 2

Ông Đỗ Xuân Tựu, Phó vụ trưởng vụ 3, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Phải thận trọng thông tin mà bà Hà đưa ra

Về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với LS Hoàng Minh Hiển, đoàn LS thành phố Hà Nội, người bào chữa cho Lý Nguyễn Chung trong phiên toà vào ngày 21/7 sắp tới, tại TAND tỉnh Bắc Giang. Khi được hỏi về phản ứng của mình về thông tin được cho là tình tiết mới liên quan tới vụ án oan, ông Nguyễn Thanh Chấn, LS Hiển cho  hay: “Trước tiên nói về vụ án này, tôi xin đưa ra những quan điểm của mình. Thứ nhất, khi TAND, VKSND và các cơ quan chức năng liên quan khác đưa ra kết luận về việc ông Nguyễn Thanh Chấn hoàn toàn vô tội, họ phải mất tới cả năm trời để điều tra, giám định, xem xét họp bàn kỹ lưỡng để đưa ra kết luận cuối cùng. Khi các cơ quan nói trên chính thức có kết luận về việc ông Chấn vô tội, đã được sự đồng tình và ủng hộ rất lớn của dư luận.

Thứ hai, về phía nhà chức trách, có thể nói, đây là vụ án oan gây rúng động trong thời gian qua. Hậu quả để lại là rất lớn, không chỉ gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào công lý. Hiện có hai cán bộ đã bị khởi tố hình sự và nhiều cán bộ khác bị kỷ luật.

Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao tới giờ phút này mới xuất hiện chứng cứ mới? Bản thân tôi là luật sư bào chữa cho Lý Nguyễn Chung từ giai đoạn điều tra đến nay, toàn bộ những chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã thể hiện rất rõ việc cơ quan điều tra đã điều tra đúng người, đúng tội. Nhiều lần tiếp xúc với Chung tại trại tạm giam, bằng những hiểu biết về chuyên môn, tôi đã hỏi Lý Nguyễn Chung: “Một mình Chung thực hiện hành vi phạm tội và cướp đi mạng sống của chị Nguyễn Thị H. là nạn nhân trong vụ án cách đây hơn 10 năm? (Xảy ra tại thôn  Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang) Lý Nguyễn Chung trả lời chỉ có mình Chung thực hiện.

Trong phiên xét xử Lý Nguyễn Chung sắp tới, theo quan điểm của tôi, bà Hà không được coi là một nhân chứng, vì những thông tin mà bà Hà đưa ra chưa được kiểm chứng, chưa có kết luận của Cơ quan điều tra. Dư luận cần đặt câu hỏi: Vì sao phút “thứ 89” bà Hà mới gửi đơn tố cáo tới cơ quan chức năng, đằng sau nội dung lá đơn này nhằm mục đích gì? Theo tôi, đây là lá đơn nhằm bôi nhọ cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu vì mục đích bôi nhọ cá nhân hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật, bà Hà sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.

Liên quan tới lá đơn kiến nghị gửi tới TAND tỉnh Bắc Giang, PV đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Xuân Tựu, Phó vụ trưởng vụ 3, Vụ thực hành quyền công tố và xét xử án hình sự Viện KSND Tối cao đựơc biết: Việc người dân có quyền gửi đơn khiếu nại tố cáo, kiến nghị lên cơ quan chức năng đã được luật quy định rất rõ. Việc bà Nguyễn Thị Hà gửi đơn tới cơ quan chức năng đề nghị xem xét vụ án một cách toàn diện cũng là một việc bình thường.

Tuy nhiên, hiện tại Cơ quan điều tra, VKS chưa xác minh tính xác thực của nội dung trong đơn mà bà Hà gửi tới cơ quan chức năng, chưa có kết luận về nội dung lá đơn mà bà Hà nêu. Do đó chưa thể nói được là nội dung bà Hà tố cáo là đúng hay sai.

Điều trước tiên là Cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, xem xét sự thật trong lá đơn là bao nhiêu phần trăm. Sau khi xem xét toàn bộ nội dung trong đơn là không có căn cứ, cơ quan chức năng phải xét tới động cơ mục đích của người viết đơn nhằm mục gì? Nếu là động cơ bôi nhọ một cá nhân, công dân cụ thể hoặc bôi nhọ cơ quan bảo vệ pháp luật thì bà Hà sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, thậm chí là hình sự.

Có thể được xem là một nhân chứng trong phiên xét xử Lý Nguyễn Chung?

Ông Thân Quốc Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Bắc Giang:

Có thể xem xét đưa bà Hà tới dự phiên toà xét xử Lý Nguyễn Chung vào ngày 21/7. Tuy nhiên, sự có mặt của bà Hà có được coi là một nhân chứng trong phiên xét xử tới hay không còn phải chờ kết luận của cơ quan tố tụng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lương Liễu (Đời sống & Pháp luật)
Vụ án oan 10 năm ở Bắc Giang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN