Đình sắp đổ sập, lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam có bị gián đoạn?

Đình làng Mỏ - nơi tổ chức lễ hội Ná Nhèm với màn rước “của quý” khủng nhất Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ đổ sập.

Đình sắp đổ sập, lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam có bị gián đoạn? - 1

Tàng thinh và Mặt nguyệt trong lễ hội Ná Nhèm ở đình làng Mỏ (Lạng Sơn).

Mới đây, theo phản ánh của người dân, đình làng Mỏ (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) – nơi tổ chức lễ hội Ná Nhèm với màn rước “của quý” lớn nhất Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ.

Nhiều cột, kèo trong đình đã hư hỏng, xiêu vẹo đang được gia cố, chằng chống bằng những trụ sắt. Phần mái ngói mục ruỗng, có nguy cơ đổ sụp. Những viên ngói rơi đầy xuống dưới nền. Nhiều họa tiết trang trí nghê, rồng trên mái đình đã bị rơi, hư hỏng…

Người dân lo ngại, nếu không sửa chữa, trùng tu kịp thời, lễ hội Ná Nhèm năm 2019 và những năm tới sẽ bị gián đoạn.

Đình sắp đổ sập, lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam có bị gián đoạn? - 2

Ngôi đình làng Mỏ đang bị xuống cấp nghiêm trọng, mái ngói thủng lỗ chỗ, nguy cơ sập.

Liên quan đến vấn đề trên, ngày 19/12, ông Hoàng Văn Chẩn - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trấn Yên, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo lễ hội Ná Nhèm năm 2018 xác nhận, đình làng Mỏ đang xuống cấp trầm trọng.

Theo ông Chẩn, đình làng Mỏ xây dựng từ năm 1925. Từ đó đến nay, đình chưa từng được trùng tu hay tôn tạo nên đã xuống cấp từ nhiều năm trước.

Năm 2012, trong quá trình phục dựng lại lễ hội sau nửa thế kỉ thất truyền, chính quyền và người dân địa phương đã tự gia cố lại ngôi đình đổ nát bằng việc tự đóng góp sức dân.

Đình sắp đổ sập, lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam có bị gián đoạn? - 3

 Người dân dùng bạt che tạm thời để mưa nắng không làm hư hỏng đồ vật trong đình.

“Do nguồn lực có hạn nên chỉ là sửa chữa tạm. Đến thời điểm hiện tại, ngôi đình làng Mỏ đã xuống cấp nặng nề, có nguy cơ đổ sập. Rất mong cơ quan chức năng xem xét để sớm duyệt đề án trùng tu, sửa sang lại ngôi đình”, ông Chẩn chia sẻ.

Việc đình xuống cấp có ảnh hưởng đến lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam năm 2019 hay không, ông Chẩn cho biết, lễ hội vẫn sẽ được diễn ra đúng thời điểm. Trước mắt, Ban chỉ đạo lễ hội thống nhất tiếp tục sửa sang tạm thời ngôi đình. Chi phí khắc phục tạm thời để tổ chức lễ hội khoảng gần 100 triệu đồng.

Đình sắp đổ sập, lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam có bị gián đoạn? - 4

Ngói, vữa từ trên mái rơi đầy xuống nền đình.

Trao đổi thêm với PV, ông Tô Bắc Thái - Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn (Lạng Sơn) cho biết, đã nắm được tình trạng xuống cấp của đình làng Mỏ.

“Huyện sẽ có phương án hỗ trợ một phần kinh phí cho xã Trấn Yên để gia cố lại đình, chống nguy cơ sụp đổ nhằm phục vụ cho lễ hội đầu năm 2019.

Song song với việc gia cố, sửa chữa là phê duyệt dự án để trùng tu, tôn tạo lại đình làng Mỏ. Hiện đã có bản vẽ gửi lên tỉnh phê duyệt với kinh phí khoảng 6-7 tỉ đồng. Nguồn vốn dự định sẽ kêu gọi xã hội hóa”, ông Thái thông tin.

Đình sắp đổ sập, lễ hội rước “của quý” lớn nhất Việt Nam có bị gián đoạn? - 5

 Nhiều cột kèo hư hỏng, xiêu vẹo đã được gia cố bằng giáo sắt. Công tác gia cố đang diễn ra để lễ hội Ná Nhèm 2019 vẫn diễn ra kịp thời.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng - Viện văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), người tham gia phục dựng lại lễ hội Ná Nhèm cho biết, đình làng Mỏ đã được công nhận là di tích cấp tỉnh nên các ban ngành của tỉnh Lạng Sơn cần vào cuộc, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp của đình làng Mỏ.

Ngoài ra, đây là địa phương thuộc vùng đặc biệt khó khăn nên việc huy động sức dân tham gia đóng góp để xây dựng đình làng Mỏ sẽ hết sức hạn chế. Do vậy, rất cần có chủ trương huy động xã hội hóa rộng rãi.

Lễ hội Ná Nhèm có nghĩa “mặt nhọ” của người Tày, được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức thánh Cao Sơn Quý Minh, Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết đã có công đánh giặc giữ làng.

Trong lễ hội, có màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) từ trong đình làng Mỏ ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn và cầu cho cuộc sống đầy đủ, đời sống ấm no.

“Của quý” – tàng thinh tại lễ hội táo bạo nhất VN năm nay có gì đặc biệt?

Tàng thinh – tượng trưng cho “của quý” của nam giới tại lễ hội Ná Nhèm (Lạng Sơn) mỗi năm đều có kích thước và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Lễ hội phồn thực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN