Điều tra sự cố máy bay cùng lúc nóng cả 2 động cơ, phải hạ cánh khẩn

Sự kiện: Tin nóng

Ngay sau khi cất cánh, máy bay A320 ceo cùng lúc bị nóng bất thường cả 2 động cơ, buộc phải quay về sân bay xuất phát hạ cánh khẩn cấp. Chiếc A320 ceo sử dụng động cơ CFM56, cùng loại với động cơ đã phát nổ ở Mỹ nhưng khác seri.

Nguồn tin từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) ngày 2-5 xác nhận đang tiến hành điều tra sự cố xảy ra đối với chuyến bay VJ627 chở 213 hành khách từ Đà Nẵng đi TP HCM ngày 11-4 vừa qua gặp sự cố cùng lúc với cả 2 động cơ, phải quay lại hạ cánh khẩn ở sân bay xuất phát. Máy bay gặp sự cố là loại A320 ceo (current engine option) của hãng hàng không Vietjet.

Tổ điều tra đã thực hiện kiểm tra động cơ; giải mã hộp đen chuyến bay VJ627; đánh giá, phỏng vấn tổ lái; xem xét chương trình bảo dưỡng, theo dõi tình trạng động cơ. 

Điều tra sự cố máy bay cùng lúc nóng cả 2 động cơ, phải hạ cánh khẩn - 1

Chuyến bay VJ627 chở 213 hành khách phải quay đầu sau 30 phút cất cánh vì cả 2 động cơ tăng nhiệt tới hạn. Ảnh minh hoạ

Đáng lưu ý, máy bay gặp sự cố là chiếc A320 ceo của hãng hàng không Vietjet, được trang bị động cơ CFM. Đây là loại động cơ từng phát nổ gây tai nạn đối với một chuyến bay của hãng hàng không Mỹ Southwest Airlines ngày 18-4 vừa qua. Tuy nhiên, Southwest Airlines sử dụng động cơ CFM56-7B, còn máy bay A320 ceo của Vietjet mua động cơ CFM56-5B. Trong số các hãng hàng không của Việt Nam hiện chỉ có Vietjet sử dụng động cơ CFM. Cùng với việc mua động cơ CFM trang bị cho máy bay A320 ceo, Vietjet cũng ký hợp đồng với nhà sản xuất bảo dưỡng động cơ theo giờ cho tất cả động cơ CFM56-5B lắp trên 21 máy bay của hãng.

Có ít nhất 4 nguyên nhân có thể dẫn đến sự cố được Tổ điều tra cân nhắc, đánh giá. 

Một là nguyên nhân do chim va đập hoặc hoạt động khác ở khu bay làm bắn các vật ngoại lai vào động cơ. Tình huống giả định này được đưa ra vì ngày 9-4, máy bay này đã bị chim va đập vào chóp radar, phải dừng khai thác trong ngày 10-4 để kiểm tra, sửa chữa. Khi đưa vào khai thác trở lại vào ngày 11-4 thì ngay từ cuối giờ sáng đã gặp hiện tượng tăng nhiệt động cơ.

Hai là có thể do nguyên liệu không đảm bảo chất lượng làm tính năng động cơ thay đổi. Từ nghi vấn này, bộ phận kỹ thuật đã lấy mẫu nguyên liệu gửi đi phân tích.

Ba là do nguyên nhân nội tại của động cơ.

Bốn là do quá trình khai thác, bảo dưỡng của hãng hàng không.

Có nhiều nguyên nhân được đưa ra để phân tích, điều tra, từ đó xác định nguyên nhân dẫn đến sự cố. Trên cơ sở kết luận điều tra, nhà chức trách hàng không sẽ đưa ra khuyến cáo cho các bên liên quan nhằm đảm bảo an toàn khai thác.

Theo thông cáo báo chí của Vietjet, chuyến bay VJ627 từ Đà Nẵng đi TP HCM chở theo 213 hành khách và phi hành đoàn khởi hành lúc khoảng 10 giờ sáng ngày 11-4. Ngay sau khi cất cánh, tổ bay xác định nhiệt độ khí thải sau động cơ tăng tới giới hạn. Cơ trưởng đã lập tức cho máy bay quay lại Đà Nẵng và hạ cánh lúc 10 giờ 39 phút cùng ngày. Tổ điều tra đánh giá tổ bay VJ627 đã xử lý bình tĩnh và cho máy bay hạ cánh an toàn. 

Tình huống cả 2 động cơ máy bay cùng lúc được hệ thống báo cảnh báo tăng nhiệt là khá hiếm gặp trong hoạt động hàng không, khi đó chuyến bay phải đối mặt với nhiều rủi ro vì không thể tắt cả 2 động cơ. Đây là sự cố được xếp vào nhóm C - nhóm uy hiếp an toàn cao.

Theo quy định của ngành hàng không, sự cố nhóm C, B, A thuộc diện phải lập tổ công tác điều tra. Mục đích điều tra sự cố không chỉ để xử phạt các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm mà quan trọng hơn là làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, tổ chức bình giảng trong toàn ngành và đưa ra khuyến cáo để không lặp lại lỗi tương tự. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng của văn hoá an toàn hàng không.

Máy bay Vietnam Airlines bị lỗi, 200 khách phải hoãn bay

Chuyến bay của hãng Vietnam Airlines phải quay trở lại nhà ga do lỗi kỹ thuật.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Hà (Người lao động)
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN