Dịch COVID-19 tối 3/5: Số ca tử vong tại Italia tăng đột biến, đánh dấu ngày “chết chóc”

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại Italia đã bất ngờ tăng đột biến trở lại khiến quốc gia này vẫn đang là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch tại châu Âu.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Italia hiện vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng COVID-19 nặng nề nhất tại châu Âu. Số người tử vong hôm 2/5 đã tăng đột biến thêm 474 người, trong khi ngày trước đó chỉ là 269 người, đánh dấu ngày "chết chóc" nhất của nước này kể từ ngày 21/4.

Số ca tử vong tăng đột biến chủ yếu tại Lombardy, vùng dịch lớn nhất của Italia (329 ca). Còn số ca nhiễm mới tăng thêm vẫn duy trì ổn định ngày thứ 3 liên tiếp: Thêm 1.900 ca mới so với con số 1.965 ca ghi nhận vào ngày 1/5.

Tổng số ca tử vong ở Ý đến nay đã là 28.710, cao thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

+ Tính đến 19h30 tối 3/5, Việt Nam ghi nhận 271 ca nhiễm COVID-19, tức tăng 1 ca so với 12h trước; 219 bệnh nhân đã khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Bệnh nhân 271 là nam, 37 tuổi, quốc tịch Anh, là chuyên gia của Tập đoàn Dầu khí được nhập cảnh từ Anh tới Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) trên chuyến bay riêng mang số hiệu AXY 2504 (không phải chuyến bay chở khách thương mại) ngày 28/4 để thực hiện dự án kinh tế.

Bệnh nhân được cách ly ngay khi đến Việt Nam. Ngày 2/5, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. HCM).

+ Kể từ sáng 16/4 đến nay (17 ngày), cả nước không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo quy định Luật Bệnh truyền nhiễm thì phải đủ 28 ngày, tính từ ngày bệnh nhân cuối cùng từ cộng đồng được cách ly tại cơ sở y tế và không phát sinh bệnh nhân mới, mới có thể tính đến công bố hết dịch. Bên cạnh đó, các biện pháp chống dịch phải triển khai đầy đủ theo Luật Bệnh truyền nhiễm, bảo đảm dịch không còn nguy cơ.

PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh.

+ Ngày 3/5, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho hay, bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang bị tràn khí màng phổi bên phải, phải đặt ông dẫn lưu, tiếp tục thở máy, tiên lượng còn nặng.

+ Việt Nam được nêu tên trong những câu chuyện ứng phó dịch COVID-19 thành công, theo trang Axios. Cây bút bình luận Adam Taylor của tờ Washington Post đã nói đến 3 chiến thuật then chốt khi đề cập đến câu chuyện chống COVID-19 thành công tại Việt Nam bao gồm: sàng lọc và kiểm tra thân nhiệt; khoanh vùng và phong tỏa khu vực có dịch; liên tục trao đổi thông tin.

+ Tại Anh, số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng thêm 621 người trong ngày 1/5, nâng tổng số người chết vì dịch này lên 28.131 người. Hiện Anh là nước có số ca tử vong cao thứ hai châu Âu chỉ sau Italia. Các chuyên gia nhận định, Anh đang theo chiều hướng dần thay thế Italia trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở châu Âu.

+ Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tính đến ngày 1/5, New Zealand có tổng cộng 1.485 trường hợp mắc COVID-19, 20 người tử vong. Bộ Y tế New Zealand cho biết, trong nước có hơn 1.214 người đã bình phục. Nhiều người vui mừng về thành tựu của New Zealand, nhưng Thủ tướng Ardern kêu gọi người dân không tự mãn và mất cảnh giác.

Chìa khóa thành công của New Zealand là cách tiếp cận: phản ứng nhanh, xét nghiệm diện rộng và bám sát vào nền khoa học thực dụng. Do đó, theo CNN, các quốc gia khác có rất nhiều điều để tìm hiểu và học hỏi từ thực tế của New Zealand.

+ Số ca nhiễm mới tại Nga hôm 2/5 đã đạt mức kỷ lục 9.623 ca, thêm vào đó là 57 trường hợp tử vong nữa được ghi nhận.

Thị trưởng Moscow - ông Segei Sobyanin ước tính riêng rằng khoảng 2% dân số Moscow đã bị COVID-19 tấn công, biến thủ đô Nga thành một điểm nóng so với phần còn lại của đất nước. Nếu đúng, điều này có nghĩa là khoảng 253.800 người đã nhiễm virus ở Moscow theo một tính toán dựa trên sàng lọc.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Y tế công bố thêm 1 ca bệnh nhiễm COVID-19

Chiều 3/5, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 271.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN