Dịch COVID-19 sáng 13/5: Chuyên gia dự đoán diễn biến dịch khi có vắc xin

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Nhiều chuyên gia lo ngại, những quốc gia trả tiền cao nhất sẽ giành vắc xin COVID-19 khiến những nước nghèo phải chịu thiệt thòi, làm cho dịch bệnh không thể chấm dứt nhanh.

Mời độc giả đón đọc bản tin tổng hợp về dịch bệnh COVID-19 vào lúc 10h và 20h hằng ngày, trên mục Tin tức trong ngày.

+ Với tốc độ lây lan như hiện nay và nhiều khả năng COVID-19 có thể tái bùng phát như cúm mùa, một số chuyên gia cho rằng, gần như chắc chắn sẽ không có đủ vắc xin phòng chống dịch bệnh cho toàn thế giới trong ít nhất là vài năm kể từ khi được phát triển thành công. Vì vậy, dịch bệnh sẽ không thể nhanh chóng chấm dứt.

Kịch bản mà nhiều chuyên gia lo ngại nhất hiện nay đó trận chiến tranh giành vắc xin COVID-19 trên toàn thế giới mà tại đó, những nhà sản xuất sẽ chỉ bán vắc xin cho những quốc gia trả tiền cao nhất. Các chuyên gia y tế đều muốn tránh tình trạng lặp lại như năm 2009, khi các nước giàu có, điển hình như Mỹ đã tranh giành nguồn cung vắc xin ngừa H1N1, khiến cho những nước kém phát triển hơn đối mặt với mối nguy dịch bệnh.

Theo các chuyên gia, bất kỳ quốc gia nào phát triển thành công vắc xin COVID-19 thì những liều vắc xin đầu tiên sẽ được ưu tiên cho người dân của chính nước đó chứ không phải những quốc gia đang là điểm nóng bùng phát toàn cầu. Tuy nhiên, COVID-19 là loại dịch bệnh dễ lây lan và sẽ không có quốc gia nào có thể an toàn trước mối nguy dịch bệnh nếu những nước khác vẫn còn ca nhiễm.

“Các quốc gia giàu nên biết rằng, những nỗ lực mạnh mẽ nhất để ngăn ngừa virus của họ cũng sẽ thất bại, trừ khi dịch bệnh được chấm dứt ở các nước là đối tác thương mại, ngoại giao của họ”, Seth Berkley – CEO của Liên minh toàn cầu vắc xin và tiêm chủng (GAVI), cho biết. 

+ Tính đến 10h sáng 13/5, Việt Nam ghi nhận 288 ca nhiễm COVID-19, tức đã qua 27 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong đó, 252 ca đã được công bố khỏi bệnh, chưa có trường hợp nào tử vong.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số 36 bệnh nhân còn lại đang điều trị, 7 ca đã âm tính lần 1, 9 ca âm tính lần 2 trở lên và 20 ca dương tính.

+ TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao sự chủ động phối hợp chặt chẽ, chia sẻ thông tin đầy đủ của Việt Nam về mọi hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kể cả số liệu về số ca nhiễm bệnh, số ca điều trị khỏi, và chưa có ca nào tử vong.

+ Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19 và đang gặt hái được thành công nhờ phản ứng nhanh nhạy trước dịch bệnh. Theo nhiều chuyên gia tư vấn kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng tỏ ra quan tâm tới Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh tăng sức ép khiến họ nhanh chóng muốn chuyển dòng vốn và những nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

+ Theo News.com.au, với tổng số hơn 220.000 ca nhiễm và số ca mới duy trì ở mức trên 10.000 mỗi ngày, Nga hiện xếp thứ 4 trên thế giới về tổng số ca lây nhiễm sau Mỹ, Tây Ban Nha và Anh dù là nước bị dịch COVID-19 tấn công muộn hơn so với các nước khác.

Tuy vậy, Tổng thống Nga Putin vừa tuyên bố, bắt đầu từ ngày 12/5, thời kỳ 'không làm việc' vẫn hưởng lương sẽ kết thúc ở mọi lĩnh vực của kinh tế.

Lý giải về quyết định gỡ bỏ phong tỏa, ông chủ điện Kremlin cho biết, Nga đã tận dụng thời kỳ phong tỏa để chuẩn bị cho hệ thống y tế, tăng số giường bệnh và cứu sống "hàng nghìn người". Điều này cho phép Nga có thể dần gỡ bỏ các biện pháp hạn chế.

+ Số ca nhiễm COVID-19 tại Singapore đã tăng hơn 100 lần trong khoảng thời gian 2 tháng. Từ 226 trường hợp vào giữa tháng 3, đến ngày 12/5, đảo quốc sư tử đã ghi nhận 24.671 người nhiễm virus – cao nhất tại Đông Nam Á. Singapore là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất thế giới bởi làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần 2.

+ Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc (TQ) liên tục lời qua tiếng lại xoay quanh nguồn gốc khởi phát của virus gây dịch COVID-19 và trách nhiệm làm bùng phát đại dịch toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) cũng không đứng ngoài cuộc khi lên tiếng ủng hộ mở điều tra độc lập về COVID-19.

Tờ The Wall Street Journal cho rằng những diễn biến trên là dấu hiệu cho thấy căng thẳng hai bên đang không ngừng leo thang và trong tương lai hậu đại dịch sẽ là cơ sở để Mỹ cùng phương Tây đánh giá lại quan hệ với cường quốc châu Á này.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống COVID-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với COVID-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới tăng chóng mặt

Bộ Y tế cho biết, đến 6h ngày 13/5, thế giới ghi nhận 4.334.596 ca nhiễm COVID-19 trong đó 292.247 ca tử vong. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN