Di dời 4 vạn dân Bắc Trà My đi đâu?

“Nếu di dời dân thì coi như thành lập một huyện mới rồi. Ngoài ra, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là đất ở đâu để di dân đến, đó mới là điều quan trọng” - lời Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My.

Ngày 24/9, ông Lê Văn Tuấn - Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Trà My, Quảng Nam cho biết, vào 4 giờ sáng và 5 giờ 15 cùng ngày, trên địa bàn lại tiếp tục xảy ra 2 trận động đất với cường độ nhẹ.

Hai trận động đất trong ngày không lớn nhưng người dân Bắc Trà My vẫn đầy lo sợ. “Đã bị những trận động đất kinh hoàng của ngày 23/9 rồi thì có diễn ra động đất nhẹ chúng tôi cũng giật mình” - ông Trần Văn Hạnh (43 tuổi, trú thôn Tân Hiệp, xã Trà Sơn) nói.

Di dời 4 vạn dân Bắc Trà My đi đâu? - 1

Thầy Trần Đình Sửu - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Trà Sơn chỉ vết nứt do động đất gây ra

Ông Sơn chia sẻ tiếp: “Trận động đất vào trưa ngày 23/9, tôi cho là mạnh nhất từ trước đến nay. Chúng tôi thật sự hỗn loạn, không biết tránh trú làm sao. Kiểu này chưa chết vì nhà sập, chúng tôi đã phải chết vì sợ”.

Ông Hạnh chỉ cho chúng tôi những vết nứt khắp nơi trong nhà ông sau trận động đất hôm 23/9, từ trong phòng ngủ xuống đến nhà dưới, những đường chẻ dài từ trên xuống dưới rất nguy hiểm. “Bây giờ, chúng tôi không còn ai ngủ ngon giấc vào ban đêm, kể cả trẻ nhỏ cũng nơm nớp lo sợ”.

Thầy Trần Đình Sửu - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Trà Sơn, cho biết: “Động đất vào ngày 23/9 đã làm nhiều mảng tường ở trường bị chẻ dài rất nguy hiểm. Chúng tôi đang báo cáo sự việc này với lãnh đạo xã và Phòng GDĐT huyện để có hướng giải quyết”.

Theo ông Lê Đình Trung - Bí thư xã Trà Sơn, mặc dù xã Trà Sơn nằm cách Thủy điện Sông Tranh 2 tận 7km nhưng vẫn bị thiệt hại nặng nề do trận động đất ngày 23/9 gây ra. Toàn xã có đến 57 ngôi nhà bị nứt do động đất. Ông Hồ Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Trà Đốc, cũng cho biết, xã ông có thêm 55 ngôi nhà bị nứt do động đất.

Ông Đặng Phong - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết mấy ngày qua, huyện tổ chức 3 lớp tập huấn về động đất cho nhân dân, đồng thời yêu cầu Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 in tờ rơi về phòng tránh động đất dán các trường học và phát về tận tay cho người dân trong vùng.

Khi PV đặt câu hỏi huyện Bắc Trà My đã có phương án gì để bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân trong tình huống Thủy điện Sông Tranh 2 xảy ra sự cố, ông Đặng Phong trả lời là chưa. Theo ông Phong, phương án sơ tán dân khi xảy ra sự cố Thủy điện Sông Tranh 2 là không khả thi vì số lượng dân cần sơ tán quá lớn - đến 4 vạn người, “nếu di dời dân thì coi như thành lập một huyện mới rồi. Ngoài ra, điều mà chúng tôi quan tâm nhất là đất ở đâu để di dân đến, đó mới là điều quan trọng” - lời ông Phong.

Ông Phong cũng cho biết, hiện giờ mực nước Thủy điện Sông Tranh 2 đã về mực nước chết và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chưa cho phép tích nước đập Sông Tranh 2 nên huyện chưa thể có phương án nào cho tình huống rủi ro đó. “Chừng nào các nhà khoa học có kết luận độ an toàn của đập Sông Tranh 2 thì lúc đó huyện mới tính đến phương án tiếp theo” - lời ông Phong. Theo ông Phong, hiện nay, huyện chỉ giao Ban chỉ huy quân sự huyện lập phương án di dời dân ở vùng ngập lũ trên địa bàn khi xảy ra mưa lũ mà thôi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trương Hồng (Dân Việt)
Động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN