“Đeo găng mà vừa bốc bún, bốc than, lại vừa đếm tiền liệu có sạch hơn tay trần?”

Sự kiện: An toàn thực phẩm

Đây là câu hỏi được các chuyên gia đưa ra khi quy định “bán thức ăn chín không đeo găng tay bị phạt đến 1 triệu đồng” sắp có hiệu lực.

“Đeo găng mà vừa bốc bún, bốc than, lại vừa đếm tiền liệu có sạch hơn tay trần?” - 1

Từ 20/10, những người bán thức ăn chín không đeo găng tay sẽ bị phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng

Từ tháng 20/10//2018, Nghị định 115/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực.

Đáng chú ý, trong Nghị định quy định sẽ tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố.

Theo Điều 16 của Nghị định, nếu vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố sẽ bị phạt tiền từ từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay…

Trao đổi với PV về điều này, PGS.TS.Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa cho rằng, quy định ít có tính khả thi. Quy định đưa ra chưa thật chặt chẽ và vẫn còn hình thức.

Ông Thịnh phân tích, sau khi quy định có hiệu lực, các cửa hàng, nhà hàng ăn uống sẽ thường xuyên được các cơ quan chức năng kiểm tra về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, người bán hàng sẽ đeo găng tay để đối phó.

“Đeo găng tay là hình thức để đoàn kiểm tra thấy người bán đồ ăn chín có đeo khi bán thực phẩm chín nhưng sau khi đoàn kiểm tra đi, họ lại tháo ra hoặc nếu có đeo thì người ta lại dùng chính cái đôi găng tay bốc bún, bánh phở để bốc than, đếm tiền. Liệu hỏi, lúc đó có đảm bảo vệ sinh và cơ quan chức năng sẽ xử phạt như thế nào”, ông Thịnh băn khoăn.

Chuyên gia về công nghệ thực phẩm cũng cho rằng, quy định đưa ra chưa cụ thể; Quy định không yêu cầu đeo găng tay bán thức ăn chín dùng trong thời gian cụ thể cho một đôi găng tay là bao lâu. Đôi găng tay bán thức ăn chín được phép dùng trong 1 tháng hay 1 năm hay nhiều năm?

Ngoài ra, nếu đã là quy định thì phải chặt chẽ, cần đưa “quy định tay không sạch không được đeo găng” vì tay không sạch mà lồng găng thì nơi đây chính là ổ vi khuẩn, chứa nấm tấn công sức khỏe của thực khách.

Một chuyên gia sinh hóa cũng cho rằng, quy định ít khả thi. Bởi ở nhiều người bán hàng có thể đối phó hoặc tỏ ra có ý thức hơn khi đeo găng tay khi bốc đồ ăn chín để chế biến cho khách. Thế nhưng, nhiều người đeo găng chỉ để phục vụ cho chính họ. Bởi bàn tay đeo găng đó không chỉ bốc thức ăn chín, mà còn dùng để cầm tiền, cầm nắm những đồ vật khác.

"Như vậy, chẳng qua người bán hàng đeo găng tay để tay mình sạch và đối phó với cơ quan chức năng, còn đồ ăn cho khách có bị nhiễm khuẩn như thế nào cũng không quan tâm", vị chuyên gia cho hay. 

Cũng theo chuyên gia này, quy định cần đưa loại găng tay nào được dùng để bán thức ăn chín, thời gian dùng bao lâu…Bởi những găng tay loại nilon tái chế thường có những hạn chế nhất định trong quá trình sử dụng. Đặc biệt là đối với nhiệt độ.

Khi sử dụng găng tay loại nilon tái chế ở nhiệt độ cao sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, có thể sẽ hòa tan một số chất độc hại trong nilon vào thực phẩm nếu sử dụng nilon tiếp xúc với trực tiếp với thực phẩm ở nhiệt độ cao nhất là đối với những loại nilon tái chế để sử dụng một lần, vì đó là những loại nilon chứa nhiều chất độc hại hơn các loại nilon khác.

Không dừng lại ở đó, trong các loại nilon tái chế có chứa các chất hóa dẻo, đây được xem là có yếu tố gây độc cho thực khách nhiều nhất.

Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng vệ sinh bàn tay của những người chế biến thực phẩm đường phố, tỉ lệ bàn tay nhiễm vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác, trong đó có khuẩn tả lên tới 70 - 80%.

Theo đó, nếu hực khách nếu ăn thực phẩm được chế biến từ những bàn tay bẩn như vậy sẽ phải chịu nhiều nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, nhẹ thì buồn nôn, đau bụng; nặng thì phải vào viện cấp cứu; thậm chí những trường hợp ăn phải chất kịch độc có thể nguy hiểm đến tính mạng, hoặc chịu ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Nếu ai có sức đề kháng kém, nhất là trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, sẽ dễ có biểu hiện ngộ độc hơn những người khác.

Từ 20/10, bán thức ăn chín không đeo găng tay bị phạt đến 1 triệu đồng

Theo quy định, những người bán thức ăn nhưng không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn, bán thức ăn chín không đeo găng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
An toàn thực phẩm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN