Đến hẹn lại... lụt, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội phân trần

Sự kiện: Tin ngắn

Liên quan đến việc nhiều khu vực quanh hồ Gươm bì bõm trong nước ngập sau trận mưa lớn chiều 17/8, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã có lý giải về tình trạng này.

Đến hẹn lại lụt

Khoảng tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội bắt đầu vào mùa mưa, cũng là lúc các tuyến phố nội đô lại chìm sâu trong nước. Khiến nhiều phương tiện, đặc biệt là xe máy đi lại khó khăn, những chuyện trôi xe, chết máy khiến người dân bì bõm dắt bộ qua "biển nước" là chuyện thường xuyên xảy ra.

Người dân Hà Nội bì bõm dắt xe sau cơn mưa chiều ngày 17/8

Người dân Hà Nội bì bõm dắt xe sau cơn mưa chiều ngày 17/8

Mới đây nhất, chiều ngày 17/8 Hà Nội hứng chịu cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ trút xuống nhiều quận nội thành, khiến nhiều con đường như Tràng Tiền, Lý Thường Kiệt, Phan Bội châu, Phạm Ngọc Thạch... của Thủ đô ngập sâu trong nước, có đoạn ngập quá nửa bánh xe máy. Giữa cơn mưa như trút nước, nhiều phương tiện đã bị chết máy, người tham gia giao thông buộc phải dắt xe đi bộ lội qua đoạn đường nước ngập.

Lý giải về thực trạng trên, ngày 18/8 ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, chiều 17/8 lượng mưa lớn tập trung ở khu vực trung tâm Hà Nội đã khiến nhiều khu vực xung quanh hồ Gươm bị ngập. Đây là hiện tượng không thường xuyên, khoảng 4-5 năm trở lại đây mới gặp.

Theo ông Hùng, các trạm đo mưa của đơn vị ghi nhận trận mưa lớn chiều 17/8 tập trung ở khu vực trung tâm. Cụ thể, tổng lượng mưa trong ngày ở quận Hoàn Kiếm là 142,6 mm, ở quận Ba Đình là 121,3 mm, ở quận Hai Bà Trưng là 110,2 mm...

Khu vực xung quanh Hồ Gươm biến thành sông do ngập úng

Khu vực xung quanh Hồ Gươm biến thành sông do ngập úng

Do lượng mưa lớn trong thời gian ngắn nên mực nước trong hồ Gươm cũng tăng cao 24 cm. Mưa lớn khiến các cống không kịp thoát nước, công ty đã huy động nhiều xe chuyên dụng hỗ trợ tại nhiều điểm bị ngập. Tuy nhiên, sau khi mưa tạnh thì nước rút ngay.

Nhằm hạn chế tình trạng ngập úng tại Hà Nội, ngay từ đầu quý I/2020, công ty đã yêu cầu các đơn vị khác cũng triển khai các giải pháp duy tu, duy trì, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thoát nước.

Đồng thời, điều hành hệ thống thoát nước, trong đó, hoàn thiện hồ sơ vận hành, tích hợp được số liệu hiện có, lắp đặt thêm các điểm đo mực nước tự động trên sông, hồ. Thiết lập danh sách tra cứu điểm ngập úng, kịch bản điều hành cho từng tình huống… để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa.

Loay hoay xử lý úng ngập nội đô

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn tồn tại 12 điểm úng ngập. Trong đó có 6 điểm không giảm được ngập úng gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Đại lộ Thăng Long. Nguyên nhân không thể khắc phục do bất lợi về địa hình, xa nguồn xả.

Ông Hoàng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay hệ thống thoát nước tại các quận nội thành Hà Nội có diện tích 300km2, hệ thống thoát nước chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục đã được thành phố phê duyệt.

"Với cường độ mưa năm nay trong khoảng từ 50-100mm/2h các 12 "điểm đen" úng ngập trên vẫn chưa được khắc phục. Với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2h thì tình trạng này sẽ hạn chế hơn, chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố", ông Thắng nói.

Hà Nội còn 12 "điểm đen", cứ mưa lớn xuống sẽ úng ngập

Hà Nội còn 12 "điểm đen", cứ mưa lớn xuống sẽ úng ngập

Để chủ động ứng phó với sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có (hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I/2020).

Các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cũng được chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải toả ách tắc giao thông khi có mưa lớn. Toàn bộ nhân lực trực 24/24 để điều động, giải quyết thoát nước khi mưa xuống.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng khuyến nghị, người dân nên cập nhật phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh để nhận cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, gửi thông tin sự cố khi cần hỗ trợ...

Nguồn: [Link nguồn]

Trung tâm Hà Nội biến thành “biển nước” sau cơn mưa chiều

Trận mưa lớn chiều nay (17/8) đúng vào giờ cao điểm khiến nhiều tuyến phố Hà Nội ngập nặng, nhiều phương tiện kẹt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nguyễn ([Tên nguồn])
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN