Đêm hãi hùng trên “cỗ quan tài bay”

Càng về khuya, những chuyến xe khách chạy càng đông. Nhất là thời điểm 0h trở về sáng, hàng trăm chuyến xe lũ lượt trên quốc lộ 1A chở hàng nghìn lượt khách về Thủ đô. Không ít hành khách chỉ biết “nín thở” khi đã trót đi trên những chuyến xe được mệnh danh là những “cỗ quan tài bay”.

Đêm hãi hùng trên “cỗ quan tài bay” - 1

Khách phải đứng trên xe S.C từ Nghệ An ra Hà Nội. (ảnh chụp tháng 2/2016).

Vượt 230 cây số chỉ trong 2,5 giờ

20h30 một ngày cuối tháng 7, PV bước lên xe khách giường nằm S.C 42 chỗ chạy từ ngã tư thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu, Nghệ An) để ra Hà Nội. Trên xe có 2 lái xe, một phụ xe và khoảng 10 khách.

Khác với không khí gấp gáp ở trong các bến xe, chiếc xe xuất bến chạy thong dong vừa đi, vừa bắt khách và vòng vo “du lịch” khắp huyện. Phụ xe thẳng thắn: “Đi đón khách, đủ mới chạy”. Một khách trên xe, có vẻ nhiều kinh nghiệm lên tiếng: “Các thanh niên ngủ đi, 12h mới chạy. Xe khác chạy trước cũng ra Hà Nội cùng lúc thôi”.

Những hành khách lên sớm để tìm được chỗ nằm như chúng tôi phải chịu cảnh xe chạy từ xã này đến xã khác bắt khách. Thỉnh thoảng phụ xe lại giở giọng tục tĩu mắng chửi một khách nào đó qua điện thoại vì hẹn sai địa điểm hoặc đến phút cuối hủy lịch ra Hà Nội.

23h42, giường nằm của xe S.C đã đầy. Một số khách nói với nhau, “hôm nay Chủ nhật, nhiều người ra Hà Nội nên xe nhanh đủ ghế”. Tuy nhiên, lái xe vẫn cố chạy lòng vòng đón khách. Theo thời gian, trên xe đông dần, hết giường nằm, những hành khách lên sau phải chịu khó nằm ở các… lối đi. Cho đến khi, khách ở các lối đi không đủ không gian để duỗi chân mà phải ngồi co chân cho đỡ tốn diện tích thì phụ xe dõng dạc: “Thủ đô thẳng tiến thôi”. Đáp lại những lời than vãn của khách, phụ xe nói như giãi bày: “Bà con thông cảm, cả tuần được mỗi đêm cuối tuần đông khách. Mai bà con đi, tôi cho 1 người 2 giường”. Đếm qua, chiếc xe giường nằm 42 chỗ của nhà xe S.C có gần 60 người cả khách lẫn lái xe, phụ xe. Lúc này, đồng hồ đã điểm qua ngày mới được 30 phút.

Anh Nguyễn Thành ở thị trấn Cầu Giát cho biết, hôm mùng 6 Tết Nguyên đán, anh cũng có mặt trên xe này để trở lại Hà Nội làm việc, trên xe còn có tới 80 người. 1 giường 2 người ngồi quay mặt vào nhau. Nhà xe phát ghế nhựa ngồi ở lối đi, hết ghế có nhiều khách như anh Thành còn phải đứng. “Nhớ lại vẫn thấy sợ, cả chuyến đi như cực hình, vừa mỏi chân, vừa lo xe có chuyện gì thì chỉ có chết, không chen mà thoát ra được”, anh Thành nói.

Trong giấc ngủ tranh thủ chập chờn, chúng tôi chợt nghĩ làm thế nào mà những chuyến xe quá số người quy định như thế vẫn “lọt” qua các chốt CSGT có đầy ở trên đường?! Chợp mắt được một lúc đã thấy phụ xe đá chân mạnh vào giường: “Ê! Dậy xuống xe. Đến nơi rồi”. Phụ xe thông báo, ai đi bến Mỹ Đình ngồi yên trên xe. Ai đi bến Nước Ngầm xuống nhận hành lý. Thì ra, nhà xe S.C có 2 xe từ Nghệ An ra 2 bến của Hà Nội. Và chuẩn bị vào Thủ đô, các lái xe hẹn nhau trao đổi khách. Hàng chục khách lục đục trong đêm vắng chuyển lên xe mới, tôi nhìn đồng hồ giật mình mới hơn 3 giờ sáng.

“Quan tài bay” vì sợ chậm chân, mất khách

Đêm hãi hùng trên “cỗ quan tài bay” - 2

Xe khách vượt nhau trong đêm tối. Ảnh: H.P

Do giật mình với thời gian chạy từ Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra Hà Nội (230km) chỉ mất 2 tiếng 30 phút, để tận mục “trình” chạy xe của các “xế” chuyên nghiệp, chúng tôi trở lại Nghệ An một lần nữa. Đang đứng chờ bắt xe, một bác xe ôm gợi ý: “Đưa thêm 10.000 đồng, tôi chở ra đầu cao tốc, lên xe chạy luôn, không phải đợi”. Đầu đường cao tốc Pháp Vân tối khuya, người đứng chờ xe khá đông. Các chuyến xe giường nằm liên tiếp “xi nhan” ra, vào đón khách. Chúng tôi bước lên xe H.K chạy tuyến Hà Nội – Vinh – Nghệ An, phụ xe có vẻ vui tính, đon đả: “Chào mừng lên máy bay mặt đất”(?).

Sau khi đủ khách, lái xe bắt đầu đạp ga tăng tốc. Nhìn qua cửa kính, trên tuyến quốc lộ 1A càng khuya những chuyến xe ra – vào giữa Thủ đô và các tỉnh miền Trung càng đông. Phụ xe H.K cho biết, chủ yếu xe chạy đêm, vừa nhanh, vừa tiết kiệm thời gian cho khách.

Trong đêm tối, hàng loạt cú phanh gấp xé toang màn đêm yên tĩnh, còi réo inh ỏi, đèn xi nhan chớp tắt, chớp đỏ liên hồi. Hành khách trên xe chốc lại bị thức tỉnh bởi cú phanh gấp, hoặc do tài xế buông lời chửi lái xe khách khác cùng hành trình. Mọi người gặp một phen hú vía khi xe về đến Phủ Lý, TP.Ninh Bình. Xe phanh gấp, đầu xe như cắm xuống mặt đường rồi đảo hẳn về vỉa hè bên phải. Thì ra sau một hồi lâu tài xế quyết vượt qua chiếc xe container phía trước nhưng không thành. Mọi người đều tỉnh giấc, nhốn nháo hỏi nhau chuyện gì. Phụ xe trấn an: “Không việc chi mô (Không việc gì cả - PV), thằng “Công” (Container) chạy bố láo, bà con yên tâm ngủ tiếp nhé”.

Trong suốt 4 giờ lăn bánh từ Hà Nội đáp xuống bến xe Vinh (Nghệ An), hành khách liên tục được dịp “luyện thần kinh thép” khi xe cứ lao đi, mà có lúc vận tốc lên đến 100km/h, rồi đột ngột phanh gấp. Xe đánh võng trên mặt đường, lúc lao về trái, lúc nghiêng về phải như say rượu mặc cho nhiều đoạn đường khá gồ ghề.

Chúng tôi hỏi phụ xe: “Chạy tốc độ cao gặp CSGT tuýt còi thì sao?” anh ta cười: “Chạy nhiều nên nhắm mắt cũng thuộc làu làu chốt công an đứng. Khuya khoắt thế này, đoạn đường vắng, không có cảnh sát giao thông các xe khách mới dám chạy nhanh, chứ ban ngày có mấy ông (CSGT – PV) đứng canh, lại hay bắn tốc độ, cho tiền nhà xe, tài xế cũng chả dám đua”. Phụ xe này cũng cho biết, ban đêm lỡ có bị CSGT hỏi cũng dễ “xin xỏ” hơn.

Thật rùng rợn khi đêm đêm, hàng nghìn lượt khách ra, vào từ Hà Nội – các tỉnh miền Trung phải gửi tính mạng của mình cho những “cỗ quan tài bay” này!

Theo tìm hiểu, hành trình Hà Nội – Nghệ An đi ban ngày thường mất hơn 6 giờ đồng hồ nhưng khi chạy buổi tối chỉ mất khoảng hơn 4 giờ. Tôi hỏi phụ xe, 300 km, cả dừng đón và cho khách xuống sao nhanh vậy thì thì phụ xe cười: “Trừ một số nhà xe chạy đúng lịch trình. Còn lại đa số đều nhanh vậy. Chậm chân mất khách. Đường đẹp, đêm vắng, đạp nhanh thì nhanh về nhà. Khách ai cũng muốn nhanh về còn gì”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương (Báo Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN