Đề thi Văn giúp thí sinh thể hiện lòng yêu nước

Ở đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn, câu 1 vừa mang tính thời sự vừa khơi gợi tình yêu Tổ quốc để học sinh bày tỏ thái độ của mình. Còn câu 2 định hướng nhân cách cho học sinh trong cuộc sống hiện đại.

Sáng 2/6, hơn 900.000 sĩ tử trên cả nước đã bước vào làm bài thi môn Văn. Sau giờ thi, nhiều học sinh bước ra khỏi phòng thi với nụ cười tươi.

Cô Ngô Lan Hương, giáo viên dạy Văn trường THPT Đoàn Kết Hai Bà Trưng, Hà Nội nhận xét về đề thi môn Văn năm nay: Trong phần đọc hiểu văn bản có đưa ra nội dung Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của mình.

Nội dung này mang tính thời sự cao. Ý 1 và ý 3 của phần này nhiều học sinh sẽ làm tốt nhưng để làm tốt được ý 2, các em cần nắm chắc đặc trưng của các loại phong cách ngôn ngữ của văn bản, đồng thời phải có khả năng phân tích được nghệ thuật dùng từ của tác giả. Khi làm câu hỏi này, các em học sinh đã phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ lòng yêu nước của mình.

Tuy nhiên ở câu hỏi đọc hiểu vẫn có hạn chế, đề bài không có yêu cầu về giới hạn số dòng dành học sinh. Bởi một đoạn văn có thể có 3 đến 4 câu, thậm chí là 15 câu. Như vậy, khi chấm thi giáo viên sẽ gặp khó khăn.

Theo nhận xét của cô Bùi Nguyệt Hồng, giáo viên Văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn 2014 vừa có tính thời sự vừa có giá trị nhân văn. Đề Văn đã kiểm tra được năng lực thực sự của học sinh, giúp các em bày tỏ quan điểm chính kiến của người dân Việt Nam.

Đề này không bất ngờ đối với các em học sinh vì nhiều giáo viên đã ra các dạng đề như vậy trước kỳ thi tốt nghiệp. Thậm chí ở một số lớp, giáo viên đã từng cho học sinh thi thử nội dung liên quan đến biển đảo. Trong câu này, học sinh làm tốt phải  nêu được ý kiến bảo vệ chủ quyền nhưng gắn liền với khát vọng hòa bình. Vì vậy, trong mỗi hành động cần phải có sự tỉnh táo, sáng suốt, trí tuệ.

Đề thi Văn giúp thí sinh thể hiện lòng yêu nước - 1

Đề thi tốt nghiệp môn Văn

Trong khi đó, ở câu hỏi 7 điểm - phần Làm văn có hỏi về vở kịch I của tác giả Lưu Quang Vũ. Cô Lan Hương đánh giá, điểm mới của đề thi này là không tách phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học thành hai câu hỏi riêng biệt mà tích hợp trong một câu. Cách hỏi này vừa kiểm tra được kiến thức về văn bản văn học đồng thời lại đánh giá được kĩ năng làm bài văn nghị luận của học sinh. Trong thời gian làm bài 120 phút (ít hơn 30 phút so với năm 2013) thì việc tích hợp các nội dung kiểm tra kiến thức, kĩ năng trong một câu hỏi tổng hợp như vậy là phù hợp.

“Đề thi năm nay ở mức trung bình, không khó hơn so với năm 2013. Nhìn tổng thể, với đề Văn này học sinh dễ dàng đạt điểm trung bình trở lên, còn điểm 8 hoặc 9 sẽ ít”, cô Hương nói.

Cô Đỗ Thị Ngọc Anh, giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cho rằng, tác phẩm kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt vẫn nằm trong chương trình giảng dạy. Câu hỏi làm văn khá thú vị vì khiến cho văn học gần gũi hơn với đời sống, nâng tầm học sinh nghĩ đến giá trị của cuộc sống.

Nhận xét về đề thi năm nay, cô giáo Hồng nói: “Tôi thấy đề thi như thế này sẽ vô hiệu hóa tài liệu, chỉ vận dụng được kiến thức chứ học sinh không thể chép ở đâu. Như vậy, với đề thi “dễ thở”, học sinh cũng dễ dàng đạt điểm trên trung bình".

Tiến sĩ Văn học Trịnh Thu Tuyết cho biết thêm, đề thi năm nay ra theo hướng mở, tạo sự hứng thú, khả năng sáng tạo và năng lực tư duy độc lập cho thí sinh. Đề bài vừa cập nhật được vấn đề thời sự đang được người dân quan tâm vừa giúp học sinh thể hiện được quan điểm, thể hiện lòng yêu nước. Đặc biệt, giúp học sinh định hướng đúng đắn để không có những phát ngôn, ý kiến quá khích làm ảnh hưởng tới tâm thế chung của cộng đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN