ĐBQH: "Ngày càng nhiều cán bộ lười nhác muốn làm lãnh đạo"

Sự kiện: Họp Quốc hội

Vì sao công chức lười nhác lại ham làm lãnh đạo ngày càng nhiều? Vì sao bộ máy quản lý nhà nước vẫn “phình to”, chất lượng cán bộ công chức suy giảm…?

Đó là những vấn đề đặt ra đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn trước Quốc hội sáng nay, 18/11.

ĐBQH: "Ngày càng nhiều cán bộ lười nhác muốn làm lãnh đạo" - 1

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho biết, dư luận phản ánh hiện nay những người có năng lực không vào nhà nước làm việc và nếu có vào thì một thời gian cũng ra khỏi khu vực này ngày càng nhiều. Ngược lại, người kém năng lực lại gia tăng ở khu vực nhà nước. Chính điều này làm gia tăng con người hành chính “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

“Vì sao số công chức tận tâm với công việc, sáng tạo trong công tác ngày càng ít, nhưng số công chức lười nhác chỉ “một dạ, hai vâng” nhưng lại ham muốn trở thành lãnh đạo ngày càng nhiều? Đây có phải là nguyên nhân chính làm gia tăng bộ máy hành chính và cũng là nguyên nhân của tội phạm tham nhũng?”, đại biểu Đỗ Văn Đương thẳng thắn.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho rằng, cơ chế sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng với trình độ năng lực của từng người; cơ chế thưởng phạt cũng chưa nghiêm; chế độ đánh giá chưa đổi mới gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chế độ tiền lương, đãi ngộ còn chậm; việc tuyển đầu vào cũng chưa hiệu quả, không tuyển được người có năng lực, tâm huyết.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, trong thời gian tới, Bộ sẽ đổi mới cơ chế đánh giá phân loại cán bộ công chức, viên chức nhằm trọng dụng người có tài năng, làm được việc.

Bên cạnh đó, những người không có năng lực, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện chế độ miễn nhiệm, chuyển vị trí công tác, tinh giản biên chế đối với những người không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Bình cũng cho biết, đề án về tinh giản biên chế được Bộ Chính trị giao, Bộ Nội vụ cũng đã thông qua tập thể Bộ Chính trị và Bộ Chính trị cũng thống nhất thông qua, giao cho Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án, hoàn thiện tờ trình để xin ý kiến Trung ương trong kỳ họp tới

Ngoài ra, đề án tạo nguồn nhân lực từ sinh viên tốt nghiệp giỏi xuất sắc, nhà khoa học trẻ cũng đã được xây dựng, đặt mục tiêu từ nay tới 2020 tuyển 1000 cán bộ nguồn; đề án đãi ngộ người tài cũng đang được trình Chính Phủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN