"Đăng ảnh cổ súy hành vi giết khỉ cũng phải phạt nặng"

Đại diện Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho rằng việc đăng tải hình ảnh giết mổ loài vật hiền lành, có hình dáng gần giống con người lên mạng xã hội như một chiến tích là hành động vô nhân tính.

Liên quan đến những hình ảnh giết khỉ dã man gây bức xúc dư luận trong mấy ngày qua, trả lời báo chí ngày 13.1, ông Lê Ngọc Hữu, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho biết, chưa đủ căn cứ để xử phạt Chu Văn Cường (SN 1990, trú thôn Lam Sơn, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai), người đăng những tấm hình này lên mạng xã hội. Lý do, Cường không tham gia giết mổ khỉ để nấu cao mà chỉ là người chụp ảnh rồi đưa lên mạng nên không đủ cơ sở để xử phạt theo pháp luật.

Chủ nhân thật sự của số khỉ bị giết hại để nấu cao được tung lên facebook là ông Lê Bá Thuận (SN 1966, cùng quê với Cường) khai nhận mua 6 con khỉ với giá 3 triệu đồng từ một người dân ở huyện Nghĩa Đàn về để nấu cao sử dụng.

"Đăng ảnh cổ súy hành vi giết khỉ cũng phải phạt nặng" - 1

Những chú khỉ trước khi bị đem giết mổ

Theo bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách Luật, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV), việc đăng tải những hình ảnh giết khỉ trên mạng xã hội, kèm theo nội dung “mời gọi” mọi người liên hệ là hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng.

ENV cũng là đơn vị đã chuyển thông tin vụ việc tới Hạt kiểm lâm thị xã Hoàng Mai, Nghệ An.

“Việc đăng tải hình ảnh giết mổ khỉ, cùng nội dung mời gọi mọi người liên hệ có thể coi là hành vi quảng cáo, kinh doanh động vật rừng. Theo Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng. Chúng tôi cho rằng phải xử phạt nặng người đã đăng hình giết khỉ dã man trên Facebook, nhằm răn đe các hành vi tương tự”, bà Hà cho hay.

"Đăng ảnh cổ súy hành vi giết khỉ cũng phải phạt nặng" - 2

Hình ảnh Chu Văn Cường đăng trên Facebook cá nhân

Bà Hà cho biết, hiện trung tâm chưa nhận được thông tin phản hồi chính thức từ phía Hạt kiểm lâm Hoàng Mai. Tuy nhiên, ENV mong đợi các cơ quan chức năng điều tra sâu hơn để tìm ra thêm các đối tượng săn bắt, buôn bán khỉ để kịp thời xử lý.

Là một người hoạt động hơn 10 năm trong lĩnh vực bảo vệ động vật hoang dã, từng chứng kiến rất nhiều vụ động vật bị giết mổ nhưng bà Phạm Phương Dung, Phó giám đốc ENV vẫn “rùng mình” khi nhìn hình ảnh sát hại khỉ dã man. 

“Khi xử lý ảnh để phát đi thông cáo, chúng tôi không dám nhìn và những bức hình quá tàn nhẫn như vậy. Loài khỉ có hình dáng giống với con người, chúng rất hiền lành thân thiện. Không thể tin nổi người ta có thể chụp hình giết mổ để đăng lên mạng xã hội như một chiến tích. Hành động dó thực sự vô nhân tính”, bà Dung chia sẻ.

Khỉ là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB – nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về Danh mục động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

Cũng theo quy định này, mọi hành vi săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt trái phép khỉ đều bị nghiêm cấm. Các đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức.

Mới đây, vi phạm liên quan đến động vật hoang dã loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB cũng đã được đưa vào quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 01/07/2016). Theo đó, vi phạm liên quan đến các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB như khỉ với số lượng lớn có thể bị xử lý hình sự lên đến 12 năm tù.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN