Dân chờ lãnh đạo TPHCM sửa sai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Chiều 14/8, tại buổi họp báo triển khai kế hoạch thực hiện kết luận 1037/KL-TTCP về khu đô thị mới (ĐTM) Thủ Thiêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cam kết chấp hành nghiêm túc kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, tiếp tục thực hiện các chính sách có lợi nhất cho người dân.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

“Cải chính” lại vụ… mất bản đồ

Tại buổi họp báo, UBND TPHCM trưng ra ba bản đồ quy hoạch làm căn cứ xác định khu đất 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch dự án khu ĐTM Thủ Thiêm. Đó là: Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/5000 khu ĐTM Thủ Thiêm ghi ngày 12/6/1995 có đóng dấu của một số cơ quan có liên quan; bản đồ quy hoạch sử dụng đất từ 5-10 năm tỷ lệ 1/5000 ghi ngày 20/11/1995 có đóng dấu của một số cơ quan liên quan và bản đồ sử dụng đất kèm quyết định 13583 của Kiến trúc sư trưởng TPHCM ngày 16/9/1998 về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu ĐTM Thủ Thiêm.

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong “vì sao không trưng ra bản sao bản đồ gốc ban hành kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ mà nhiều lần ông Võ Văn Hoan đề cập khi còn là Chánh Văn phòng UBND TPHCM”, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QHKT) Nguyễn Thanh Nhã nói: Trên cơ sở thông báo kết luận số 1483 năm 2018 của TTCP, Sở QHKT và các sở ban ngành chức năng đã rà soát xác định ranh khu đất theo nguyên tắc xác định trọn thửa và không nhỏ hơn 4,3 ha (thực tế 4,39 ha) để đảm bảo quyền lợi của người dân.

“Chúng tôi không tìm bản đồ. Đến nay không có kết luận nào về việc dự án khu ĐTM Thủ Thiêm bị mất bản đồ. Trên cơ sở xin ý kiến của Trung ương và các bộ ngành chức năng, ngày 13/8 vừa qua, UBND TPHCM đã phê duyệt ranh khu đất 4,3 ha”, ông Nhã tuyên bố.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, khu 4,3 ha căn cứ pháp lý xác định ranh đã có cơ sở và đã được Thủ tướng phê duyệt. TPHCM xác định căn cứ vào các quy định của pháp luật, các bản đồ pháp lý, bản đồ hành chính cũng như tham khảo ý kiến một số bộ ngành. Vì phải xác định vấn đề pháp lý liên quan, cần có quá trình nên mới chậm.

“Chúng tôi căn cứ 2 bản đồ chính của Thủ Thiêm vào các năm 1995, 1997 để làm cơ sở xác định khu đất 4,3 ha nằm ngoài ranh. TPHCM phải thực hiện 3 bước, gồm: Số hóa và quy đồng vì mỗi bản đồ có tỷ lệ khác nhau, trong khi cần phải chồng lên nhau để xác định ranh. Thứ hai là nắn chỉnh, vì có những bản đồ cũ kỹ, nội dung không rõ nên phải nắn chỉnh và căn cứ hệ tọa độ đã xác định đo vẽ vào năm 2003 để xác định tim đường, các góc, ranh các khu đất có biến động hay không.

Cuối cùng là biên tập bản đồ để thống nhất. Quá trình làm, quan điểm của thành phố là nếu tính đúng 4,3 ha thì người dân sẽ bị thiệt vì sẽ lấn vào ranh nhà đất. TPHCM không đụng vào ranh đó. Vì vậy, chọn 4,39 ha là để đảm bảo quyền lợi của dân. Chúng tôi không căn cứ mặt tiền đường mà lấy tim 3 con đường làm chuẩn để xác định, không để người dân bị thiệt”, ông Hoan giãi bày.

Không để dân tiếp tục thiệt thòi

Đối với 5 khu phố thuộc 3 phường người dân đang khiếu nại, cho rằng ngoài ranh quy hoạch, ông Hoan nói kết luận thanh tra không có nội dung này, chỉ yêu cầu khi người dân khiếu nại thì TPHCM kiểm tra có giải quyết đúng pháp luật chưa. Trước khi mời dân lên tiếp xúc, thành phố đã có văn bản hướng dẫn bà con làm đơn khiếu nại để chính quyền rà soát. “UBND quận 2 mời nhưng chỉ có 4 người gặp. Phần lớn nhận thư mời xong lên quận nộp lại. Ngày 15/8, chúng tôi gặp xem có những vấn đề gì chưa tốt, chưa đúng thì cùng trao đổi”, ông Hoan nói.

Về chính sách bồi thường cho người dân khu 4,3 ha, Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng cho biết: Sau khi TTCP công bố kết luận 1483, TPHCM lập tổ công tác liên ngành do chủ tịch UBND quận 2 làm tổ trưởng, đề xuất các chính sách. Tổ công tác họp nhiều lần, đề xuất chính sách với UBND TPHCM và Chủ tịch UBND TPHCM tiếp xúc xin ý kiến người dân.

“Chúng tôi tiếp dân 2 đợt. Đợt đầu là 321 hộ và thời điểm đó chưa có ranh chính thức của khu 4,3 ha. Tổ công tác ghi nhận ý kiến, xem xét đề xuất chính sách và được UBND TPHCM thông qua. Lần tiếp xúc thứ hai, ranh khu 4,3 ha đã xác định với diện tích thực tế là 4,39 ha và 331 hộ dân. Quận đã gửi được thư mời cho 310 hộ, đến tiếp xúc chỉ có 305 hộ. Sau khi tiếp xúc, tổ công tác tiếp thu, hoàn chỉnh chính sách trình thành phố”, ông Hưng cho hay.

Theo ông Võ Văn Hoan, ngày 13/8 UBND TPHCM đã báo cáo Ban thường vụ Thành ủy, chuẩn bị trình chính sách này tại kỳ họp HĐND TPHCM vào cuối tháng 8. Chính sách áp dụng hệ số quy đổi có lợi cho dân. Vừa qua, Chính phủ đồng ý tiếp tục làm dự án trên khu đất 4,3 ha và TPHCM sẽ áp giá bồi thường theo cơ chế giá hiện nay chứ không phải giá hơn 10 năm trước.

“Chúng tôi cũng tham chiếu giá thị trường thả nổi. Nếu lấy theo cơ chế giá thị trường thả nổi thì không thể làm được, phải bám vào các quy định pháp luật có lợi nhất cho dân. TPHCM sẽ tham chiếu giá thị trường tại dự án lân cận và để được lợi cho dân thì quy đổi ra nền đất. Ví dụ 1m2 đất giá bên ngoài 200 triệu đồng thì nhà nước sẽ bồi thường khoảng 50 - 60 triệu đồng. Ngược lại, đơn giá nhà đất tái định cư, dù thuộc khu vực trung tâm, nếu theo giá nhà nước dân chỉ trả 12-15 triệu đồng/m2, trong khi nếu mua bên ngoài thì phải trả 40-50 triệu đồng/m2. Khi tính toán thì thấy tốt hơn cho dân”, ông Hoan cho hay.

Về những thiệt hại vô hình của người dân khu 4,3 ha, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ, ông biết người dân thiệt hại rất lớn do suốt thời gian dài không an cư lạc nghiệp, phải vất vả khiếu nại, thậm chí chi ra số tiền không nhỏ để giải quyết những bức bách của cuộc sống. “Chúng tôi chia sẻ nhưng giải quyết cho bà con như thế nào thì rất khó. TPHCM vẫn còn 10 chính sách hỗ trợ thêm khác. Ngày mai, chúng tôi gặp sẽ nói rõ để mong bà con chia sẻ với thành phố”, ông Hoan nói.

Lãnh đạo UBND quận 2 vô can?

Trả lời Tiền Phong về việc xử lý cán bộ sai phạm, trong đó có lãnh đạo UBND quận 2 ban hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ nhà dân trong khu 4,3 ha trước đây, ông Võ Văn Hoan cho hay: UBND TPHCM đã yêu cầu các sở ban ngành liên quan kiểm điểm. Cán bộ sai phạm thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, có người đang ở xa nhưng sẽ cố gắng đến 30/9 báo cáo kết quả với thường trực UBND TPHCM.Đối với  các cán bộ cấp cao thuộc quyền quản lý của Trung ương, TPHCM không có thẩm quyền xử lý.

Chưa có công trình công cộng, vì cơ chế?

Theo ông Võ Văn Hoan, cơ cấu sử dụng đất tại dự án khu ĐTM Thủ Thiêm đảm bảo chỉ có 29% đất thương mại, 71% là đất công trình công cộng, bao gồm đường giao thông, công viên, quảng trường, nhà hát, vùng Châu Thổ…Giải thích vì sao chưa có công trình công cộng nào hoàn thành, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng: Vì phải đầu tư từ ngân sách nên quy trình kéo dài. Đơn cử như Cung thiếu nhi đã kéo dài 6-7 năm nay.

“Nhà hát có chủ trương từ lâu nhưng đến nay chưa thực hiện. Quảng trường mình thuê tư vấn nước ngoài, mất 2 năm chỉ để tư vấn lập thiết kế, lập dự án và đến nay đã xong. Kết luận thanh tra nói chưa triển khai là chưa đúng. Riêng 128 ha khu lâm viên, TPHCM muốn làm giống Singapore, Hồng Kông để người dân đến vui chơi giải trí và tham quan nhưng thời gian triển khai thủ tục kéo dài, đến nay mới phê duyệt quy hoạch 1/500”, ông Minh giải thích.

TP HCM thực hiện dứt điểm các nội dung liên quan đến Thủ Thiêm trước 31-12-2019

Nghiêm túc nhận thiếu sót, trách nhiệm trong quá trình thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm, UBND TP HCM sẽ triển khai ngay các chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo HUY THỊNH - VĂN MINH - NGÔ BÌNH ([Tên nguồn])
Quy hoạch Thủ Thiêm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN