Dịch virus Corona: Bộ VHTTDL nói gì về ý kiến hủy bỏ các lễ hội đầu năm?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Có ý kiến cho rằng, bằng mọi cách phải chặn dịch Corona như hạn chế mọi người đến nơi công cộng, cấm hoạt động các lễ hội.

Lễ hội tập trung đông người là nơi rất dễ lây lan dịch bệnh.

Lễ hội tập trung đông người là nơi rất dễ lây lan dịch bệnh.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, họ coi tháng Giêng là “tháng ăn chơi”. Chính vì thế, hàng trăm lễ hội lớn, bé ở nhiều địa phương được tổ chức sau Tết Nguyên đán. Cùng với đó, sẽ có hàng vạn người đến các các lễ hội để mong muốn một năm đầy bình yên, may mắn trong các gia đình.

Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm dịch virus Corona lan rộng ở Trung Quốc (tổng số ca lây nhiễm loại virus chết người này lên tới hơn 4.174 người tại Trung Quốc và 106 người chết). 

Việt Nam đã có 2 ca là người Trung Quốc dương tính với virus Corona, đang điều trị tại BV Chợ Rẫy và gần 40 ca đang nghi ngờ nhiễm virus này. Các chuyên gia lo ngại, Việt Nam có nguy cơ bùng phát nếu không được kiểm soát tốt.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa – Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho hay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang soạn thảo văn bản chỉ đạo chung đối với các hoạt động văn hóa thể thao và du lịch.

Trong đó có nội dung yêu cầu Sở văn hóa các địa phương thường xuyên theo dõi công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ y tế, chính quyền địa phương, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch viêm phổi có tên là Corona để kịp thời tuyên truyền đến người dân, du khách và các biện pháp phòng ngừa trong các hoạt động văn hóa, tổ chức lễ hội.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng dịch, chủ động tránh gây hoang mang, dao động cho người dân. Văn bản chỉ đạo của Bộ sẽ được ban hành trong chiều nay hoặc ngày mai (29/1).

Nhiều ý kiến lo ngại đặt câu hỏi rằng, dịch viêm phổi cấp do virus Corona gây nguy hiểm như vậy, Bộ Văn hóa có nên hạn chế hay hủy bỏ các lễ hội tụ tập đông người?

Ông Huy cho biết thêm, hiện tại, đơn vị mới dừng ở mức tuyên truyền về công tác phòng ngừa, phòng chống dịch viêm phổi virus Corona; công tác tổ chức lễ hội, lễ hội truyền thống được tổ chức thường kỳ hằng năm. Còn về ý kiến có nên hạn chế hay hủy bỏ các lễ hội phải do Chính phủ quyết định.

“Muốn công bố dịch hoặc phân vùng có dịch là phải do Bộ y tế hoặc Chính phủ đưa ra. Hiện tại, chúng tôi đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cách phòng dịch cho người dân chứ không thể quyết định được việc có hay không hạn chế công tác tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội đầu năm”, ông Huy thông tin.

Theo vị này, Nghị định 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội cũng quy định rằng, trong trường hợp xảy ra thiên tai dịch bệnh mà ảnh hưởng tới an toàn xã hội cho người dân thì tạm dừng tổ chức lễ hội. Tuy nhiên, việc này phải được sự công bố của Chính phủ.

Ngày 27/1, Tổng cục trưởng Tổng cục Dy lịch ký công văn số 77, tiếp theo công văn số 76 trước đó về triển khai các biên pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra.

Ngay sau cuộc họp của Bộ Y tế ngày 26/1, Tổng cục Du lịch đề nghị các Sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc phải thường xuyên cập nhật, theo dõi chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, chính quyền địa phương về các biện pháp phòng chóng dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona để có các giải pháp đảm bảo sức khỏe, an toàn của khách du lịch và cán bộ, nhân viên trong toàn ngành.

Đối với việc đưa khách du lịch nước ngoài, Tổng cục đề nghị hạn chế tối đa đưa khách du lịch Việt Nam đến các vùng có dịch, nhất là những khu vực đá có khuyến cáo của chính quyền địa phương khi dịch đang diễn biến khó lường tại Trung Quốc.

Đối với việc đón khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, Tổng cục đề nghị kịp thời phối hợp với ngành y tế, các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát khách du lịch có nguy cơ cao theo quy định của Bộ Y tế. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch phối hợp kiểm soát tình hình dịch bệnh với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe của du khách và vì lợi ích chung của cộng đồng.

Trao đổi với PV về việc có nên cấm các hoạt động lễ hội trong thời điểm virus Corona đang lây lan, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, thời điểm này Việt Nam chưa nên cấm các lễ hội.

“Việt Nam mới phát hiện 2 ca dương tính với virus Corona là 2 cha con người Trung Quốc và hơn 30 ca đang nghi ngờ với virus Corona, nên tình trạng này chưa đến mức báo động. Do đó, chưa nên cấm người dân tham gia các lễ hội. Ngăn cấm như vậy khác nào cấm người ta không được đi chợ”, ông Sơn nói.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng, thời điểm này chưa cần cấm mọi người tham gia các hoạt động lễ hội.

Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Hữu Sơn cho rằng, thời điểm này chưa cần cấm mọi người tham gia các hoạt động lễ hội.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Trần Hữu Sơn, mọi người nên bám sát các thông tin của bộ, ngành và các cơ quan chức năng khuyến cáo để tham gia các hoạt động văn hóa lễ hội cho phù hợp.

Đồng quan điểm, BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, chỉ nên khuyến cáo người dân chứ không thể cấm được.

BS Trần Văn Phúc phân tích, Việt Nam mới chỉ có những ca bệnh rải rác trong khi đó, WHO chưa đưa ra cảnh báo du lịch ngoài lãnh thổ Trung Quốc, chưa có quốc gia nào cấm du lịch. Mà du lịch thì người ta phải tìm đến lễ hội, tìm đến điểm tham quan, nơi đó tất nhiên đông người. Do đó, để cẩn thận, chúng ta chỉ nên khuyến cáo hạn chế đến chỗ đông người (lễ hội).

BS Phúc cũng khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang, tránh xa người hắt hơi, ho và đeo khẩu trang.

“Tôi đã đi qua phủ Tây Hồ, Hà Nội và đến mấy đền chùa, đến những điểm tham quan, di tích, thắng cảnh thấy khách nước ngoài thì phát hiện ra người châu Á hầu hết đeo khẩu trang, còn người châu Âu giống người Việt hầu hết không đeo và đeo rất ít, hoặc có đeo khẩu trang thì đeo không đúng cách. Điều này rất khó để phòng bệnh”, BS Phúc cảnh báo.

Hai loại virus nguy hiểm là Corona với kích thước khoảng 150-200nm và cúm Influenza A có kích thước 80-120nm, các virus này chủ yếu cư trú trong giọt nước bọt lớn, nên dùng khẩu trang y tế đúng cách cũng sẽ ngăn chặn virus rất hiệu quả.

BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, chỉ nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở chỗ đông người. 

BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, chỉ nên khuyến cáo người dân đeo khẩu trang ở chỗ đông người. 

Khuyến cáo cách sử dụng khẩu trang y tế để chặn virus Corona

- Chỉ sử dụng 1 lần rồi vất vào thùng rác an toàn.

- Khi đeo khẩu trang phải lộn mặt xanh ra ngoài: Đeo khẩu trang y tế cần lưu ý là mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt bắt vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống, vì thế mà đeo mặt này ra ngoài. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.

- Khẩu trang phải kín cả mũi lẫn miệng.

- Quá trình mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào: Vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang, vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó bệnh truyền lại cho chính mình và những người xung quanh.

- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai: Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang, những thói quen lấy tay vo khẩu trang lại đã gây nhiễm cho bàn tay, khẩu trang tháo ra cho vào thùng rác an toàn.

“Điều cuối cùng tôi muốn lưu ý, là hạn chế bắt tay khi không cần thiết, đặc biệt là bắt tay khi uống rượu. Khẩu lệnh “1,2,3… dô… 1,2,3,…. uống…” càng to càng tốt, ngửa mặt lên trời hô, nước bọt bắn tung toé rất nguy hiểm; rồi bắt tay nhau, đó là cách lây bệnh không thể dễ dàng hơn”, BS. Phúc cảnh báo.

Do đó, mọi người nên nhớ, thiếu hiểu biết là thứ virus dễ lây lan và nguy hiểm nhất.

Thủ tướng: Chống dịch như chống giặc

Tại cuộc họp về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) ngày 27/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chống dịch như chống giặc. Thông tin thường xuyên, nhất là các biện pháp phòng ngừa chủ động, không gây hoang mang, dao động cho người dân cũng như khuyến nghị người dân không đến các nơi tập trung đông người.

“Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính đều có máy đo thân nhiệt để kiểm soát một bước. Bộ Y tế công khai các cơ sở điều trị để người dân biết. Các công ty lữ hành, hãng hàng không không đưa, đón khách từ vùng có dịch.

Cấm đi lại ở đường mòn, lối mở. Việc đi lại ở cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính phải được kiểm soát thân nhiệt và những biện pháp khác như khai báo y tế bắt buộc.

Trang bị khẩu trang cho lực lượng biên phòng, an ninh, hải quan ở cửa khẩu. Nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam và các vùng trong cả nước….

Nguồn: [Link nguồn]

Khánh Hòa ngừng đón khách Trung Quốc vì virus Corona Vũ Hán

Hôm nay (28-1 ), TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chính thức ngừng toàn bộ việc đưa khách Trung Quốc đến du lịch để ngăn chặn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu- Minh Đức ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN