Đại biểu QH Nguyễn Thị Quyết Tâm rơi nước mắt trên nghị trường khi nói về công nhân

Sự kiện: Thời sự

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đã rơi nước mắt trên nghị trường Quốc hội sáng nay 23-10 khi nói về quy định tăng giờ làm thêm đối với công nhân lao động.

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm nghẹn ngào khi phát biểu về người lao động

Hôm nay 23-10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Trong phần phát biểu buổi sáng nay, những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau như giảm giờ làm việc bình thường, tăng giờ làm thêm tối đa, tăng ngày nghỉ lễ, tết tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu.

Đặc biệt, sau phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM), nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM, đã bấm nút xin tranh luận và bà đã dành trọn 3 phút phát biểu của mình để phản bác lại quan điểm của ĐB Vũ Tiến Lộc về tăng giờ làm thêm lên 400 giờ/năm và giữ nguyên giờ làm việc bình thường như hiện nay 48 giờ khi ông Lộc cho rằng đây là quy định "hợp lí, nhân văn".

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đã rơm rớm nước mắt vì xúc động khi phát biểu về người lao động

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đã rơm rớm nước mắt vì xúc động khi phát biểu về người lao động

Trong phần phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đã rơm rớm nước mắt vì xúc động. ĐB Quyết Tâm cho rằng: "Nhân văn và tự nguyện trên cơ sở nào và nói đến tự nguyện thì chúng ta nghe từ đâu?".

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nếu nói rằng người lao động tự nguyện làm thêm giờ, thì đây là chuyện lạ và bà thật sự bất ngờ với ý kiến của ĐB Vũ Tiến Lộc. "Tôi nghe từ công nhân và những cán bộ Công đoàn nói rằng công nhân không muốn làm thêm giờ, dù thực tế họ cần làm thêm giờ".

"Vậy thì chúng ta phải trả lời câu hỏi vì sao người công nhân cần làm thêm giờ?" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói và cho biết câu hỏi quá dễ trả lời và quá dễ thấy trong thực tiễn, vì tiền lương và thu nhập hiện nay chưa đủ trang trải cuộc sống tối thiểu cho họ và gia đình.

"Chúng ta phải nhìn vào thực tế đời sống của họ, nhìn vào dáng vẻ, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Nhìn vào cuộc sống thực tế của họ. Hãy nhìn vào những đứa trẻ - con của họ" - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm rơi nước mắt trong khi phát biểu trên nghị trường.

"Có thể có những người cha, người mẹ, ông bà già rồi vẫn phải trông cháu cho con đi làm việc. Họ không cam chịu, họ không muốn trở thành gánh nặng của xã hội. Họ phải đi tìm việc làm. Nếu nói họ tự nguyện để làm quần quật cả ngày thì tôi cho rằng cần phải tranh luận để làm sáng rõ. Họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm để có thu nhập" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm xúc động nói.

"Vậy thì vai trò của Quốc hội ở đây là gì? đó là phải làm chính sách để cho người công nhân có thu nhập đủ sống, để họ có cơ hội nghỉ ngơi, học tập, giải trí, chăm sóc gia đinh, thực hiện các quyền con người mà pháp luật quy định. Vậy khi đại biểu phát biểu có nghĩ đến các quy định trong Hiến pháp về quyền con người hay không? Hãy nghĩ đến trách nhiệm của giới chủ và người sử dụng lao động về tình người đối với người lao động"- ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận.

Trong phần cuối tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: Nhân văn ở đây là gì, nhân văn là phải bảo vệ người lao động. Nhân văn ở đây là tình người trong sử dụng lao động. "Tôi xin nhắc lại rằng, sức cạnh tranh của nền kinh tế không nên chỉ là sức của người lao động mà còn là đổi mới công nghệ, năng lực quản trị, điều kiện làm việc. Tiến bộ xã hội ở đâu khi chúng ta tăng giờ làm, giảm thu nhập?" - bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề.

ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) phát biểu

ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) phát biểu

Cũng chung quan điểm, ĐB Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc) cho biết bà từng có gần 10 năm làm ở doanh nghiệp có gần 5.000 lao động, do đó bà thấu hiểu người lao động. Về tăng giờ làm thêm tối đa, ĐB Thường khẳng định dù nhu cầu hai phía là có thật, tuy nhiên dù quy định pháp luật là "tự nguyện, tự thỏa thuận" nhưng nữ đại biểu cho rằng nếu người lao động không chấp hành yêu cầu của doanh nghiệp làm thêm sẽ bị gây khó dễ, cắt thi đua, phụ cấp, thậm chí bị sa thải. "Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của xã hội. Do đó đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần hiện nay xuống 44 giờ; không tăng giờ làm thêm tối đa.

Kết thúc bài phát biểu của mình, ĐB Phùng Thị Thường khẳng định người lao động không mong muốn làm thêm giờ. "Giảm giờ làm cũng là để phù hợp với quy định của Hiến pháp. Là một đại biểu có gần 10 năm làm việc ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tôi đã chứng kiến đời sống của công nhân lao động vất vả, khó nhọc với những bữa ăn sáng tồi tàn để rồi phải làm việc mỗi ngày từ 10 - 12 giờ trong nhà máy, không biết gì đến đời sống bên ngoài. Về đến nhà thì con không gặp bố mẹ vì các cháu đã ngủ. Cho nên chúng ta không nên đặt gánh nặng tăng trưởng lên đôi vai người lao động. Họ đã là những người yếu thế trong xã hội, do đó tôi khao khát Quốc hội lưu tâm" - ĐB Phùng Thị Thường bày tỏ.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam)

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam)

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) tán thành việc bổ sung thêm 1 ngày nghỉ lễ trong khoảng thời gian từ 2-5 đến 1-9 vì số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm của chúng ta hiện còn ở mức thấp so với trong khu vực. Bà cho rằng nếu được Quốc hội đồng thuận thông qua thì đây là một trong những điểm tiến bộ nổi bật của lần sửa đổi này. Để bảo đảm ý nghĩa thực sự của ngày nghỉ lễ trên toàn quốc, áp dụng với mọi giai tầng xã hội, bà tán thành đề xuất lấy Ngày 28-6, Ngày Gia đình Việt Nam.

Bộ Lao động rút đề xuất tăng 1 ngày nghỉ, đại biểu Quốc hội vẫn muốn thêm

Hôm nay (23/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Bộ luật Lao động...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Văn Duẩn ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN